Sinh viên “bệt”

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 30/08/2007Lần cập nhập cuối: 01/01/2021

Ăn “bệt”

 

Vào giờ tan học, tủ bánh ướt đối diện ĐH KHXH-NV TPHCM lúc nào cũng đông nghịt. SV ngồi la liệt dọc vỉa hè, trên tay là đĩa bánh đang ăn dở. Bên kia đường, gánh bún xào cũng đông không kém. Phần lớn SV đều ngồi ăn trong tư thế bệt hẳn xuống đất hoặc chồm hổm vì số bàn ghế quá ít hay thậm chí không có. Bất chấp nắng, bụi và khói xe phả vào, SV vẫn vội vàng với bữa trưa để kịp cho ca học chiều.

 

Trước cổng trường ĐH Kinh tế và ĐH Kiến trúc trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3 có hơn chục hàng ăn lộ thiên thì cũng có bằng ấy bàn, ghế. SV chen chúc nhau mua rồi trải báo ngồi bệt xuống đất, số khác kê dép hoặc đứng tựa lưng vào tường. Bữa ăn của rất nhiều SV vẫn diễn ra như vậy, đặc biệt đang vào mùa thi nên ăn “bệt” là cách tốt nhất để tiết kiệm thời gian và tiền bạc với túi tiền vốn “khiêm tốn” của SV.

 

Phương Linh (quê Đắk Lắk, SV ĐH KHXH-NV TPHCM) là khách “ruột” của gánh bún xào cổng trường từ 3 năm nay. Gia đình khó khăn nên bữa ăn của Linh chỉ co giãn trong khoản tiền ít ỏi 3.000 – 4.000 đồng. Những hôm học ca 2, Linh thường chọn bún xào vì vừa rẻ lại dễ ăn. “Ban đầu mình không ăn được vì món này khá cay, nhưng chẳng lẽ cứ gặm bánh mì mãi nên phải ăn. Bây giờ thì ghiền mất rồi”, Linh tâm sự.

 

Lý do quan trọng nhất để các hàng ăn “bệt” thu hút đông SV là giá cả “mềm”: 1 đĩa bún tương đối chỉ 3.000 đồng, bánh ướt nem chả 4.000 đồng. Trong khi đó để được “êm” bụng tại căn-tin, SV phải bỏ ra ít nhất 8.000 đồng cho một tô bún và 10.000-12.000 đồng cho một đĩa cơm. Và đó là cái giá mà bất kỳ SV khó khăn nào cũng ngại.

 

Uống cũng “bệt”

 

Đến trước cổng trường ĐH Kinh tế, ĐH Kiến trúc, ĐH Công nghiệp (TPHCM) bên cạnh hàng ăn là những hàng nước luôn đông khách SV. Vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày cũng dễ dàng bắt gặp rất nhiều SV ngồi bệt dưới đất, cạnh đó là ly nước đang uống dở mà nhiều nhất là cà phê.

 

Với chiếc bàn nhỏ ghép từ 4-5 mảnh ván hay đơn giản chỉ là chiếc thùng xốp vừa đựng nước đá vừa làm bàn lại dễ dàng thu dọn khi có công an đến, hàng nước cô N đã gắn bó với cổng trường ĐH KHXH-NV TPHCM từ hơn chục năm nay.

 

Trung bình mỗi ngày có vài trăm SV ghé vào hàng nước của cô, trong đó khách “ruột” là SV trường Nhân văn và khoa Dược (ĐH Y-Dược TPHCM) đối diện. Nếu trong quán cà phê Văn Khoa gần đó, một ly cà phê đá có giá 8.000 đồng thì chỉ cách có một bức tường rào, giá đã tụt xuống còn chưa đầy một nửa.

 

“Mềm” hơn phải kể đến ĐH Công nghiệp, với 2.000 đồng đã được “sở hữu” một ly cà phê đá, 2.500 đồng một ly phê sữa, còn đậu nành chỉ 1.000 đồng… Tất nhiên chất lượng của các loại thức uống này cũng “bèo” như giá của nó vậy. “Uống ngụm đầu còn biết mùi cà phê, đến 2-3 ngụm sau đã biến thành một loại nước đá màu nâu đen nhạt thếch”, bạn Hải cười.

 

Với nhiều SV, hằng ngày không thể đủ thời gian và tiền bạc vào quán làm vài ba cữ vì thế “bệt” luôn là lựa chọn số 1. Có nhiều lý do nhưng nhiều hơn cả vẫn là “làm ly cà phê cho tỉnh táo đầu óc trước khi nhập bài” như lời của Đồng (ĐH Kinh tế) tiết lộ.

 

Với Khanh (khoa Mỹ thuật – ĐH Kiến trúc) thì khác – Khanh thường “ngồi thiền” cả giờ dưới gốc cây vừa nhấm nháp cà phê, vừa vẽ.

 

Còn lý do để Huỳnh (khoa Địa – ĐH KHXH&NV TPHCM) thường lui tới hàng nước trước cổng dù đang trong giờ học là để “chống cháy” cơn buồn ngủ. Huỳnh tâm sự đang vào mùa thi nên thức đêm nhiều, một ngày phải uống 2-3 cữ mới trụ được.

 

Mặc dù chưa thể khẳng định mức độ đảm bảo an toàn thực phẩm tại những điểm “bệt” này nhưng vẫn có không ít SV từng gắn bó với nó cả chục năm trời. Nhiều người ra trường có việc làm ổn định, thừa điều kiện vào những quán sang trọng, nhưng thi thoảng vẫn ghé qua trường cũ ” bệt” một lúc để nhớ lại thời sinh viên khốn khó đã qua.

 

Theo Hải Yến Thanh Niên