Nữ sinh lớp 9 bán dầu dừa làm tủ sách, xóa cảnh “sát nhà không biết nhau”
Sáng ngày 12/10, Đường sách TPHCM phối hợp cùng Thành đoàn TPHCM tổ chức chung kết trao quả cuộc thi “Xây dựng thói quen đọc sách trong giới trẻ”.
Thí sinh nhỏ tuổi nhất trong cuộc thi là em Lê Phương Thảo Vy, học sinh lớp 9, Trường THCS Đinh Thiện Lý, TPHCM với ý tưởng “Tủ sách kết nối tại các chung cư” đã vượt qua nhiều sáng kiến khác xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi.
Buồn cảnh nhà cạnh mà không biết nhau
Cách đây 2 năm, gia đình Vy chuyển về một chung cư ở Q.7, TPHCM. Khác với hình dung của Vy, gọi là “chung” nhưng sao sinh hoạt, cuộc sống lại biệt lập đến lạnh lùng, cô đơn, những căn hộ ngay cùng tầng, ngay sát cạnh có khi không biết nhau, hầu như không nói chuyện.
Vy thấy, chung cư có những không gian sinh hoạt chung như sân chơi, những chiếc ghế đá, phòng cộng đồng… nhưng lại rất ít hoạt động kết nối.
Từ đó, Vy tự hỏi, tại sao không lập tủ sách ở chung cư, tạo nên một hoạt động chung để mọi người, nhất là các bạn trẻ tương tác, giao lưu, gặp gỡ nhau.
Cô học trò lúc đó mới lớp 7 liền gửi thư ngỏ, xuống gặp ban quản lý chung cư, trình bày mong muốn lập tủ sách. Vy hiểu, để ban quản lý chung cư “tiếp nhận” một đề xuất, lại là đề xuất làm một điều mới mẻ của một đứa trẻ là chuyện không hề đơn giản.
Vy đã cố gắng thể hiện mình là một người trách nhiệm, không phải nói ra cho vui mà quyết tâm làm tận cùng, thể hiện sự nghiêm túc và chuyên nghiệp. Thế rồi những người lớn cứng rắn cũng phải xiêu lòng.
Khi đó, Vy cũng viết thư ngỏ trên trang của cộng đồng cư dân để giới thiệu, xin sách và nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Có khi Vy đến tận nhà để gõ cửa xin sách. Một tủ sách nho nhỏ với 200 đầu sách ra đời ở phòng cộng đồng của chung cư từ đề xuất của Vy cách đây tròn một năm.
Cô học trò mong sách giúp cộng đồng kết nối, tương tác với nhau nhiều hơn
Đi bán dầu dừa, gom giấy vụn…để hoạt động
Có tủ sách nhưng làm sao để lôi kéo mọi người đến phòng đọc mới là vấn đề. Vy cùng các bạn trong CLB Loving arms tại trường cùng tổ chức các hoạt động của phòng sách như chia sẻ về sách, mời người đến giao lưu, thậm chí mời giáo viên nước ngoài đến nói chuyện bằng tiếng Anh… để hấp dẫn các bạn học sinh.
Hay như Vy, thay vì đọc sách ở nhà, em chăm xuống “thư viện” để đọc cũng như là một cách để lôi kéo “sự chú ý” của mọi người. Nhiều bạn lúc đầu không có hứng thú nhưng bị “dụ dỗ” một hai lần thì bắt đầu nghiện đọc sách từ lúc này không hay.
Để có thể có tiền tổ chức các buổi sinh hoạt, Vy cùng các bạn trong CLB đi bán dầu dừa cho học sinh trong trường, đi gom giấy vụn… Một thời gian tủ sách hoạt động, Vy nhận thấy được sự hiệu quả mà rõ nhất là mọi người ở chung cư biết nhau nhiều hơn, thân thiện hơn, trò chuyện nhiều hơn.
Thảo Vy cùng các bạn trong CLB Loving arms bán dầu dừa, gom giấy vụn lấy tiền tổ chức sinh hoạt cho tủ sách
Hiệu quả với Vy là giờ đây, khi gặp nhiều người ở chung cư, từ lớn đến bé thì mọi người hỏi: “Nay Vy có xuống phòng đọc không?, “Tuần này có gì không Vy ơi”… Mọi người biết nhau nhiều hơn, quan tâm đến nhau hơn là làm cô gái thấy ấm áp trong lòng và thấy ý nghĩa của việc mình làm.
Vy dự định sẽ tiếp tục mở rộng tủ sách đến hai chung cư nữa và mong muốn mọi chung cư có thể áp dụng mô hình tủ sách kết nối, để biết, tương tác với nhau nhiều hơn. Cô học trò hy vọng có thật nhiều bạn trẻ biết đến dự án của mình để có thể phát triển tủ sách trong cộng đồng.
Về tình yêu sách, Vy chia sẻ em được gieo từ mẹ là một giáo viên, luôn khuyến khích em đọc sách. Thêm nữa, ngôi trường Vy theo học rất quan tâm đến phát triển văn học đọc cho học sinh, trong trường có tiết đọc sách cho học sinh.
Hoài Nam