Thực hiện hành trình “Chung tay vun đắp những mầm xanh”
Thực tế hiện nay, ở nhiều địa phương, trẻ em vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chịu nhiều thiệt thòi từ những thiếu thốn của giáo dục, điều kiện sống. Do đó, quan tâm và bồi đắp cho “mầm non tương lai” cũng là góp phần chung tay với xã hội phát triển đất nước. Chương trình cộng đồng “Chung tay vun đắp những mầm xanh” được thực hiện từ ý nghĩa trên.
Theo đó, Hành trình “Chung tay vun đắp những mầm xanh” do Hợp Trí chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo, Trung Tâm Bảo Trợ Trẻ Em và các tổ chức thiện nguyện tại các địa phương, tỉnh thành thực hiện. Chương trình sẽ triển khai từ tháng 1-4/2017, đi đến các các địa phương đang còn gặp nhiều khó khăn về môi trường giáo dục và ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng biến đổi khí hậu như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Long An, Bến Tre, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Kiên Giang…
Tại mỗi điểm đi qua, Hành trình sẽ tiến hành sửa chữa, khắc phục tình trạng xuống cấp của trường học, sơn tường và trang trí cho trường học khang trang hơn,trao tặng tủ sách cho nhà trường, tổ chức ngày hội vui chơi và ẩm thực, hỗ trợ suất ăn cơm trưa và quà tặng cho các bé, trao tặng học bổng cho các tấm gương gặp khó khăn nhưng hiếu học và đặc biệt sẽ lắp đặt hệ thống lọc nước để cung cấp nước sạch cho các em học sinh.
Thực tế hiện nay, theo đánh giá tổng quan của Cục Thống Kê và báo cáo của Bộ Giáo Dục – Đào tạo, hiện nay cả nước vẫn còn hơn 15,000 phòng học tạm bợ, mượn nhờ thuộc bậc học mầm non. Con số này chiếm nhiều nhất tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long – vẫn được xem là khu vực trũng của nền giáo dục. Ban chỉ đạo miền Tây Nam Bộ cho biết: ĐBSCL hiện nay còn đến 200 xã chưa có trường mầm non, mẫu giáo; hiện cả vùng còn 1.905 phòng học tạm và 2.608 phòng học nhờ, mượn.
Bên cạnh đó, năm 2016 là năm đáng báo động, chính phủ cũng đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp khi 52 trong số 63 tỉnh thành trên cả nước đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong hơn 60 năm qua. Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là các vùng chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi xâm nhập mặn và thiếu nước. Theo ước tính gần đây nhất của UNICEF, tại Việt Nam có khoảng 17 triệu (52%) trẻ em chưa được sử dụng nước sạch. Tình trạng thiếu nước sạch đang ngày càng trầm trọng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em, làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy và tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ. Tại các vùng bị ảnh hưởng bởi bão lũ, nguy cơ trẻ em dễ dàng bị tổn thương và mắc bệnh gây ra bởi nguồn nước không an toàn chiếm tỷ lệ cao.
Hành trình “Chung tay vun đắp những mầm xanh” được thực hiện cũng chỉ có thể giảm thiểu phần nào những thiệt thòi hiện nay của các em. Hơn bao giờ hết, những vấn đề báo động hiện nay đang cần sự chung tay, chung sức hành động không chỉ từ chính phủ, các cơ quan ban ngành, mà còn là sự tham gia từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để ra sức bảo vệ “thế hệ tương lai của đất nước”.
Hành trình “Chung tay vun đắp những mầm xanh” thuộc giai đoạn kế tiếp của dự án cộng đồng “Vì cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn” thuộc quỹ Hợp Trí Super Humic. Quỹ “Hợp Trí Super Humic – Vì Cuộc Sống Ngày Một Tốt Đẹp Hơn” được thành lập từ tháng 4 năm 2015 bằng cách trích 2000 đồng trên mỗi gói Hợp Trí Super Humic 1kg bán ra đóng góp vào quỹ. Qua 2 năm xây dựng và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ bà con nông dân, Quỹ đã không ngừng lớn mạnh, thực hiện được nhiều chương trình hết sức ý nghĩa chăm sóc cho đời sống người dân.
Hãy cùng chúng tôi theo dõi và cập nhật hành trình tại website: www.hoptri.com
PV