Sinh viên nữ – đích ngắm của các đại gia
Những “nhân viên đặc biệt” của công ty
T (SV năm 2, trường CĐ DL) bước chân vào thế giới các đại gia một cách tự nhiên đến mức T không kịp ý thức rằng mình đã trở thành một món “hàng” cao cấp. T làm tiếp viên cho một nhà hàng khá nổi ở Hà Nội. Với vẻ ngoài bắt mắt, T nhanh chóng có nhiều khách quen tại đây.
Ngoài những buổi phục vụ trên bàn rượu tại nhà hàng, T thường được rủ tới những cuộc vui của các vị khách thành đạt kia như một người bạn. T không giấu được sự hãnh diện khi “bạn bè” của mình toàn những vị giám đốc, những vị đại gia trẻ măng đi xe đẹp và công việc đàng hoàng.
Rồi vào một ngày đầu xuân, cả nhóm tụ tập đi chơi, một anh gợi ý đi chơi xa một chút cho có khí thế. Bảo T rủ thêm vài người bạn nữa cho vui. T kể: “Sau lần ấy, cả nhóm thường xuyên đi chơi với nhau và họ thường được nhận những món quà vật chất có giá trị, nhưng chỉ thế mà thôi” – T cười chua chát – “Nếu biết trước có kết cục như hôm nay thì tụi này đã chẳng sa chân”.
Cho đến một lần họ được nhờ đến tiếp khách quý của công ty của anh bạn T vì lý do: “Ông này rất quan trọng, nếu không anh đã chẳng nhờ đến tụi em. Thuê người cũng được nhưng sợ chúng nó không uy tín lại bể mối làm ăn”.
Nghĩ là chỗ bạn bè lâu ngày nên T và các bạn đồng ý, coi như buổi làm thêm cho công ty. Không ngờ mấy ông “khách quý” kia giở trò bậy bạ. Nể anh bạn họ đành ngậm bồ hòn. Lần đó được trả thù lao rất cao nên T và các bạn cũng im lặng. Cũng chính từ lúc đó, họ trở thành những “nhân viên đặc biệt” của công ty chuyên phục vụ những đối tác làm ăn quan trọng.
Trường hợp của L “vào nghề” một cách nhanh chóng hơn. Từng tham gia nhiều các hoạt động xã hội, nhờ đó các mối quan hệ “xã hội” của cô cũng khá đầy đủ. L yêu một giám đốc công ty tư nhân với một sự đảm bảo về vật chất gần như tuyệt đối. Chưa bao giờ phải xin tiền nhà lấy một đồng, L thoải mái chi tiêu sắm sửa mọi thứ cho mình và cho cả bạn bè. Đùng một cái, công ty người yêu bị vỡ nợ. Người yêu bỏ trốn, còn lại mình L bàng hoàng với cơn sốc cả về vật chất và tinh thần.
Một lần gặp chị bạn cũ từ hồi theo người yêu đi dự các bữa tiệc. Cám cảnh trước hoàn cảnh của cô em, chị ta rủ L tham gia vào đội ngũ nhân viên làm người yêu cảnh cho các sếp. “Mình chẳng mất gì mà chỉ đóng vai người yêu cho các ông lắm tiền nhưng thiếu tình cảm. Cái họ cần là tri thức của các em cơ, chứ tụi gái gọi kia đầy rẫy nhưng làm sao dám cho chúng đến cùng các bữa tiệc được”.
Nghĩ cũng “chẳng mất gì” thật, L gia nhập luôn để trang trải cho cuộc sống vốn đã quen với tiêu xài hoang phí rồi. Nhưng có vào nghề rồi mới há miệng mắc quai, đã chịu làm “người yêu theo hợp đồng” rồi thì L cũng phải chịu đựng tất cả. Cái gì đến cũng đến, tệ hơn nữa là chẳng những chỉ phục vụ mình ông giám đốc mà cả bạn của giám đốc cũng đến tay L. Có lần một đêm L phải qua tay 3 lão. Cay đắng nhận ra mình đã trở thành thứ “gái gọi cao cấp” của các sếp thì cũng đã muộn.
Tôi nhìn thấy rõ sự ghê tởm, đau đớn trong những đôi mắt hoảng loạn của T và L. Họ đáng thương, vì ngay cả khi thoát y trước mặt các đại gia, họ vẫn nghĩ rằng: “Đi phục vụ nhà hàng, không mặc quần áo cũng vì bắt buộc thôi, nhận tiền, nhận quà vì người ta cho, đâu có sai, âu cũng là một nghề để có tiền trang trải cuộc sống, miễn sao không quan hệ tình dục là được!”.
