Sinh viên “lên trình” ở “phố Tây”

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 05/04/2009Lần cập nhập cuối: 01/01/2021

 Từ lâu, phố Tây đã được coi là địa chỉ làm thêm “lí tưởng” và là nơi để trau dồi kỹ năng giao tiếp tiếng Anh khá lý tưởng của sinh viên Huế!
 
Sinh viên “lên trình” ở “phố Tây” - 1

Ngọc Ánh đang nói chuyện với khách tại nhà hàng nơi đang làm thêm

 

Học làm… “pro”

 

Tại một nhà hàng sang trọng, 3 vị khách người Tây vừa ghé vào thì ngay lập tức, cô nhân viên mà ai cũng nghĩ là đã được đào tạo rất bài bản niềm nở bước ra mời chào: “Hello! Come in our restaustant” (Xin chào, mời các bạn vào quán!).

 

Quá thiện cảm, 3 chàng thanh niên Tây quyết định nán lại để… được nói chuyện với cô, nhưng chỉ vài ba câu sau, cô gái đã… “múa” chân tay loạn xạ vì không thể trả lời khách bằng tiếng Anh. Hỏi ra mới biết cô nhân viên xinh đẹp kia mới là sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Ngoại ngữ, đang làm thêm ở nhà hàng, mục đích là để học tiếng Anh!

 

“Em đến làm đây mới được hơn một tuần, tiếng Anh còn kém quá nên nói câu được câu mất!”, Nguyệt An cho biết.

 

Nguyệt An kể rằng, từ khi đến phố Tây đi làm thêm, vì vốn tiếng Anh quá “cùn” nên những tình huống như trên xảy ra thường xuyên. “Mình nói tiếng Anh không rõ nhưng người nước ngoài thường rất vui tính, thấy mình lóng ngóng như vậy họ vui và nhiệt tình giúp đỡ để mình giao tiếp, sau những lần như thế, vốn Anh văn của mình lên hẳn”, Nguyệt An kể.

 

Hai con đường Phạm Ngũ Lão, Võ Thị Sáu và một tuyến phố nhỏ bán tranh lưu niệm tại thành phố Huế được gọi là “phố Tây” vì tất cả mọi thứ ở con phố đều chủ yếu phục vụ cho khách Tây. Khách đến phố Tây hầu hết là khách du lịch đến từ Úc, Anh, Pháp. Các cửa hiệu bán đồ lưu niệm, nhà hàng lịch thiệp sang trọng mọc lên san sát thu hút lượng du khách nước ngoài rất lớn nên chỗ làm thêm cho sinh viên khá phong phú: từ nhân viên chạy bàn đến lễ tân nhà hàng, bán hàng lưu niệm tới… người nói chuyện với khách khi họ đến phố Tây một mình.

 

Chị Thư, chủ nhà hàng Ngọc Anh nói, cửa hiệu của chị lúc nào cũng có 3-4 người phục vụ, tiếp tân và tất cả đều thuê sinh viên làm. “Hầu như ngày nào cũng có sinh viên đến xin việc làm thêm, mình cũng chỉ ưu tiên cho các bạn làm vì họ vừa nhiệt tình, vừa muốn có thêm thu nhập trang trải cuộc sống và quan trọng là tạo điều kiện cho các bạn cọ xát, học hỏi”, chị nói.

 

“Làm thêm ở nơi này công việc rất nhẹ nhàng và lịch sự nên mình rất có hứng! Điều quan trọng và có ý nghĩa nhất đối với sinh viên ngành tiếng Anh như mình là được có cơ hội cọ xát, học hỏi, thực hành kỹ năng tiếng Anh giúp mình dạn dĩ hơn trong giao tiếp thông thường và khả năng thực hành ngoại ngữ”, Đậu Anh Thơ, phụ việc tại một cửa hàng lưu niệm ở phố Tây tâm sự.
 
Sinh viên “lên trình” ở “phố Tây” - 2

Hình ảnh sinh viên làm thêm ở nhà hàng chuyên có khách ngoại quốc tới lui không còn là hiếm với các bạn trẻ ở Huế.

 

Những bài học không có trên giảng đường

 

Sinh viên đến tìm việc ở phố Tây hầu hết chỉ với mục đích học hỏi và giao tiếp nhưng mức thu nhập tại đây cũng khá xứng đáng. Bạn Đậu Anh Thơ cho biết, công việc chính của bạn là phụ việc bán hàng lưu niệm, rất nhẹ nhàng và đơn giản, làm bán thời gian những mỗi tháng vẫn được trả lương gần một triệu.  “Làm vừa được trau dồi kỹ năng giao tiếp bằng Ngoại ngữ vừa được thu nhập cũng cao nên từ khi đi làm ở đây em chẳng cần phải xin tiền ở nhà nữa”, Thơ khoe.

 

Vì là phố Tây nên tiêu chuẩn đầu tiên để sinh viên có được một chỗ làm là biết ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, tiếng Pháp. Bạn Trần Thị Mai Hương, một sinh viên làm thêm ở đây cho biết, đã tìm mọi tài liệu để nâng cao trình độ Anh văn nhưng rất chậm tiến bộ, hôm đi xin việc, giới thiệu là sinh viên Ngoại ngữ chủ quán “ưa” liền và chỉ phỏng vấn vài câu rồi gật đầu nhận vào làm. Chỉ sau một tháng đi làm, giờ khả năng nói tiếng Anh của bạn lưu loát hẳn.

 

Tuy nhiên, không phải sinh viên nào tìm được việc ở phố Tây cũng giỏi ngoại ngữ. Có người biết ít, người biết “sơ sơ”, thậm chí có sinh viên mù tịt tiếng Anh nhưng làm một thời gian cũng nói chuyện với khách Tây như thường. Nhìn bạn Hoàng Thị Tuyết đon đả phục vụ, nói chuyện với khách nước ngoài “như gió”, khó ai có thể nghĩ lúc đi xin việc Tuyết hoàn toàn… “mù” tiếng Anh.

 

“Mình tìm đến phố Tây tìm việc làm chỉ mục đích duy nhất là học tiếng Anh. Chạy hết các quán nhưng đâu cũng nhận được cái lắc đầu vì cái yếu “khó chấp nhận” là “dốt tiếng Anh. Cuối cùng chủ quán nhà hàng mình đang làm cũng đồng ý nhận vào nhưng chỉ cho chạy bàn, còn giao tiếp để người khác làm. Dần dần được tiếp xúc với khách giúp mình biết nhiều thêm. Giờ thì gì chứ vốn “tiếng Anh nhà hàng” của mình khá lắm, mình cũng thấy tự tin, trưởng thành và dạn dĩ lên hẳn”, Tuyết vui vẻ nói.

 

Nguyễn Ngọc Ánh, sv năm 3, khoa tiếng Trung-Nhật, ĐH Ngoại ngữ Huế tiết lộ rằng, để có thể học tiếng Anh một cách sinh động hơn, mỗi lần nói chuyện với khách là Ánh lại bật điện thoại lên …ghi âm cuộc nói chuyện rồi tối về nằm gắn tai phone vào nghe để làm quen. Nhờ thế mà vốn nghe nói giao tiếp của bạn chỉ sau một thời gian ngắn đã “tiến bộ đến không ngờ”!

 

Tân Kỳ