Phụ huynh Việt nên ủng hộ “văn hóa khởi nghiệp” trong giới trẻ
Đó là nhấn mạnh của TS. Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ – Bộ KH&CN trong Tham luận “Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” trình bày tại “Ngày hội khởi nghiệp Thủ đô 2018” diễn ra ngày 6/11.
Ngày hội do Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp – ĐH Quốc gia Hà Nội (VNU-CSK) cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đồng tổ chức, thu hút gần 5.000 người gồm học sinh, sinh viên, nhà khoa học, doanh nghiệp và những người quan tâm đến khởi nghiệp tham dự.
Theo tiến sĩ Quất, bạn trẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng, là thành tố xây dựng thành phố thông minh và hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.
Ông lưu ý: “Khởi nghiệp hiện nay đang là một mô hình không chỉ bán sản phẩm, mà chủ yếu là bán trí tuệ, đúng hơn là bán con người gắn với sản phẩm và mô hình kinh doanh.
Hiện nay, các nhà đầu tư không chỉ quan tâm đến mô hình, sản phẩm mà điều bậc nhất họ quan tâm là các bạn trẻ sáng lập viên là ai và có khả năng gọi vốn của người khác thế nào (chứ không phải bằng vốn của chính mình).
Khái niệm đó đã xuất hiện từ Hoa Kỳ, điển hình là Google, Facebook… Họ có chính sách hỗ trợ, phát triển những mô hình thị trường mới – thực ra là bán con người, trí tuệ trở thành những doanh nghiệp khởi nghiệp với sự hỗ trợ của các khu vực vốn, tài chính (gọi là nguồn vốn mồi ban đầu hoặc vốn đầu tư mạo hiểm)”.
Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ nhấn mạnh: Các trường đại học, các trường cao đẳng nghề công nghệ cao là những nơi sản sinh ra nguồn nhân lực trí tuệ lớn nhất. Tiếp theo là các cá nhân, tổ chức hỗ trợ về vốn, tài chính, kinh nghiệm – mentor, họ chính là các doanh nhân về công nghệ thành đạt truyền cảm hứng cho các bạn trẻ khởi nghiệp. Tiếp theo, một yếu tố rất quan trọng nữa để hình thành hệ sinh thái quốc gia là văn hóa khởi nghiệp.
“Văn hóa khởi nghiệp, nghe thì rất vĩ mô nhưng thực chất vô cùng quan trọng và gần gũi. Từ thay đổi tư duy từ các nhà lãnh đạo cho đến người dân, người đầu tư, thậm chí thay đổi tư duy của các thầy cô và phụ huynh trong gia đình Việt”.
Cụ thể là chúng ta dám chấp nhận những suy nghĩ khác biệt, những điểm đột phá trong tư duy và những mô hình hình mới, ghi nhận sự thất bại ban đầu của lớp trẻ, động viên họ khởi nghiệp lần 2, lần 3, lần thứ…n. Nói cách khác là dám chấp nhận thất bại và đứng lên làm lại.
Văn hóa này thông thường ở châu Âu, châu Mỹ thì phát triển hơn; văn hóa này cũng dần du nhập vào những nước châu Á những năm gần đây, góp phần thay đổi mô hình khởi nghiệp ở các nước này.
Chẳng hạn ở Hàn Quốc, Nhật Bản trước đây không khuyến khích giới trẻ khởi nghiệp, sinh viên ra trường làm cho các hãng lớn là niềm tự hào; người dân có xu hướng kỳ thị những tự mình khởi nghiệp. Song hiện nay, họ đã thay đổi và họ thấy năng lực cá nhân, sự khác biệt của cá nhân trong thời đại công nghệ số vô cùng quan trọng. Lúc này các tập đoàn lớn đã quay trở lại đầu tư vào các start-up và mua lại chính các nhóm đó.
Nâng cao năng lực của các trường đại học trong khởi nghiệp
Tại ngày hội, ông Nguyễn Doãn Toản – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh, việc cập nhật, thích ứng và triển khai các mô hình kinh doanh đột phá là điều kiện cần thiết để tạo đà cho tăng trưởng trong kỷ nguyên 4.0 của tri thức và khoa học – công nghệ.
