“Thiếu nữ trèo rào công viên nước” vào bài hùng biện sinh viên

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 23/04/2015Lần cập nhập cuối: 14/01/2021

Nhà vô địch Hùng biện Scrates Lê Hồng Hạnh nói về vụ việc xảy ra ở công viên nước ngày 19/4

Nhà vô địch Hùng biện Scrates Lê Hồng Hạnh nói về vụ việc xảy ra ở công viên nước ngày 19/4

Tối qua (22/4), nữ sinh Lê Thị Hồng Hạnh của trường ĐH Luật đã trở thành Quán quân cuộc thi Hùng biện Socrates năm 2015. Đây là một cuộc thi hùng biện rất có uy tín, được tổ chức thường niên dành cho tất cả các bạn sinh viên đang học tập tại Hà Nội.

Lê Hồng Hạnh đã thể hiện xuất sắc ngay từ vòng thi đầu tiên “Hùng biện đối kháng”. Ở phần thi này, cô đối đầu trực tiếp với thí sinh Phạm Sơn Tùng, nói về chủ đề có nên cấm bán hàng rong hay không.

Hồng Hạnh thể hiện bản lĩnh nổi trội ngay từ vòng thi đầu tiên

Hồng Hạnh thể hiện bản lĩnh nổi trội ngay từ vòng thi đầu tiên

Thế nhưng, phải tới vòng “Hùng biện đỉnh cao”, vòng thi cuối, Hồng Hạnh mới bộc lộ toàn bộ khả năng tư duy sắc bén, sự tự tin, bình tĩnh trong từng tình huống câu hỏi của BGK. Và do vậy, cô giành chiến thắng thuyết phục.

Bài thi hùng biện của Hạnh nói về chủ đề đang rất nóng hổi hiện nay đó là vụ “vỡ trận” công viên nước Hồ Tây ngày 19/4 vừa qua. Đây là chủ đề bốc thăm do BGK đưa ra.

Sau 2 phút suy nghĩ, Hạnh đã trình bày phần hùng biện khá thuyết phục về chủ đề này. Cô bạn cho rằng, vụ việc xyả ra ở công viên nước cho thấy rất nhiều vấn đề, trong đó nhức nhối nhất là thực trạng vế ý thức của người dân khi tham gia hoạt động cộng đồng.
 
Để xảy ra tình trạng trèo rào vào công viên tắm miễn phí là do ý thức tự trọng cá nhân của nhiều người còn rất thấp, bởi cùng đứng trước tình trạng đông đúc ở công viên, những người có ý thức đã tự động ra về.

Tuy nhiên, trên phương diện luật pháp, Hồng Hạnh cho rằng, công viên nước Hồ Tây phải chịu trách nhiệm về sự việc này. Cô giải thích, đơn vị này đứng ra tổ chức sự kiện nên phải có những biện pháp đảm bảo cho khách hàng được hưởng dịch vụ tốt nhất. Cho dù là dịch vụ miễn phí cũng phải có chất lượng tương đương với khi mất phí, đó là quan điểm của nữ sinh Luật.

Sau khi Hạnh trình bày, BGK liên tiếp đưa ra nhiều câu hỏi phụ cho cô. Trong đó có câu hỏi rằng có nên tiếp tục cho phép các hoạt động marketing bằng hình thức miễn phí như thế này hay không, Hồng Hạnh tự tin khẳng định rằng có.
 
Bởi cô bạn rạch ròi đây là một hình thức marketing mang lại nhiều hiệu quả tốt cho doanh nghiệp, tuy nhiên cần phải có những biện pháp quản lý tốt, cùng với sự nâng cao ý thức của người dân khi tham gia hoạt động miễn phí.

Bên cạnh Nhà vô địch Lê Thị Hồng Hạnh, vòng chung kết cuộc thi Hùng biện Socrates năm nay có sự góp mặt của 7 đối thủ khác, đó là: Phạm Sơn Tùng (Đại học Luật), Ngô Long Khánh (Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội), Nguyễn Thị Nụ (Viện Đại học Mở), Đỗ Hồng Ngọc (Đại học Luật), Phạm Phương Thảo (Đại học Luật), Nguyễn Thị Diễm Hằng (Đại học Kinh tế quốc dân), Đỗ Phú Đông (Học viện Ngân hàng).

Giải Nhì của cuộc thi Đỗ Phú Đông nói về chủ đề thực thi công lý

Giải Nhì của cuộc thi Đỗ Phú Đông nói về chủ đề thực thi công lý

Các đối thủ đều đã rất cố gắng thể hiện bản lĩnh của mình. Dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng các bạn đã tạo dựng được nền tảng kiến thức phong phú, sự tự tin khi thuyết trình trước đám đông. Dẫu vậy, giải Nhất chỉ có một và nó đã thuộc về một cô gái đến từ đơn vị chủ nhà ĐH Luật.

Khá đáng tiếc cho các thí sinh đến từ các trường khác vì các bạn trẻ không có được sự ủng hộ hết mình từ lực lượng khán giả như chủ nhà ĐH Luật, đây là một điểm bất lợi cho tâm lý khi trình diễn khả năng hùng biện.

Giải Ba - Phạm Sơn Tùng trình bày về câu nói Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi

Giải Ba – Phạm Sơn Tùng trình bày về câu nói “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”

Tuy vậy, chiến thắng dành cho Lê Hồng Hạnh là hoàn toàn xứng đáng. Cô bạn đã thuyết phục được tất cả các đối thủ còn lại bằng tài năng của mình. Hai thí sinh có điểm số theo sát Hồng Hạnh là Đỗ Phú Đông (Học viện Ngân hàng) và Phạm Sơn Tùng (ĐH Luật) lần lượt đoạt giải Nhì và giải Ba của cuộc thi.

Mai Châm