NSƯT Chí Trung: “Kết hôn” với truyền hình sẽ giúp sân khấu hồi sinh

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 04/10/2017Lần cập nhập cuối: 19/04/2021

Xem kịch theo một cách mới hơn

Số đầu tiên của dự án kịch tương tác trên truyền hình vừa được phát trên Truyền hình FPT với tác phẩm “Soi gương” cùng sự góp mặt của dàn diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ như: NSUT Ngọc Huyền, NS Bá Anh, NS Tú Oanh. Vở kịch ngắn với thông điệp gần gũi và dí dỏm đã lập tức tạo ra nên sự chú ý của dư luận và trên mạng xã hội. Đây không phải lần đầu tiên công chúng xem kịch trên Tivi nhưng lại là lần đầu tiên, người xem được “điều khiển” các nhân vật theo mong muốn của mình chỉ bằng việc nhấn nút lựa chọn trên điều khiển. Người xem được trải nghiệm hai cái kết khác biệt cho cùng một câu chuyện, đi qua những cung bậc cảm xúc mới mẻ, vừa thích thú vừa hồi hộp, vừa lo lắng chứng kiến các nhân vật hành động theo quan điểm riêng của mình. “Cho nhau một cơ hội để xây lại mái ấm gia đình” hay “nói không với ngoại tình và tan vỡ”, hai trường phái mà khán giả được tùy chọn khi xem vở kịch tương tác “Soi gương”.

NSƯT Chí Trung: “Kết hôn” với truyền hình sẽ giúp sân khấu hồi sinh - 1

Thể loại kịch tương tác đã xuất hiện nhiều năm trên thế giới. Trên sân khấu kịch nói truyền thống tại Việt Nam, hình thức tương tác để khán giả trực tiếp tham gia vào sự phát triển của tình huống kịch, dẫn đến những cái kết khác nhau cũng đã được một số nhà hát thực hiện, xong có nhiều lý do khiến nó chưa hình thành một dòng kịch có đời sống riêng.

Đáng kể nhất là năm 2011, một ê-kip giàu sáng tạo mà đứng đầu là NSƯT Chí Trung đã thực hiện chương trình hài kịch tương tác mang tên “Thành phố cười”. Tuy thành công về mặt truyền thông và doanh thu, xong yếu tố tương tác mà ê-kip chương trình mong muốn tạo ra để kết nối với khán giả lại gặp cản trở từ… chính khán giả. Khán giả ngượng ngùng, rụt rè, không sẵn sàng bước lên sân khấu để xoay chuyển các tình huống theo mong muốn của mình.

Đó cũng là một phần lý do khiến cho kịch tương tác trên truyền hình hút người xem. Bởi nó vừa giúp họ thỏa mãn nhu cầu được tham gia vào vở kịch, lại vừa được bày tỏ quan điểm theo cách không thể đơn giản hơn – nhấn nút trên điều khiển tivi. Khán giả có thể hài lòng, có thể thất vọng khi vở kịch kết thúc. Nhưng đó là sự hài lòng và thất vọng trước sự lựa chọn của chính họ. Cách xem kịch ấy giống như một cuộc chơi của những suy luận, phán đoán và xúc cảm, một “cuộc chơi” mà mỗi khán giả đều là một người chơi. Điều này được kì vọng sẽ lôi kéo khán giả về với sân khấu kịch trong sự cạnh tranh khốc liệt của loại hình giải trí đa dạng trên truyền hình.

“Đường dài mới biết ngựa hay”

Trong khi các nhà Đài vẫn đang mải miết tìm lối đi cho mô hình “Nhà hát truyền hình”, vẫn chấp nhận phát sóng chương trình sân khấu vào những khung giờ không “ưu tiên” thì sự đầu tư của một đơn vị tư nhân như Truyền hình FPT (thuộc FPT Telecom) vào kịch nói là điều đáng mừng trong bối cảnh khá ảm đảm của sân khấu phía Bắc. Song, chính NSƯT Chí Trung, đồng sản xuất dự án kịch truyền hình tương tác cũng cho rằng, dự án có được thành công trong dài hạn hay không phụ thuộc nhiều yếu tố.

NSƯT Chí Trung: “Kết hôn” với truyền hình sẽ giúp sân khấu hồi sinh - 2

Anh cho biết, hiện Nhà hát Tuổi trẻ có khoảng 200 vở kịch ngắn hay, phù hợp để cung cấp cho chương trình. Ngoài ra trong tay anh còn có nhiều kịch bản hấp dẫn mà anh ấp ủ hơn 20 năm qua với ước mơ sẽ “làm một cái gì đó” có tính đột phá. Đội ngũ nghệ sĩ diễn viên của Nhà hát khá đông đảo, chuyên nghiệp, được đào tạo diễn xuất chính quy, có nhiều ngôi sao giàu kinh nghiệm. Cộng với sự chuyên nghiệp và mạnh dạn đầu tư từ phía FPT. “Đây là thời điểm thích hợp để tôi làm điều có tính đột phá ấy. Trước đây cũng có nhiều lời mời cộng tác từ các đài tuyền hình nhưng tôi cứ lưỡng lự mãi cho đến khi gặp được sự đồng cảm từ đội ngũ sáng tạo của Truyền hình FPT.” – NSƯT Chí Trung chia sẻ.

Tuy nhiên, anh cho rằng còn quá sớm để đánh giá dự án này sẽ thành công đến mức độ nào. Trước mắt, kế hoạch đặt ra là sẽ phát sóng đều đặn các vở trong cáctuần liên tiếp, đồng thời vừa làm vừa điều chỉnh theo ý kiến của khán giả để tối ưu hóa chức năng tương tác qua truyền hình. “Chúng tôi nỗ lực làm hay nhất, sáng tạo nhất, còn có trở thành xu hướng hay không thì khó nói. Đường dài mới biết ngựa hay. Nhất là trước màn hình tivi là khán giả “tam đại, tứ đại đồng đường”,chắc chắn sẽ có người thích người không.”– NSƯT Chí Trung chia sẻ.