Áp lực đồng tiền và rơi vào vòng xoáy
Như T và L, những nữ sinh viên khác cũng sa ngã một cách tương tự. Chẳng thể nói một cách hỉ hả rằng: Ham tiền thì chết, kêu nỗi gì? Nếu nhìn một cách sâu sắc hơn sẽ dễ dàng nhận ra rằng họ chưa được trang bị kỹ năng để đối phó với trăm mưu ngàn kế của các đại gia, họ chưa đủ tỉnh táo để biết rằng với những nhà kinh doanh, bỏ một đồng vốn phải nhận lại được ít nhất bốn đồng lời.
Như những đứa trẻ ham vui (và cả ham chơi nữa), họ bị lôi cuốn bởi những hào quang của các đại gia. Đôi khi, cũng chỉ vì anh ấy quá phong độ với ngày 8/3 hoặc 14/2 đánh nguyên một xe bóng lộn mà đầy nhóc băng ghế sau là hoa hồng hay những bữa tối lãng mạn trên tầng 20 của một khách sạn 5 sao, hoặc chỉ đơn giản là cơ hội thực tập tại tổng công ty lớn với mức lương ngất ngưởng được trả trước cả năm trời.
Đấy là nói về cảm xúc bị đốn gục. Còn trăm thứ khác cũng có thể đốn gục một nữ sinh tỉnh lẻ mới lên Hà Nội phồn hoa. Từ áp lực của đủ thứ tiền học, tiền nhà, tiền ăn… mà bố mẹ dưới quê tối mày u mặt quanh năm suốt tháng không đủ chi viện. Lăn ra kiếm việc làm thêm thì năm cọc ba đồng thậm chí bị các trung tâm việc làm lừa đảo. Trắng tay.
Khát vọng học và được học khiến những sinh viên này nhắm mắt làm bừa với ý nghĩ: Chỉ là vậy, miễn là không có quan hệ tình dục thì không sao, vẫn giữ được sự trinh tiết cho sau này. Họ chấp nhận ký giấy vào làm tiếp viên phục vụ các quán gội đầu thư giãn, tiếp viên karaoke, quán bar… đến làm bồ hợp đồng cho các đại gia (nghĩ rằng là người yêu thôi mà, đâu phải vợ chồng mà có quan hệ).
Chưa hết, lại có những nữ sinh viên bị lừa theo dạng vay nặng lãi của những bà chị ngọt hơn mía lùi có cái lòng rộng như quốc lộ. Đến khi mất khả năng chi trả, buộc phải lấy thân mình ra để trừ nợ. Từ bị lừa đến bị ép, khoảng cách đôi khi chỉ là một bước chân vào trong một căn phòng.
Lại có những nữ sinh nghĩ ngây thơ rằng: Cái nghìn vàng mất đi một lần rồi thì nghìn lần sau cũng chẳng có gì để suy nghĩ. Và sau một cuộc tình hết lòng (lẫn hết sạch) với người yêu, nữ sinh viên này bước vào những cuộc chơi thoải con gà mái, những cuộc tình một đêm hay những cuộc thả dàn khỏi nghĩ. Không cần tình yêu, sống như Tây, thích thì chiều. Họ sa vào những cuộc chơi liên tiếp mà không hề nghĩ rằng mình đang trở thành gái bán dâm.
Những món quà đắt tiền được tặng sau mỗi cuộc chơi hoặc trước mỗi cuộc chơi không bị coi là tiền mua dâm mà chỉ được hiểu đơn thuần là quý mến mà tặng. Thậm chí, chuyển phỏm liên tục và được một bà chị dễ mến nào đó làm quen, ghi lại số điện thoại để khi nào có anh chàng nào hay ho lại giới thiệu.
Trăm phương ngàn kế, thập diện mai phục, các nữ sinh viên theo nhiều lối khác nhau tuỳ từng hoàn cảnh bị lọt vào đích ngắm của các đại gia thích “rau sạch”. Đến khi bị bắt, nhiều người vẫn còn ngơ ngác.
Cuộc sống không chỉ có một màu hồng hay chỉ toàn màu xám xịt. Chọn cách nhìn nào cũng là thiếu sót. Chỉ có sự tỉnh táo mới giúp ta đi vững.
Cái xấu không thể tồn tại nếu như mỗi người đều biết đấu tranh với nó. Sự im lặng đồng nghĩa với hèn nhát và thoả hiệp. Nếu bạn mạnh dạn hơn, can đảm hơn bạn sẽ thoát khỏi những cái ngỡ là không thể. Và cái xấu sẽ nhỏ dần và chết hẳn khi bạn dám đối mặt với nó. Trong bóng tối, họ hơn bạn. Nhưng ra ngoài sáng, sự thật sẽ là kẻ chiến thắng.
Theo Hoài An và Nhóm PVSinh Viên Việt