Quán quân Imiss Thăng Long: Cần rất nhiều đam mê mới có thể theo nghề giáo
Sinh viên khối Tự nhiên nhưng không hề khô khan, cứng nhắc
Mạc Thùy Dương đang là sinh viên năm thứ 3, khoa Vật lý – ĐH Sư phạm Hà Nội. Nữ sinh có khá nhiều sở thích đặc biệt như đi du lịch để khám phá vẻ đẹp của Tổ quốc, thích tham gia các hoạt động văn nghệ vào thời gian rảnh để giúp bản thân tự tin hơn.
Cô cũng thường tham gia các hoạt động thiện nguyện để hoàn thiện bản thân mình hơn. Với sở trường là ca hát và dẫn chương trình, Thùy Dương thường mang tiếng hát của mình lên sân khấu của các hoạt động đoàn tại trường cũng như tại địa phương.
Lên ngôi quán quân hạng mục Ca hát của cuộc thi Imiss Thăng Long 2018 đối với nữ sinh là một điều bất ngờ và may mắn.
“Khi nghe thấy MC xướng tên mình cho ngôi vị quán quân hạng mục Ca hát, mình vẫn nghĩ rằng đang mơ, cảm xúc vỡ òa, nghẹn ngào, hạnh phúc vì bản thân đã cố gắng hết sức cho phần thi của mình.
Cuộc thi có nhiều bạn, anh chị đến từ các trường nghệ thuật, được đào tạo bài bản, nên có lẽ mình chỉ may mắn hơn một chút thôi”, nữ sinh chia sẻ về chiến thắng của mình trong đêm chung kết Imiss Thăng Long 2018 ngày 11/11 vừa qua.
“Dương thấy Imiss Thăng Long là một cuộc thi đầy ý nghĩa, giúp cho các bạn sinh viên như chúng mình có cơ hội giao lưu, kết bạn, học hỏi lẫn nhau, tích lũy thêm các kỹ năng mà mình không thể học ở trong lớp, trong trường.
Đồng thời, chương trình giúp cũng là nơi để mỗi thí sinh được thể hiện cá tính, sở thích và tài năng của mỗi người. IMiss Thăng Long đã mang lại cho Dương nhiều cảm xúc, giúp Dương ngày càng tự tin, năng động và hoàn thiện bản thân mình hơn. Với Thùy Dương, đây là khoảng thời gian đẹp của tuổi thanh xuân”, Thùy Dương chia sẻ.
Thùy Dương đang là sinh viên năm thứ 3 của ĐH Sư phạm Hà Nội.
Bền bỉ với ước mơ thuở nhỏ
Đam mê ca hát và giành giải thưởng cao nhất ở một cuộc thi có tiếng dành cho sinh viên, song Thùy Dương khẳng định bản thân cô sẽ kiên trì, bền bỉ theo đuổi nghề giáo viên – ước mơ mà cô đã nung nấu từ khi còn nhỏ.
Khi được hỏi về cơ duyên đến với nghề giáo, nữ sinh cho biết: “Ngày bé, mình rất ngưỡng mộ hình ảnh các thầy, cô đứng trên bục giảng, truyền đạt kiến thức và cả những câu chuyện về cuộc sống đến với lũ “nhất quỷ nhì ma” chúng mình.
Từ những cảm xúc non nớt như vậy, mình đã nung nấu ước mơ trở thành một người như các thầy, các cô. Đây là một nghề đặc biệt bởi nó không sản xuất ra của cải vật chất, nhưng sản phẩm nó làm ra lại là “con người” – yếu tố đóng vai trò then chốt quan trọng trong việc vận hành cho xã hội đi lên, dù ở bất cứ ngành nghề nào”.
Tham gia một cuộc thi tài sắc dành cho sinh viên, Thùy Dương cho rằng đó là một kỉ niệm đáng nhớ trong quãng thời gian thanh xuân
“Hiện nay, thu nhập của các nhà giáo còn khá thấp, ngoài ra nghề này còn đòi hỏi rất nhiều sự kiên trì, khả năng sáng tạo, tinh thần không ngừng học hỏi…
Bởi vậy, mình thấy nếu niềm đam mê với “bảng đen phấn trắng” không đủ lớn, một người giáo viên rất khó để trụ lại với nghề.
Bản thân Thùy Dương đang là sinh viên năm thứ 3, mình sẽ cố gắng duy trì ngọn lửa đam mê, trung thành với định hướng mà mình đã lựa chọn.
Nghề giáo giúp cho mình thỏa mãn giá trị sống, khi mình có thể tác động tới xã hội, ươm mầm cho các thế hệ tương lai”, Thùy Dương trải lòng về những khó khăn của những người đang theo đuổi ước mơ sư phạm.
Nữ sinh có khá nhiều sở thích như đi du lịch để khám phá vẻ đẹp của Tổ quốc, thích tham gia các hoạt động văn nghệ, tham gia các hoạt động thiện nguyện.
Khi được hỏi về tình trạng một số người giáo viên bạo hành học sinh hiện nay, Thùy Dương thẳng thắn cho biết đó là điều không được phép diễn ra trong môi trường sư phạm.
“Việc dùng hình phạt nặng, có thể coi là “nhục hình” không hề tương đồng với câu tục ngữ “Thương cho roi cho vọt”. Câu tục ngữ ấy nhấn mạnh sự nghiêm khắc, chứ không phải sự hành hạ, xúc phạm học sinh.
Mình cho rằng các thầy, cô giáo phạt học sinh mà báo chí đưa tin gần đây, cách xử lý của họ sẽ tạo nên nỗi đau cả về thể xác và tinh thần cho học trò, gây phản cảm và phản tác dụng giáo dục”, nữ sinh chia sẻ.
“Các bạn học sinh chắc chắn sẽ có lúc phạm sai sót, thậm chí có bạn hỗn hào, quá khích…, nhưng người giáo viên phải có những biện pháp xử lý riêng phù hợp với từng tình huống.
Mình sẽ cố gắng trau dồi kiến thức, học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm từ các thầy, cô đi trước để hiểu hơn về tâm lý của các bạn trẻ, để có cách xử trí phù hợp với từng bạn, từng trường hợp. Mình cũng đã từng là học sinh, nên mình có thể mình sẽ chia sẻ được với các học trò”.
Hiện nay, Thùy Dương đang miệt mài trên giảng đường ĐH Sư phạm, từng ngày vun đắp sự nghiệp trở thành cô giáo.
Mạc Thùy Dương không chỉ mong muốn dạy học trò của mình ham học, học giỏi mà còn trở thành những công dân tốt. “Các em cần được giáo dục để trở thành những người sống có trách nhiệm không chỉ với đất nước mà còn là một công dân toàn cầu”, Dương chia sẻ.
Ước mơ trở thành cô giáo từ khi còn rất nhỏ tuổi, Thùy Dương cho biết cô sẽ kiên trì, bền bỉ đến cùng với lựa chọn nghề nghiệp của mình.
Những hình ảnh đời thường giản dị nhưng vô cùng xinh đẹp của Mạc Thùy Dương
Hồng Minh