Tết này sinh viên Hà thành đi đâu?
Về quê
Thi xong môn cuối cùng, Mai Anh (ĐHKHXH&NV – ĐHQG Hà Nội) vội vã sắp xếp đồ đạc, gói ghém quần áo cho vào chiếc ba lô to đùng, chuẩn bị về quê ăn Tết.
Mấy ngày hôm nay, Mai Anh háo hức lắm bởi trong lòng khấp khởi khi nghĩ đến cảnh sẽ được về quê chạy tung tăng trên cách đồng cho thoả thích những tháng ngày mong nhớ.
Đối với cô sinh viên năm thứ nhất này, dường như 15 ngày nghỉ tết là quá ngắn. Thời gian này, cô dùng để chơi cho “đã” bù lại những ngày chật vật, lo toan ôn thi.
“Sống chết với thủ đô”
Có lịch nghỉ, đa số sinh viên đều tót về quê, nhưng có một bộ phân nhỏ sinh viên vẫn bám trụ lại Hà Nội, chấp nhận một cái Tết xa gia đình, xa bè bạn, người thân.
Mấy ngày nay quả là bận rộn với Nguyễn Minh Long (ĐH Kiến trúc). Nhìn vào thời gian biểu của cậu, tôi cảm thấy choáng: Ngày đi làm ở một cửa hàng bán cây cảnh trong Triển lãm Giảng Võ; Đêm đi bốc vác cùng anh bạn chuyên giao hàng cho các cửa hàng bán lẻ trong dịp Tết. Khuya về mệt phờ, ngồi xì xụp bên bát mì tôm vừa tự học tiếng Anh.
Sinh ra ở vùng đất Quảng Bình đầy nắng gió, lại là anh cả trong một gia đình có 8 anh chị em, bố mẹ đều làm nghề nông. Minh Long phải lo toan bao nhiêu việc. Hôm đi nhập hoc, mẹ đưa cho 900 nghìn, bảo: “Con ráng mà học nhé. Bố mẹ sẽ cố gắng nuôi các em như mày”.
Long cầm tiền mà nước mắt rưng rưng. Hắn biết, đó là tiền mà bố mẹ phải chạy vạy vay bà con hàng xóm láng giềng, mỗi nơi một ít để lo cho hắn. Từ đó, hắn quyết tâm sẽ học thật giỏi và sẽ kiếm việc làm thêm để tự nuôi sống bản thân mình, để bố mẹ đỡ vất vả.
Chấp nhận một cái Tết xa nhà, xa mẹ nhưng đổi lại, Long sẽ có món tiền kha khá để nộp học phí cho kì sau và trang trải cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, với cậu, đây là thời cơ kiếm tiền và nâng cao khả năng thực tế.
Cũng giống như Minh Long, Ngọc Vĩnh An (ĐH KHXH&NV) cũng “bám trụ” Hà Nội. Tuy nhiên, cậu chỉ muốn thử xem tâm trạng của người xa quê đón Tết như thế nào. Hơn nữa, An cũng muốn khẳng định bản thân mình với gia đình, muốn “bứt phá” khỏi vỏ bọc quá ấm của người thân để chứng minh rằng: Cậu đã lớn và có thể tự lập được.
Những người như Minh Long, khắp mọi nơi trên Hà Nội và các thành phố khác không phải là ít. Có lẽ họ cùng chung hoàn cảnh hay cùng chung một sở thích: Cơ hội kiếm tiền và làm ăn. Và khi giao thừa đến, chắn hẳn họ sẽ bùi ngùi nhớ nhà nhưng có lẽ họ cũng cảm thấy mình lớn hơn rất nhiều.
Mùa du lịch bụi
Đối với nhóm của Tâm, Quý và Hồng Nhung cũng như một số cậu ấm cô chiêu ở Hà Thành, Tết ở Hà Nội “buồn như con chuồn chuồn”, ai biết nhà nấy. Đường phố vắng ngắt bởi những người sống ở tỉnh lẻ đa phần về quê ăn Tết. Thế là cả bọn quyết định đi xách balô đi.
Lên Sapa cùng nhau đón giao thừa và ngắm mây trời thỏa thích. Năm mới đến lại í ới gọi điện về nhà chúc Tết gia đình cùng người thân. Đây cũng là xu thế đón Tết của nhiều bạn trẻ.
Trong khi nhóm của Tâm đang chuẩn bị đồ đạc cho chuyến đi thì Phan Khánh Hằng đã nhảy tót lên ôtô về quê bạn ở Nghệ An chơi. Với Khánh Hằng, khi nghe bạn kể về quê sẽ đi cấy giúp mẹ, cô thích lắm. Chưa một lần được đi cấy nên cô rất tò mò và sẽ quyết chí học.
Nằn nì mãi, cuối cùng mẹ cũng gật đầu, nhưng với một điều kiện: Phải thường xuyên gọi điện về nhà và mồng ba Tết phải có mặt ở nhà. Hôn chụt vào má mẹ và nhảy tưng tưng vì sung sướng như đứa trẻ nhận được quà, Khánh Hằng đi chuẩn bị đồ đạc. Đây sẽ là lần đầu tiên cô thưởng thức một cái Tết đậm chất làng quê và để xem có gì khác với Hà Nội không.
Văn _Lại Hạnh