Thành lập khu bảo tồn biển Lý Sơn: 700 ngư dân cần sinh kế mới

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 16/04/2017Lần cập nhập cuối: 08/01/2021

Khu bảo tồn biển Lý Sơn được thực hiện trên phạm vi hơn 7.900 ha, trong đó diện tích mặt nước biển là hơn 7.100 ha. Khu bảo tồn được chia thành 3 vùng chức năng, gồm: Vùng bảo vệ nghiêm ngặt, bảo vệ hệ sinh thái vùng triều, cỏ biển và rạn san hô độ sâu từ 3 đến 20 m; vùng phục hồi sinh thái thuộc khu vực đảo Lớn và đảo Bé trên diện tích gần 2.000 ha, bảo vệ các loài sinh vật biển; vùng phát triển trên diện tích 4.500 ha gồm âu cảng và phần biển bao quanh.

Trong phạm vi khu bảo tồn biển, các hoạt động đánh bắt, khai thác hải sản bị nghiêm cấm. Điều này khiến 700 ngư dân hành nghề đánh bắt ven bờ bằng thuyền thúng hoặc tàu cá có công suất dưới 10 CV lo lắng về phương kế sinh nhai trong thời gian đến.

 Hoạt động đánh bắt gần bờ nằm hoàn toàn trong phạm vi 7.900 ha của khu bảo tồn biển Lý Sơn.

Hoạt động đánh bắt gần bờ nằm hoàn toàn trong phạm vi 7.900 ha của khu bảo tồn biển Lý Sơn.

 700 ngư dân Lý Sơn trước nay mưu sinh bằng nghề đánh bắt hải sản gần bờ đang cần được chuyển đổi sinh kế

700 ngư dân Lý Sơn trước nay mưu sinh bằng nghề đánh bắt hải sản gần bờ đang cần được chuyển đổi sinh kế

Mấy chục năm qua, gia đình ông Võ Minh Sơn (thôn Tây, xã An Vĩnh) đã gắn bó với vùng biển gần bờ để mưu sinh. Mỗi ngày, ông Sơn có thể kiếm được từ 500 – 800 ngàn đồng từ nghề lặn ốc cừ, đánh bắt cá trên chiếc thuyền có công suất 4 CV. Từ ngày nghe tin hoạt động đánh bắt ven bờ sẽ bị cấm, ông Sơn vô cùng lo lắng: “Nhà tôi có 5 miệng ăn, mấy chục năm qua sống bằng cách đánh bắt hải sản ven bờ. Sắp tới không được đánh bắt nữa không biết làm nghề gì để sống”.

Cùng tâm trạng đó, ngư dân Nguyễn Tấn Thành (khu dân cư số 7, thôn Tây, xã An Vĩnh) hành nghề đánh lưới bằng thuyền thúng cho rằng, việc thành lập khu bảo tồn biển mang đến lợi ích lâu dài cho người dân đảo Lý Sơn nên mọi người rất ủng hộ. Tuy nhiên, hàng trăm hộ dân ở khu dân cư số 7 đang rất lo lắng khi kế sinh nhai “cha truyền con nối” suốt mấy chục năm qua sẽ không còn.

 Nhiều lao động sẽ mất việc làm khi hoạt động đánh bắt ven bờ bị cấm.

Nhiều lao động sẽ mất việc làm khi hoạt động đánh bắt ven bờ bị cấm.

“Đóng tàu lớn ra khơi xa thì chúng tôi không đủ khả năng, còn tham gia dịch vụ du lịch cũng khó vì ở đất đảo rất đông người dân làm các dịch vụ này. Mong nhà nước tìm phương hướng giúp chúng tôi chuyển đổi ngành nghề phù hợp nhất”, anh Thành kiến nghị.

Theo khảo sát, việc thành lập khu bảo tồn biển Lý Sơn tác động trực tiếp đến 700 ngư dân đang hành nghề đánh bắt ven bờ, trong đó phần lớn là những ngư dân đánh bắt hải sản bằng các dụng cụ thô sơ. Vì vậy, việc chuyển đổi và đảm bảo kế sinh nhai cho hàng trăm hộ ngư dân cùng lúc đang là một bài toán khó.

Về vấn đề này, ông Phùng Đình Toàn – Giám đốc Khu bảo tồn biển Lý Sơn, cho biết: Ban quản lý khu bảo tồn sẽ đề xuất cơ chế hỗ trợ cho một bộ phận ngư dân vay vốn ưu đãi để đóng mới tàu thuyền đủ sức vươn ra khơi xa. Đối với những ngư dân khai thác hải sản bằng các dụng cụ thô sơ sẽ được tập huấn để tham gia hoạt động phục vụ du khách đến với Lý Sơn. Sau khi hoàn thành việc chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân khai thác hải sản ven bờ, Ban quản lý khu bảo tồn biển Lý Sơn sẽ thực hiện đánh dấu khu vực cấm đánh bắt để người dân biết và thực hiện.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Phạm Thị Hương – PCT UBND huyện Lý Sơn, cho rằng: Đến thời điểm này mới triển khai khảo sát, lên phương án thay đổi sinh kế cho ngư dân đánh bắt ven bờ là quá chậm khiến không ít ngư dân lo lắng. Trong khi đó, việc chuyển đổi ngành nghề cho hàng trăm ngư dân gắn bó với vùng biển cạn ở Lý Sơn cùng lúc là điều không thể thực hiện trong một sớm, một chiều.

“Có 2 phương án chuyển đổi sinh kế được đề cập, một là hỗ trợ cho ngư dân đóng tàu có công suất lớn để đánh bắt ngoài phạm vi khu bảo tồn. Hai là tập huấn để họ tham gia các dịch vụ phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên cả 2 phương án này cần phải có thời gian để triển khai, bởi việc chuyển đổi từ hoạt động đánh bắt ven bờ đến đánh bắt khơi xa và tham gia các dịch vụ du lịch là sự thay đổi rất lớn, ngư dân cần thời gian để lựa chọn và làm quen với sinh kế mới”, bà Hương nhấn mạnh.

Có thể thấy rằng, người dân huyện đảo Lý Sơn sẽ là đối tượng hưởng lợi trực tiếp và lâu dài từ khu bảo tồn biển. Tuy nhiên, hiện người dân chưa hiểu hết những giá trị mà khu bảo tồn biển mang lại, trong khi điều họ thấy được trước mắt là nguồn sống của gia đình đang bị “đe dọa”. Do vậy, cần phải ưu tiên giải quyết “bài toán” sinh kế cho ngư dân đánh bắt ven bờ, bởi đây là yếu tố tiên quyết để Khu bảo tồn biển Lý Sơn được thực hiện thành công.

Hà Xuyên