“Sống thử” – kết thúc buồn!
Chỉ sinh viên mới nhận “búa rìu dư luận”
Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Thu Nguyệt ở Ngôi nhà Tuổi trẻ, đối tượng phải nhận được sự bàn tán của xã hội nhiều nhất khi chấp nhận chuyện sống thử là giới sinh viên. Những người đã đi làm, có công ăn việc làm ổn định sống thử với nhau trước khi kết hôn thì ít nhận phải sự bàn tán của người ngoài. Riêng sinh viên thì vấn đề này được chú ý hơn, đa phần bởi người ta vẫn quan niệm ở độ tuổi mà vẫn đang vất vả học hành, nghề nghiệp chưa có thì sống thử càng dễ mắc sai lầm hơn.
Theo bà Thu Nguyệt, thực tế không chỉ có giới sinh viên mà ở giới nào cũng diễn ra chuyện sống thử: công chức, doanh nghiệp, thậm chí những người đã từng ly hôn tìm đến với nhau. “Giới trẻ sống thử không còn chuyện lạ, nếu như ở phương Tây chuyện này người ta cũng chẳng quan tâm vì trên 18 tuổi là mỗi người trẻ có quyền quyết định cách sống, lối sống của mình thì ở Việt Nam vẫn nặng nề với lối sống này lắm”, bà Thu Nguyệt nhận xét.
Chuyên gia tư vấn tâm lý Hiền Hào, giảng viên Trường đại học Y Hà Nội lại có phân loại về hiện tượng “sống thử” ở giới trẻ hiện nay. Theo ông thì sống thử xét về mặt địa bàn đa số diễn ra ở các thành phố lớn, nơi mà người đông nhưng tình cảm giữa người và người lại là những khoảng cách khá lớn. Xét về mặt hoàn cảnh đó là những người sống xa gia đình, không có người thân bên cạnh làm chỗ dựa tinh thần. Xét về mặt tâm lý đó là những người yếu đuối, cảm thấy cô đơn và có nhu cầu về tình cảm cao. Nhưng xét ở khía cạnh nào thì các đối tượng sống thử với nhau có một thỏa thuận ngầm là “chấp nhận phiêu lưu” chứ không hề cảm thấy bị ép buộc. Nghĩa là cho dù dẫn đến hệ quả nào thì cả hai người chấp nhận sống thử sẽ biết cách tự giải quyết với nhau.
Trở lại chuyện sinh viên sống thử với nhau, hầu hết đều sẽ nghĩ đến những hệ quả xấu bởi trong quan niệm của mọi người, việc học là việc công. Sinh viên học không phải cho bản thân mình mà còn cho cả cha mẹ, họ hàng. Nên vì những lý do riêng tư dẫn đến việc học bê trễ, không đạt được mong muốn như ước nguyện của bố mẹ, của họ hàng thì việc họ bị lên án cũng là điều dễ hiểu.
Điều tôi muốn chia sẻ là các em cần phải biết giữ mình, tránh những hệ quả xấu như mang thai ngoài ý muốn, hoặc những lý do khác làm ảnh hưởng đến việc học. Mọi người cũng nên có tư tưởng thoáng hơn, bởi nếu có cấm thì cũng không cấm được. Điều dễ nhận thấy là độ tuổi trẻ vị thành niên có quan hệ tình dục ngày càng sớm, những bạn trẻ chấp nhận sống thử ngày càng phổ biến”, ông Hào cho biết.
Sống thử thường chỉ dẫn đến… kết thúc buồn
Sống thử trước hôn nhân, theo các chuyên gia tâm lý đa phần thường dẫn đến tan vỡ, đặc biệt là đối với những cặp đôi chưa có công ăn việc làm ổn định, chưa có khả năng tự quyết định cuộc sống của mình. Sau khoảng thời gian “chung đụng” với nhau, chỉ rất ít cặp đôi cảm thấy hòa hợp để tiếp tục tiến đến hôn nhân thực sự.
Chuyên gia tư vấn tâm lý Thu Nguyệt cho biết, tình yêu và hôn nhân là 2 khái niệm rất khác nhau. Khi yêu người ta thường chỉ nghĩ đến những đức tính tốt đẹp của nhau và mọi thứ xung quanh đều màu hồng. Còn sau hôn nhân, lúc mà tình yêu màu hồng phải dẹp bỏ sang một bên để lo toan cho những tính toán đời thường thì rất dễ xảy ra những va chạm, xung đột. Nếu không biết cách hài hòa, giải quyết những va chạm, xung đột này thì chuyện tan vỡ cũng tất yếu xảy ra.
“Khi đã kết hôn, tình cảm vợ chồng chuyển hướng sang cho con cái nên nếu có xung đột họ cũng tìm cách giải quyết sao cho tốt đẹp. Còn nếu sống thử, chẳng có ràng buộc nào về mặt pháp lý nên những xung đột nếu xảy ra, các bạn trẻ thường chọn giải pháp “đường ai nấy đi”…”, bà Thu Nguyệt nói.
Thực tế, những cặp đôi sống thử cũng chẳng có nhiều điều để người ngoài bình phẩm trừ phi họ để xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Có thai ngoài ý muốn, nạo phá thai hoặc sinh con khi vẫn chưa hoàn thành việc học, những hệ quả đó thường chỉ các bạn nữ sau khi sống thử phải gánh lấy. Vì vậy, các chuyên gia tâm lý cũng khuyên các bạn nữ nên cân nhắc kỹ trước quyết định “dọn nhà về sống chung” với người yêu.
Sông Lam