Origami Việt – tiếng lành đồn xa
Origami Việt không thua kém ai!
Đó là lời khẳng định rất tự tin của các thành viên VOG, dù các bạn ấy đều còn rất trẻ. Hầu hết trong số họ đang ở độ tuổi học sinh sinh viên.
Nhưng họ có lý do để tự hào và để khẳng định như vậy. Cho dù chỉ là hoạt động như một forum, nhưng các thành viên VOG, với những tác phẩm của mình đã kịp “phủ sóng” tới không chỉ Nhật Bản – đất nước sản sinh ra môn nghệ thuật này mà còn tới các cường quốc Origami: Anh, Mỹ, Tây Ban Nha…
Tạp chí BOS (British Origami Society) của Anh trong hai số liên tiếp tháng 10 và tháng 12/2006 đã đăng và đánh giá về tác phẩm của các thành viên của VOG.
Số 240 đăng tác phẩm của bạn Hoàng Tiến Quyết (Vĩnh Phúc), thành viên của VOG miền Bắc. Những tác phẩm siêu nhỏ của của Quyết đã chinh phục một tạp chí chuyên về origami của Anh.
Một đoạn trong bài báo viết: “Đây là 1 số mẫu xếp với kỹ thuật rất tuyệt của tay xếp 18 tuổi Hoàng Tiến Quyết, hiện sống ở Vĩnh Phúc – Việt Nam. Quyết dùng giấy gói chai Vodka HaNoi, mỏng hơn các loại khác. Anh dùng dao (không cắt mẫu) và bút bi. Khi xếp xong, dùng keo giữ dạng mẫu và để cất giữ dễ dàng.
Số 241 đăng tác phẩm của một loạt thành viên VOG như Hoàng Trung Thành, Nguyễn Hùng Cường, Đào Cương Quyết, Trung Hiếu và Quốc Bảo.
Mẫu của các thành viên VOG trên BOS số 241.
Trên một website nổi tiếng trong giới origami thế giới của Nicolas Terry, VOG được dành hẳn một gallery riêng để giới thiệu các sáng tác của mình (http://design.origami.free.fr/indexenglish.htm) và họ được gọi là các tài năng trẻ.
Nguyễn Hùng Cường (một thành viên của VOG) đã được đăng hình mẫu giấy gấp và bản hướng dẫn gấp trên cuốn sách về origami của Nhật – Tanteldan Convention số 12.
Đưa ra những thông tin này chỉ để giải thích cho sự tự tin của các thành viên VOG.
Cao thủ VOG
VOG cũng có Tứ đại thiên vương. Nghĩa là những thành viên “khủng” nhất của nhóm. Và có thể phác thảo vài nét thôi nhưng rất ấn tượng về một, hai nhân vật trong nhóm này.
Một thành viên VOG viết về nhân vật đầu tiên Hoàng Trung Thành (nick Kiminha) trong blog của nhóm: “Một trong những câu nói bất hủ trong lịch sử VOG: “Mẫu này ai gấp đẹp bằng tui trừ ông tác giả ra” xuất phát từ chính cửa miệng hắn”.
Thành và một số mẫu origami của mình.
Câu nói này được Thành nói ra có cái cớ của nó. Khi hắn vừa mới chân ướt chân ráo vào nhóm, đã hỏi xin CP Ryujin, Logheaded Turtle, Phoenix của Kamiya Satoshi – một cao nhân Origami của Nhật. CP của những mẫu này còn đang khiến nhiều cao thủ origami thế giới lúc bấy giờ e ngại.
CP được hiểu là một mẫu gấp khi gỡ ra, nó là một hoặc nhiều tờ giấy với những hình, nếp gấp. Khác hẳn so với hướng dẫn từng bước dể gấp một mẫu. Nhìn vào CP để gấp lại hình rất khó, từ CP thì chỉ gấp được khung cơ bản của hình, phải tư duy và tưởng tượng nhiều để có thể hoàn thiện mẫu. Vậy mà Thành gấp được và hắn mới tự kiêu một chút để đưa ra cái câu nói bất hủ ấy.
Sau này, thì Thành còn được các thành viên trong VOG “ca tụng” như một cao thủ sáng tác những mẫu đầy phóng khoáng, sáng tạo.
Một mẫu “hoành tráng” của Thành.
Ngỏ ý muốn xem những mẫu “hoành tráng” của Thành, tôi nhận được những tiếng cười khúc khích của các bạn khác và cái gãi đầu bẽn lẽn của Thành.
Tùng (nick Konan 767) giải thích: “Mẫu Thành gấp xong, vừa kịp khoe mọi người là biến mất. Thủ phạm là trẻ con hàng xóm. Ai hỏi xin cũng cho. Tụi nhóc có khi lân la kêu mượn rồi “thủ” luôn về nhà”.
Việc mẫu gấp của thành viên VOG bị người thân, hàng xóm xin mất là “chuyện thường ngày ở huyện”. Quyết (hoang_tu_bong_dem) kể: “Có hôm gấp mãi mới xong một mẫu, chưa kịp khoe ai, về nhà đã thấy biến mất. Hóa ra là ông em mang cho bạn của ông mất”.
Mẫu “khủng” gấp trong 3 tuần của Đào Cương Quyết. |
Tiếc thì có tiếc, nhưng theo một cách nào đó, các bạn ấy lại thấy vui vì mẫu gấp của mình ai cũng thích.
Mong có “nhà” chung
Konan 767 tâm sự: “Bây giờ hoạt động của bọn mình mới chỉ dừng lại ở việc tập hợp những người chung sở thích, trao đổi với nhau cách gấp hình qua Internet. Muốn có một nơi để nhóm hoạt động thường xuyên định kỳ nhưng chưa có. Muốn tổ chức những triển lãm lớn thường xuyên như VOG miền Nam để giới thiệu nhóm và để mọi người biết đến nghệ thuật này nhiều hơn nhưng cũng không có điều kiện vì không có người và địa điểm để tổ chức. Nên bọn mình đang hoạt động dường như là tự phát và thiếu chuyên nghiệp”.
Các thành viên cực teen của VOG miền Bắc.
Về điều này thì họ thầm ghen tị với VOG miền Nam vì các thành viên trong đó được hoạt động thường xuyên, tổ chức triển lãm thường xuyên trong nhà văn hóa, nên hoạt động cũng rầm rộ và sôi nổi hơn.
Đó cũng là lý do khiến VOG miền Bắc, dù nhiều tài năng, mẫu của VOG miền Bắc đã “phủ sóng” sang các nước nhiều, nhưng chưa một lần nào các thành viên VOG mang mẫu đi dự thi tại một cuộc thi Origami chính thức, vì không ai đủ điều kiện để mang mẫu đi.
Ngay cả việc chuyển ảnh mẫu để giới thiệu trên sách và tạp chí nước ngoài cũng phải nhờ đến một thành viên của nhóm ở Mỹ gửi giúp.
Ngôi nhà chung – một nơi để sinh hoạt thường xuyên, vẫn luôn là mong muốn của cả nhóm.
Xuân Lê