Tết Việt thời @
Nhớ hương vị Tết xưa
Trước kia, bất cứ gia đình nào dù có khó khăn đến mấy cũng không muốn để cho con cái lem luốc khó coi trong dịp Tết, trễ lắm thì sau khi đưa ông Táo về trời là tụi nhỏ đứa nào cũng có ít nhất một bộ đồ vía. Nhiều bà mẹ thường hay dặn thợ may “trừ hao” chút xíu vì con nít mau “nhổ giò”, nếu may vừa khít có khi mặc chỉ vài lần là sẽ chật. Bây giờ cuộc sống dễ thở hơn nhiều, trẻ nhỏ có thể được cha mẹ mua sắm quần áo bất cứ lúc nào trong năm và chắc cũng không mấy ai còn may đồ mới cho con vào dịp Tết nữa mà chỉ thường mua đồ may sẵn với nhiều kiểu dáng tha hồ mà lựa chọn.
Bánh mứt Tết ngày xưa thường do bàn tay khéo léo trong của bà, của mẹ và các chị tự tay làm, kỹ lưỡng từ khâu chọn nguyên liệu: Đường phải trắng mịn, trái cây phải đủ chín, nếp phải thật dẻo còn màu là từ lá dứa, lá cẩm chứ ít ai xài những ống màu hóa học. Lúc gói bánh hay làm mứt cũng là lúc quây quần bên nhau để người đi trước dạy cho con cháu đi sau chuyện bếp núc, nội trợ, dạy công, dung, ngôn hạnh cho con gái như một truyền thống lâu đời của người Việt.
Thuở trước, việc tặng quà Tết hiếm ai câu nệ hình thức hay giá trị của những món quà phải là thứ đắt tiền. Đôi khi chỉ là chút quà quê: cặp bánh chưng, đòn bánh tét hay lọ mứt dừa do chính tay người biếu tự làm mà chứa chan biết bao tình cảm.
Và ngày Tết bây giờ
Nhịp sống hiện đại ngày nay làm thay đổi nhiều những truyền thống và giá trị xưa. Bây giờ có không ít người xem dịp Tết là những ngày hiếm có trong năm để kiếm tiền. Nhiều người vẫn tất bật kinh doanh đến tận tối 30 Tết, trưa Mùng 1 đã vội mở cửa khai trương. Những đứa con đi làm ăn xa cũng viện lẽ kiếm được nhiều tiền trong dịp Tết hoặc ngại đường xá xa xôi mà không về quê nhà, một phần cũng vì giá cả tàu xe trong những ngày này tăng cao và khó mua nên họ đành về nhà sau Tết.
Người lớn thì nhức đầu chuyện biếu xén quà cáp sao cho các sếp, đối tác lẫn khách hàng ai ai cũng hài lòng. Ngay cả chuyện lì xì cho con nít cũng bị biến tướng thành dịp tranh thủ lấy lòng cấp trên. Giới trẻ bây giờ không thích “sum họp” bên gia đình những ngày xuân nữa, bộn bề công việc, căng thẳng năm nên giờ đây họ thích “sum vầy” với bạn cùng nhau đi chơi xa hơn là ở nhà dịp Tết. Chợ búa truyền thống mùa Tết cũng vắng vẻ không xôm tụ như xưa vì mọi thứ thịt thà, bánh trái ngày Tết đều có thể sắm sửa “online”.
Cho Tết thực sự Tết hơn
Nói vậy không có nghĩa chúng ta chối bỏ hay lên án sự tiến bộ của công nghệ và dịch vụ. Nhờ có những thay đổi đó mà ngày nay mà mọi người có thêm nhiều thời gian nghỉ ngơi bên người thân vào dịp Tết. Các má, các chị và những bà vợ thân yêu trong các gia đình yên tâm rảnh rang mà tịnh dưỡng và làm đẹp để đón mừng năm mới sau cả năm vất vả lo toan. Ngay cả những ông chồng có vụng về nhất đi nữa cũng có thể tự mình giúp vợ mua sắm ngày Tết bằng cách gọi điện đặt hàng giao tận nhà, thậm chí có khi còn đang yên vị trên xe gắn máy thì ông chủ tiệm tạp hóa quen đầu ngõ đã đích thân đặt ngay ngắn lên baga xe máy thùng Saigon Special phiên bản đặc biệt Tết Bính Thân để đem về nhà “cho Tết thật sự Tết hơn” cùng gia đình và lai rai với bạn bè trong những ngày xuân.
Cùng nhau quây quần trong đêm Giao Thừa, rồi các thành viên gia đình dành cho nhau những lời chúc đong đầy yêu thương với mong muốn sẽ có một năm mới thật an vui trong những thời khắc đầu tiên của năm mới là truyền thống thiêng liêng lâu đời của biết bao người Việt. Cho dù ở thời Tết @ thì vẫn cần gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, cùng nhau cởi mở tấm lòng, lắng nghe những câu chuyện Tết ý nghĩa và chia sẻ câu chuyện của bạn tại đây để cùng chào đón một năm mới an khang, thịnh vượng