Thống “tôm” trả nợ “giang hồ”

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 28/08/2006Lần cập nhập cuối: 01/01/2021

Ký ức vỉa hè

 

Cái tên Thống “tôm” nơi đầu đường xó chợ ngày ấy có nguồn gốc từ thời cậu còn ở quê nhà Quảng Ngãi. Hồi ấy Thống bệnh hen suyễn nặng suốt mấy năm trời, cô y tá làng chích thuốc gì mà cánh tay trái cậu teo dần, cong như con tôm, may có ông thầy thuốc nam nọ ra tay mới thoát chết trẻ. 

 

Nhà nghèo, mẹ bệnh nặng nên học tới lớp 7 Thống phải xa thầy, xa bạn. Đến tận bây giờ Thống vẫn chưa thể quên cái tết thật buồn năm đó, nhớ nhất là chuyện người ta kéo đến nhà đòi nợ, lời lẽ nặng nhẹ rẻ khinh. “Con thề không có tiền thì không trở lại”, cậu bé Thống khi đó mới 13 tuổi đã nói vậy trước lúc bỏ nhà đi bụi.

 

Hết bán vé số lại chuyển sang bán báo dạo, bán ế quá lại đi phụ hồ. Thân ốm tong, tay cong vòng, nhưng vì cái ăn mà Thống phải gồng mình vác những bao ximăng 50kg.

 

Hết việc, cậu gia nhập băng đánh giày ở ga Sài Gòn. Buổi tối, Thống qua đêm trên cây bàng ven kênh Nhiêu Lộc, hôm nào lạnh thì chui vô mô hình đoàn xe lửa trước ga Sài Gòn. Những ngày tết, Thống cứ lang thang qua các nẻo đường, hòa nhập chốn đông người để nguôi đi nỗi nhớ nhà da diết.

 

Trả nợ cuộc đời

 

Cơ hội “đổi đời” đến với Thống khi một bạn trẻ đánh giày rủ cậu đi học nhiếp ảnh miễn phí của Hội Bảo trợ trẻ em TPHCM. Thấy hay hay, Thống học thử, chẳng dè bị “dụ dỗ” luôn vào dự án “Trẻ lớn hội nhập” của hội.

 

Sau khóa nhiếp ảnh, cậu được gửi vào học việc tại một studio ảnh cưới. Mỗi ngày Thống cọc cạch đạp xe 14 cây số đến chỗ làm. Lần đầu tiên được chạm tay vào con chuột máy vi tính, Thống “tôm”… run bần bật: “Hồi nào tới giờ có biết nó là gì nên tôi sợ làm hư”.

 

Khi đã biết nghề, Thống liều mạng xin thử việc tại một studio… Tết năm đó, Thống bất ngờ trở về nhà lúc sáng tinh mơ, mẹ con, anh em trùng phùng trong nước mắt. Cậu hãnh diện đưa cho mẹ 5 triệu đồng để trả nợ và cùng hai em đến thăm họ hàng nội, ngoại sau nhiều năm lăn lóc chốn “giang hồ”.

 

Không chỉ lo được cho gia đình, xây nhà, bây giờ Thống còn dành dụm mua hai bộ máy tính, nhà trọ của Thống trở thành nơi học việc của bốn “đàn em” cũng là trẻ đường phố. Không chỉ đi làm thuê cho một studio với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng, Thống còn tìm đến các cửa hiệu dịch vụ cưới hỏi và các studio chào mời gia công để tạo việc làm liên tục cho “học trò”.

 

Nhờ có thầy “mát tay”, chẳng mấy chốc bốn bạn trẻ đường phố đã làm được việc. Trung, một trong số học trò, bộc bạch: “Học với anh Thống rất dễ hiểu, giờ tụi tôi rất tự tin”.

 

“Nhờ các thầy trong dự án giúp đỡ mà tôi mới được như ngày hôm nay”, Thống “tôm” nói về lý do truyền nghề cho các “đàn em” đồng cảnh. Lúc chúng tôi đến, họ đang loay hoay chuẩn bị gửi tài liệu để kiếm thêm khách hàng cho mùa cưới sắp đến.

 

Chàng trai trẻ lên kế hoạch đầu tư thêm máy móc để có thể “rước” được nhiều “người đi sau”, thậm chí mở một công ty của những bạn trẻ từng lăn lộn giữa dòng đời…

 

Theo Thái BìnhTuổi Trẻ