Ông giáo làng hiến “đất vàng” làm đường cho dân
Ông Nguyễn Tử Chiều (SN 1933), xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình (Ninh Bình) nguyên là một thầy giáo. Hơn 30 năm trong nghề, ông trải qua nhiều công tác khác nhau ở Ty Giáo dục Hà Nam Ninh (tỉnh Hà Nam Ninh cũ), sau làm ở Ty Giáo dục Ninh Bình; dạy học ở một số trường và làm cán bộ ở phòng giáo dục một số huyện trong tỉnh.
Nhiều năm gắn bó với sự nghiệp trồng người nên ông Chiều được người dân trong làng gọi với cái tên trìu mến là “ông giáo làng”. Về hưu hơn 30 năm nay, dù đã ngoài 80 tuổi nhưng ông vẫn còn rất minh mẫn. Biết chúng tôi muốn được chia sẻ về việc hiến “đất vàng” của gia đình xây dựng đường làng, ông giáo từ tốn: “Chuyện ấy có gì đâu, đường làng ngõ xóm rộng ra mình cũng đi, cũng được hưởng chứ có riêng gì bà con”.
Với ông giáo làng, việc hiến đất là “không có gì” nhưng người dân thôn Thượng Nam ai cũng hiểu được, trong thời buổi “tất đất tấc vàng” như hiện nay, một lúc cho đi hơn 70 m2 đất ở thành phố như ông không phải ai cũng làm được. Ông bảo: “Đất nhà mình rộng, mình hiến cho làng cho xã, địa phương phát triển thì mình cũng mừng”.
Từng trải qua những năm tháng gian khổ nhất của đất nước nên ông giáo làng hiểu được sự cống hiến cho xã hội lúc nào cũng cần phải có, dù là việc làm nhỏ nhất. Ông kể: Những năm kháng chiến chống Pháp, tôi được phân công vào cùng “địch hậu” ở Nam Định dạy học, năm tháng đó có thời khắc cận kề với cái chết nhưng vẫn phải hiên ngang vì đã nguyện cống hiến tuổi trẻ của mình cho tổ quốc”.
Ông Chiều nhớ lại, năm 1952 sau khi được đào tạo lớp nghiệp vụ sự phạm, ông cùng nhiều cán bộ khác được phân công vào vùng địch hậu. Công việc chính của ông là làm phong trào và tuyên truyền cho người dân hiểu về chính sách của Đảng để không nghe theo quân địch. “Anh em chúng tôi khi đó ai cũng hô vang khẩu hiệu quyết sống còn với địch, chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao thì chưa về”.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Chiều về lại Ninh Bình tham gia nhiều công tác để phát triển giáo dục của địa phương. Ông từng làm thầy giáo trường cấp 1 ở huyện Gia Viễn, làm cán bộ viết bản đồ dân số cho UBND tỉnh, làm việc ở Ty Giáo dục Ninh Bình, dạy học ở trường cấp 3, làm ở phòng giáo dục của huyện… Dù ở bất cứ công việc gì, nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành, sống hết lòng với nghiệp trồng người.
Trở lại chuyện hiến đất, ông Chiều nhớ lại: “Cách đây vài ba năm, nghe mọi người trao đổi mở rộng đường làng cho sạch đẹp thế là tôi đồng ý luôn. Cũng chẳng suy nhiều hay phải tổ chức hội họp, tôi quyết định luôn. Tôi cũng không có yêu cầu gì khi hiến đất”.
Con đường qua ngõ nhà ông Chiều cùng nhiều hộ dân khác trước kia chỉ rộng hơn 1m, người dân qua lại rất khó khăn, ô tô con không thể vào được. Sau khi được ông đồng ý hiến đất mở rộng, con đường giờ rộng hơn 2,5m rất thoáng và sạch sẽ, ô tô có thể đi lại được.
Để có con đường rộng đẹp như vậy, ông Chiều đã hiến hơn 70m chiều dài đất của gia đình dọc theo con đường, có đoạn đất chiều rộng ông Chiều hiến hơn 1m . Bao nhiêu cây cối lâu năm, tường rào vây quanh khu đất của gia đình ông Chiều tự nguyện chặt bỏ mà không yêu cầu địa phương đền bù một thứ gì.
Bà Lê Thị Ngăn, vợ ông Chiều góp chuyện: “Đường làng ngõ xóm rộng ra bà con nhân dân đi lại thoải mái, đường vào nhà mình cũng thông thoáng hơn. Nói là phục vụ nhân dân nhưng trong đó cũng có phần gia đình mình dùng. Hiến hơn 70 m2 đất của gia đình để làm đường vợ chồng tôi cũng được các con cháu rất ủng hộ và vui mừng”.
Ngoài hiến đất làm đường, ông Chiều còn cùng với nhiều hộ dân trong xóm góp tiền, công sức cùng làm một con đường dài hơn 20m, rộng hơn 1m bằng bê tông trước xóm để cho bà con nhân dân thuận tiện việc đi lại.
Trao đổi với Dân trí, ông Lê Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Nhất cho biết: “Gia đình ông Chiều là hộ tiên phong tự nguyện hiến đất làm đường làng ngõ xóm để khang trang, sạch đẹp, đi lại thuận tiện hơn. Gia đình ông Chiều đã làm động lực thúc đẩy phong trào hiến đất cho nhiều hộ dân khác, nhằm mở rộng đường giao thông phát triển địa phương”.
Việc làm cao cả của ông giáo làng Nguyễn Tử Chiều đã được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình tặng bằng khen. Tuy nhiên, với ông niềm vui lớn nhất là mỗi ngày ra ngõ được nhìn thấy con đường rộng rãi sạch sẽ, người dân trong làng qua lại thoải mái trên con đường thênh thang.
Thái Bá