Tết hiu quạnh ở xóm mù biệt lập tại Sài Gòn

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 09/02/2016Lần cập nhập cuối: 08/02/2021

xommu2-1454850688551

Xóm trọ của những người mù tĩnh lặng trọng những ngày Tết

Rẽ vào con hẻm nhỏ ngay cạnh nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), hình ảnh ảm đạm của xóm mù hiện ra ngay trước mắt chúng tôi, trên con đường đầy bụi với những căn nhà dột nát tạo nên cảnh tĩnh lặng đến lạ thường. Dù sống giữa phố thị náo nhiệt nhưng không gian nơi đây như được tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, ở đó, hơn 50 con người sống trong nghèo khó, tối tăm.

Người mù tại đây sống bằng rất nhiều nghề như mát xa, bấm huyệt, bán tăm… nhưng chủ yếu vẫn là nghề bán vé số . Bà Nguyễn Thị Lán (70 tuổi, quê Tây Ninh) cho biết : “Tôi sống ở xóm mù này với mọi người được khoảng 10 năm nay, hàng ngày tôi đi bán vé số, cuộc sống cơ cực cũng đã quen rồi. Với chúng tôi, ngày nào cũng như nhau cả, chẳng ai còn biết ăn Tết là cái gì, chỉ biết ngày Tết đi bán vé số được nhiều người mua hơn”.

“Ngày xưa còn trẻ, đi bán vé số nhiều còn đủ ăn, giờ già rồi, lại mắc bệnh khớp nên thỉnh thoảng mới đi bán được. Cố mấy ngày Tết đi bán vé số kiếm chút tiền tích lũy mua thuốc khi bệnh phải nằm một. Chồng tôi không may mất năm trước, nên giờ chỉ còn mình tôi mưu sinh ở đây. Không có ai nuôi, thì mình phải tự nuôi mình vậy, già rồi không biết đi đâu về đâu” – Bà Lán tâm sự.

Bà Lán với căn phòng trọ nhỏ nằm trong xóm người mù biệt lập giữa Sài Gòn
Bà Lán với căn phòng trọ nhỏ nằm trong xóm người mù biệt lập giữa Sài Gòn

Cùng hoàn cảnh với bà Lán, bà Phụng (50 tuổi, quê Quảng Nam) chia sẻ: “Tôi mù từ năm 12 tuổi, sau đó theo bạn bè vào Sài gòn sống từ năm 1984 và gặp chồng tôi là ông Sính mấy năm sau đó. Hai người cùng hoàn cảnh nên dọn về ở với nhau như vợ chồng để chia sẻ những khó khăn, nương tựa lúc buồn vui trong cuộc sống. Mỗi sáng thức dậy hai vợ chồng lại dắt nhau qua những con đường với công việc bán vé số quen thuộc, xế chiều chúng tôi trở về căn phòng đơn sơ ăn uống cho qua bữa rồi đi ngủ lấy sức cho ngày mai đi bán vé số tiếp”.

Căn phòng nhỏ xung quanh che bằng những tấm tôn đã han rỉ được vợ chồng bà Phụng thuê với giá 600 ngàn/tháng. Cuộc sống ở xóm mù vốn đã yên lặng khi mọi người bắt đầu với công việc của mình khiến nơi đây càng vắng lặng hơn. Màn đêm buông xuống, họ thu mình trong phòng, dù đèn bật sáng nhưng với nhiều người mù thì có lẽ, ánh sáng ấy chỉ là “tượng trưng” cho có.

Nhưng không vì thế mà họ nản chí, họ vẫn “bình tĩnh sống”, vẫn mưu sinh bằng công việc bán vé số. Đối với những người mù nơi đây họ phải rèn luyện được đôi tai nhạy cảm, họ phân biệt mọi thứ thông qua cảm giác và những gì họ nghe được. Việc phân biệt đường lớn đường nhỏ thông qua thông qua tiếng còi xe, tiếng mọi nguời xung quanh, nhưng nhiều khi họ vẫn bị lạc không tìm thấy đường về xóm.

“Sinh hoạt hàng ngày lúc đầu có nhiều khó khăn nhưng sau dần rồi cũng thành một thói quen với mọi người ở xóm mù này. Tất cả mọi hoạt động cá nhân họ đều tự làm như một con người bình thường. Chỉ có 1,2 người sáng mắt có nhiệm vụ như người dẫn đường cho chúng tôi khi đi đến địa bàn mới hoặc làm các công việc như gắn bóng đèn điện và viết thư giúp mọi người” – Bà Phụng chia sẻ.

Vợ chồng bà Phụng đón thêm một cái Tết trong lặng lẽ
Vợ chồng bà Phụng đón thêm một cái Tết trong lặng lẽ

Chị Thắm (người dân địa phương) cho biết: “Dịp Tết cũng có những nhà hảo tâm đến giúp đỡ, có người cho gạo, người cho tiền nhưng cũng chỉ giúp họ được một phần nào, cái nghèo cái đói vẫn tiếp tục. Hàng ngày thấy họ dìu dắt nhau đi làm rồi lại dìu dắt nhau về, họ không biết ăn Tết là thế nào cả. Nhiều khi còn bị té trầy xước hết người vì vấp phải những vật cản trên đường”.

Ông Trần Văn Long (54 tuổi, ngụ phường Bình Hưng Hoà) chia sẻ: “Tôi nhìn họ mà thấy chạnh lòng, vào ngày lễ Tết mà người già vẫn sáng sớm phải đi bán vé số để kiếm sống, không có người thân, nhà thì thuê trọ, tối ngày cứ ảm đạm trong cuộc sống buồn tủi vậy thôi”.

Dù cái nghèo khó và chỉ có ánh sáng trong sự tưởng tượng nhưng xóm mù biệt lập với thế giới bên ngoài vẫn luôn khao khát được sống. Họ luôn nỗ lực vượt lên nghịch cảnh, vượt lên mọi gánh nặng mưu sinh để đùm bọc, sống ý nghĩa những ngày cuối đời.

Trung Kiên

Tết hiu quạnh ở xóm mù biệt lập tại Sài Gòn - 4