Tạm xa giảng đường đến Trường Sa tôi luyện
Đi để trưởng thành
Sau chuyến “tăng bo” bằng những chiếc ca nô cập bến đảo Nam Yết, đại diện đoàn công tác với thành phần chủ lực là các y bác sỹ ưu tú của Bệnh viện Bạch Mai bắt đầu triển khai khám, chữa bệnh cho chiến sỹ hải quân. Số còn lại, tập trung dưới tán mù u mà theo lời giới thiệu, đã có nhiều chục năm tuổi, để tận hưởng bóng mát quý giá dưới cái nắng như thiêu đốt thịt da.
Cùng lúc đó, một chiến sỹ khá trắng trẻo, tuấn tú – biết ngay là lính mới (ra Trường Sa, một điểm chung rõ nhất của các chiến sỹ chính là màu da cháy nắng đặc trưng) mang theo ấm trà mạn ngát hương tới tiếp nước cho đoàn công tác.
Biển tên trên ngực đề “Nguyễn Huy Hoàng”. Tôi bắt chuyện: “Hoàng chắc mới ra đảo nhỉ?. “Dạ vâng, em ra từ tháng 9 năm ngoái ạ” – Hoàng lễ phép thưa. Sau hồi qua lại, biết được chàng lính trẻ quê gốc ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, gia đình sinh sống và lập nghiệp ở thành phố Hải Phòng.
Năm 2015, sau khi tốt nghiệp THPT, Hoàng làm hồ sơ thi tuyển vào Đại học Hàng hải Hải Phòng. Ít lâu sau, gia đình vui mừng nhận được giấy báo trúng tuyển. “Em được thừa 3 điểm đấy” – tân binh khoe.
Ấy thế rồi, khi cuộc thoại bắt đầu gần gũi hơn, Hoàng cho hay, dù rất vui mừng vì cánh cửa đại học đã mở nhưng em đã xin phép bố mẹ bảo lưu kết quả để thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc ở Trường Sa.
“Thoạt đầu, bố mẹ bất ngờ! Nhưng sau thấy em quyết tâm, bố mẹ mới bảo ở đó sẽ vất vả hơn nhiều khi theo học đại học, nhưng đổi lại, em sẽ được rèn luyện bản thân, sẽ cứng cáp hơn, rồi bố em dặn cứ suy nghĩ thật kỹ nhé”.
Tiếp đà hào hứng, giọng Hoàng ngày một lớn hơn: “Ngay khi bố em dứt lời, em chìa ra lá đơn xin đi làm nghĩa vụ tại quần đảo Trường Sa và hứa với bố mẹ sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại miền đất thiêng liêng này”.
Nhận thấy thái độ dứt khoát, bố mẹ đã chấp thuận lời đề đạt đầy bất ngờ và xúc động của con trai. Theo lời chàng lính trẻ, mục đích chính của chuyến ra đảo chính là mong muốn cảm nhận được đầy đủ hơn về cuộc sống của các chiến sỹ nơi biển đảo.
Bên cạnh đó, những tháng ngày thực hiện nghĩa vụ tại đây sẽ giúp Hoàng hiểu hơn về những giá trị lịch sử của đất nước và mong muốn kỷ luật quân đội sẽ tôi luyện một thanh niên mới lớn thêm phần rắn rỏi, cứng cáp trước khi bước vào một giai đoạn mới của cuộc đời.
Chúng tôi luôn ủng hộ quyết định đúng đắn của con
Với mong muốn sẽ gặp lại người lính đặc biệt này, tôi chủ động xin số điện thoại của gia đình Hoàng. Và cũng không quá bất ngờ khi bố Hoàng – anh Nguyễn Văn Từ (SN 1970, đang công tác tại Bộ Tham mưu Hải quân) chia sẻ rất cởi mở về gia đình và cậu con trai.
“Thoạt đầu, bố mẹ bất ngờ! Nhưng sau thấy em quyết tâm, bố mẹ mới bảo ở đó sẽ vất vả hơn nhiều khi theo học đại học, nhưng đổi lại, em sẽ được rèn luyện bản thân, sẽ cứng cáp hơn, rồi bố em dặn cứ suy nghĩ thật kỹ nhé”.
Anh Từ cho hay, năm 1996, từ miền quê lúa Thái Bình, anh nhận công tác tại Bộ Tham mưu Hải quân có trụ sở ở Hải Phòng. Tại đây, sau thời gian tìm hiểu, cô gái Nguyễn Thị Tuyết (SN 1974, đến từ miền đất Tổ – Phú Thọ) trở thành người bạn đời của anh và sinh hạ cho người lính hải quân 2 cậu con trai. Sau Hoàng còn cậu em Nguyễn Hoàng Minh Quân, đang theo học năm đầu trung học cơ sở.
Nói về quyết định đặc biệt của con trai, anh Từ vui vẻ: “Trước tiên, gia đình chúng tôi luôn ủng hộ mọi quyết định đúng đắn của con. Dù khá bất ngờ, nhưng với truyền thống của một gia đình người lính hải quân, tôi thấy rất vui khi con mình mong muốn nối nghiệp cha”.
Cũng theo chia sẻ của anh Nguyễn Văn Từ, khi biết tin Hoàng quyết định bảo lưu kết quả thi đại học để khoác áo lính, nhiều người quen tới tấp gọi điện đến. Cũng có người ủng hộ, có người lại bảo nên khuyên cháu Hoàng suy nghĩ lại, bởi việc theo học đại học sẽ mở ra một tương lai thuận lợi hơn.
“Với riêng gia đình tôi lại khác, cả vợ chồng cùng là những người lính hải quân. Do đó, chuyện con mong muốn trở thành lính biển, tôi coi là điều hết sức bình thường. Từ ngày biết con mình quyết tâm phục vụ cho Tổ quốc, vợ chồng tôi không làm gì khác ngoài những lời động viên và căn dặn con trước chuyến đi đầy ý nghĩa.
Tôi bảo, con hãy vì nhiệm vụ chung đi đã, ở đó phấn đấu cho thật tốt rồi về tiếp tục theo học cũng chưa muộn”, anh Từ bộc bạch.
Theo Bảo Thắng
Tiền phong