Teen oán trách cha mẹ vì… xấu
Con xấu vì… mẹ
Từ hồi tiểu học, Minh Ngọc, đang là học sinh lớp 10 ở TPHCM đã ghét cay đắng cái mũi, cái miệng của mình. Nhất là khi mọi người gọi luôn cô là Ngọc “tẹt” với những lời cười cợt mũi không đeo được kính, cạp đu đủ không cần… thìa.
Ngọc luôn khó chịu khi ai nhìn thẳng vào mình, cô hay quay mặt đi khi giao tiếp với người khác. Chỉ cần ai nhắc đến mũi, miệng là Ngọc đau khổ, cảm tưởng như trái đất sụp đổ.
Càng ngày, Ngọc càng uất ức vì “trung tâm khuôn mặt” không được cao ráo, sáng sủa. Cô trách mẹ không để lại cho mình nét đẹp nào, để mỗi cái mũi tẹt. Rồi có khi lúc đùa giỡn, Ngọc trách luôn cả bố đẹp trai vậy mà lấy… vợ xấu để đẻ con xấu.
Mới đây, bố mẹ bần thần khi Ngọc lặp đi lặp lại tuyên bố: Sau này đi làm, tháng lương đầu tiên sẽ dùng đi nâng mũi, gọt hàm. Ám ảnh về cái mũi tẹt, miệng hô của Ngọc vừa làm cô học trò mất tự tin trong giao tiếp cũng như đã tạo nên khoảng cách giữa cô và mẹ.
Ngược lại, có người mẹ đẹp như hoa hậu, Thúy Anh, 14, tuổi, nhà ở Q.11 lại quay sang trách mình nhặt hết điểm xấu của bố vừa lùn, vừa đen, trong khi chị gái lại cao trắng giống mẹ.
Từ bé Thúy Anh đã thích mặc quần áo kín mít để mọi người không thấy lan da ngăm ngăm của mình và không ít lần để lộ ý định sẽ đi tắm trắng.
Bố mẹ cô nữ sinh vô cùng khó xử khi con gái mặc định rằng sau này mình không lấy được chồng hoặc lấy chồng không ra gì, khó xin việc, số khổ… là do bố mẹ sinh ra mình xấu.
“Học cho nhiều mà xấu thì cũng chẳng bằng ai”, là điều bố mẹ thường xuyên nghe Thúy Anh dằn vặt mỗi khi nhắc nhở hay khen ngợi con trong việc học.
Ám ảnh về hình thức
Hình thức bên ngoài trở thành một mối bận tâm đến mức thái quá với rất nhiều bạn trẻ, thậm chí nhiều bé ở tuổi mầm non, tiểu học đã chú ý về vẻ ngoài.
Trong lần chia sẻ với sinh viên, TS Dương Ngọc Dũng, ĐH KHXH&NV TPHCM cảnh báo sự hào nhoáng trên mạng xã hội không chỉ về sự giàu có mà còn về hình thức làm cho mọi người quay cuồng theo giá trị ảo.
Những hình ảnh photoshop, những cô gái, chàng trai lên hình đẹp hơn cả hoa hậu, người mẫu… lừa gạt lẫn nhau nhưng lại tác động đến bộ não của nhiều người làm họ khát khao những điều đó. Thế rồi, họ nghĩ cách phải làm thế nào để đạt được hoặc rơi vào trạng thái đau khổ nếu không đạt được.
(Ảnh minh họa)
Ngoài ra, việc nhiều bạn trẻ ám ảnh về hình thức, luôn cho mình xấu là do họ bị tác động quá mức từ những lời chê bai, nhận xét của người xung quanh về hình thức.
Có thể, khi con còn bé, nhiều phụ huynh thường bình phẩm, chế giễu về hình thức của con hay so bì, phân biệt giữa chị em trong nhà giữa đứa đẹp – đứa xấu, rồi so bì vẻ ngoài con mình với những đứa trẻ hàng xóm… làm con tổn thương, quay sang uất ức, đổ lỗi.
Đó là vấn nạn body shaming (miệt thị ngoại hình) để lại hậu quả lâu dài làm trẻ mặc cảm, tự ti đeo bám…Đây là vấn nạn cần lên án, mỗi người cũng cần trang bị cho mình bản lĩnh, lập trường để hạn chế tác động body shaming.
Làm cho bản thân mình đẹp hơn là việc cần khuyến khích, người trẻ cần quan tâm chăm da, chăm dáng, hay biết cách ăn mặc, trang điểm để che những khuyết điểm.
Tuy nhiên, quan trọng hơn là mỗi người cần hiểu đẹp ở nhiều khía cạnh với những giá trị thật về lối sống, suy nghĩ, tình cảm, tâm hồn, lời ăn tiếng…. đáng giá hơn nhiều.
Trong gia đình, một chuyên gia tâm lý ở TPHCM lưu ý ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ không bình phẩm, chế giễu, đùa cợt về cơ thể con làm bé khó chịu, ấm ức có thể dẫn đến những ám ảnh, mặc cảm, tự tin và lệch lạc về sau.
Đồng thời, cha mẹ cũng không nên khen ngợi về hình thức con trẻ một cách quá mức khiến con vênh váo, khoe khoang, bộc lộ cơ thể mình cũng như chê bai người khác.
Lê Đăng Đạt