Với vị thế là thủ đô, trung tâm kinh tế – văn hóa – giáo dục của cả nước, nơi tập trung nhiều trường đại học-cao đẳng , trung tâm đào tạo… thành phố Hà Nội có nhiều lợi thế để trở thành trung tâm khởi nghiệp của cả nước.
Hiện trên địa bàn thành phố có 119 trường đại học, cao đẳng và học viện. Trong những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp thủ đô tiếp tục lớn mạnh với gần 22.000 doanh nghiệp được thành lập trong 10 tháng đầu năm 2018 (tăng 5% so với cùng kỳ), với số vốn đăng ký là 234.000 tỷ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ) nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố lên 252.000 doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chia sẻ: “Việc kết hợp giữa tri thức, sáng tạo, vận dụng các sáng kiến, ý tưởng khởi nghiệp và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao từ những trung tâm nghiên cứu, các trường đại học và triển khai thực hiện cho đội ngũ cộng đồng doanh nghiệp thủ đô là thuận lợi cơ bản giúp phát triển phong trào khởi nghiệp, sáng tạo trên địa bàn thủ đô.
Chính quyền thành phố cũng đặt trọng tâm nội dung khơi dậy và phát huy tinh thần khởi nghiệp/ khởi nghiệp sáng tạo là một trong những nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế – xã hội thủ đô trong giai đoạn 2018 – 2020”.
Theo ông Vương Quốc Thắng, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp – ĐHQGHN, chuỗi hoạt động của Ngày hội khởi nghiệp Thủ đô 2018 hướng tới các giải pháp, phương pháp tiếp cận nhằm phát huy các vai trò và lợi ích giữa các nhà trường, các nhà nghiên cứu khoa học, các nhà quản lý và nhà đầu tư giao lưu trực tiếp với nhau, cùng nhau bàn và thống nhất cách thức phối kết hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi và gia tăng nguồn lực hỗ trợ, đầu tư cho cộng đồng khởi nghiệp.
“Quan trọng, chúng ta phải gắn kết giữa Nhà quản lý – Trường Đại học – Viện nghiên cứu – Doanh nghiệp – Startup để thúc đẩy khởi nghiệp phát triển thủ đô cũng như cả nước”, ông Thắng nêu quan điểm.
Cũng theo TS. Phạm Hồng Quất để thích ứng với cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra, không phải chỗ nào chúng ta cũng xây dựng nhà máy mà quan trọng là có trí tuệ, nguồn nhân lực và khả năng kết nối.
Về thực trạng hệ sinh thái Việt Nam, theo thống kê năm 2017, nước ta có tổng số 30 vườn ươm (trong đó 10 vườn ươm thuộc khu vực Nhà nước, 7 vườn ươm thuộc trường đại học, 13 vườn ươm của khu vực tư nhân hoặc nước ngoài). Đây là những dấu hiệu đáng khích lệ vì khu vực tư nhân và nước ngoài đã quan tâm đến việc “kinh doanh trí tuệ” của người Việt Nam.
Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ cho rằng, để nâng cao năng lực của các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp cần tăng cường hỗ trợ các hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong các trường đại học lớn trong khu vực, liên kết hợp tác mời các chuyên gia có năng lực, có kinh nghiệm trong nước, quốc tế tham gia đào tạo, huấn luyện tại địa phương. Mặc khác, chú trọng liên kết hoạt động trong hệ sinh thái. Phối hợp với các cơ quan trung ương, địa phương trong hoạt động đào tạo, liên kết các chủ thể của hệ sinh thái thông qua việc tổ chức chức các sự kiện nối nguồn lực và nhân lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Về hạ tầng phát triển sinh thái, theo tiến sĩ Phạm Hồng Quất, phải tập trung nghiên cứu, đề xuất hình thành và khai thác có hiệu quả các mô hình hỗ trợ trong trường đại học; thành lập các đoàn công tác tham quan và học hỏi mô hình hình hỗ trợ khởi nghiệp, mô hình Thành phố thông thông minh tại các các địa phương phát triển (Hà Nội, TP .Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,…); thành lập các câu lạc bộ, mạng lưới lưới các “nhà đầu tư thiên thần” toàn cầu để tăng cường cường đầu tư cho khởi nghiệp trong và ngoài nước.
Lệ Thu