Niềm đam mê bellydance của cô giáo 9X
Trải nghiệm “bi hài” của sinh viên thể dục học bellydance
Khi còn đang là SV trường ĐH Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội, trong một lần tình cờ xem tiết mục biểu diễn bellydance trên vô tuyến, Vân Anh rất thích thú và tò mò về bộ môn này. Vân Anh quyết định theo học bellydance tại trung tâm nhưng vướng lịch ở trường nên chỉ có thể đăng ký lớp tối 2 buổi/tuần.
Khoảng thời gian đó, vì thời gian đi học trung tâm ít, niềm đam mê lại quá lớn, Vân Anh chủ yếu học qua kênh youtube là chính. Vân Anh chia sẻ: “Tính của mình một khi đã thích gì là theo đuổi bằng được. Mình thường phải dậy sớm để tập và cũng tự mày mò luyện thêm vào buổi tối mỗi khi không học ở trung tâm”.
Vì xuất phát điểm là sinh viên thể dục nên Vân Anh có thể lực và sức bền khá tốt, cơ thể đã được tập luyện nên cũng nhanh nhạy hơn khi múa bellydance. Tuy nhiên, do học hai môn song song cùng một lúc, nên những ngày đầu Vân Anh tập luyện, thể thao và múa bellydance “đánh nhau”. Theo Vân Anh, thể thao đòi hỏi phải mạnh mẽ, dứt khoát còn múa thì cần phải uyển chuyển, độ dẻo, thêm nữa là sự kết hợp chặt chẽ với âm nhạc và tạo hình.
“Mình thường bị nhập hai môn làm một. Lúc cần mềm thì lại cứng. Lúc cần cứng thì lại mềm. Có lần mình chơi bóng chuyền, thời điểm tung lên chuẩn bị phát bóng, mình lại ngoáy cổ tay một cái rồi mới đập vào bóng. Hay khi mình đánh cầu lông, mọi người lại bảo mình đánh cầu lông như múa vợt. Hồi học đẩy tạ, thầy giáo còn bảo: “Ơ cái cô này đẩy tạ gì mà như nhảy đầm thế hả!” làm cả lớp cười vỡ bụng”.
Do đó, trước khi chơi thể thao hay múa bellydance, Vân Anh đều tự nhắc trong đầu là phải “cứng hay mềm”. Mất một thời gian khá dài trở thành kỹ năng mới không bị nhầm lẫn nữa.
Với Vân Anh, bellydance giúp cho cô bạn uyển chuyển hơn khi chơi một số môn thể thao đòi hỏi phải có sự khéo léo. Ví dụ như cầu lông, nhờ bellydance, cổ tay Vân Anh trở nên dẻo hơn, linh hoạt hơn. Hoặc bộ môn thể dục có nhiều động tác đòi hỏi độ dẻo như uốn cầu, xoạc dọc, xoạc ngang thì nhờ bellydance, cô bạn làm được dễ dàng, không bị cứng cơ.
Ngoài sự mềm dẻo đã nói ở trên, bellydance còn giúp Vân Anh khám phá bản thân, khi nhận ra rằng: “À thì ra mình cũng biết múa”, nên cô bạn càng tự tin hơn. Học bellydance ở trung tâm được khoảng một năm thì phải đi thực tập nhưng Vân Anh vẫn kiên trì theo đuổi. Trước khi đi ngủ, Vân Anh đeo tai nghe ôn lại kĩ thuật và lên youtube xem các bài diễn hay để học hỏi.
Gặp không ít tai nạn trong luyện tập bellydance nhưng Vân Anh không vì thế mà bỏ cuộc.
Biến hóa tài tình giữa nghề giáo viên và vũ công bellydance
Sau khi tốt nghiệp đại học, Vân Anh trở thành giáo viên thể dục của trường THCS và THPT Lômônôxốp. Công việc của Vân Anh là dạy các môn thể thao như điền kinh, cầu lông…hay các bài tập tay không phát triển chung 35 động tác, 50 động tác…
Vì là người thích sự bận rộn, năng động và yêu nghề giáo, ngoài Lômônôxốp, Vân Anh còn nhận dạy thêm môn thể dục ở hai trường nữa. “Được tiếp xúc với nhiều học sinh hơn, mình cảm thấy cũng rất vui và thú vị.
Ngày đầu tiên mình đi dạy, khi vào lớp, các em học sinh ồ lên và trầm trồ khen cô giáo trẻ và xinh. Tuy mình biết là các em nịnh cô thế thôi nhưng mà vẫn vui. Các em thi nhau hỏi: “Cô bao nhiêu tuổi?”, “Cô có chồng chưa?”, “Cô có người yêu chưa? – “Anh trai em là bộ đội”, “Chú em là công an”, “Chú em là bác sĩ”… – để em giới thiệu cho cô”. Lúc ấy mình chỉ biết cười và cười thôi, trẻ con thật là đáng yêu!”, Vân Anh bộc bạch.
Phụ huynh lẫn học sinh ở trường không hề biết Vân Anh là một vũ công bellydance vì cô giáo trẻ chưa bao giờ kể về tài năng của mình. Và cô coi đây là một bí mật nhỏ của mình.
Cô được tham gia khá nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn.
Mặc dù bận rộn với lịch dạy, cô bạn vẫn tham gia biểu diễn bellydance ở một số hội nghị, sự kiện thuộc các tỉnh như Huế, Quảng Ninh, Điện Biên, Hải Phòng… Bên cạnh biểu diễn, Vân Anh còn dạy mỗi buổi 1 tuần tại CLB bellydance giảm cân.
Kỷ niệm gắn liền với bellydance để lại nhiều ấn tượng sâu sắc nhất cho Vân Anh là khoảng thời gian tập luyện cùng đồng đội để biểu diễn cho Festival Huế 2016. Đây là sự kiện lớn, nên Vân Anh và mọi người đều ý thức được là mình phải tập luyện nghiêm túc và nhiệt tình.
Vân Anh bày tỏ: “Thời gian ấy, ban ngày mình dạy trên trường cũng khá là mệt vì đặc thù môn học phải hoạt động nhiều, nhưng dạy xong, mình lại phi ngay đến trung tâm để tập luyện cùng mọi người. Do tập nhiều quá nên có lần bàn chân mình bị mài xuống sàn tróc hết da bật máu, lúc về tắm rửa thấy xót thì mới biết”.
Ở Fesstival Huế, đội của Vân Anh biểu diễn tiết mục lễ hội đường phố, thời tiết nắng nóng, ai cũng sạm da và kém xinh đi ít nhiều, nhưng mọi người đều vui bởi đã cống hiến và hy sinh hết mình vì nghệ thuật.
Với Vân Anh, nhờ có cơ hội biểu diễn nên được đi nhiều nơi, cuộc sống trở nên thú vị, phong phú hơn. Do đó, Vân Anh luôn cố gắng sắp xếp để đi diễn vào những khoảng thời gian hè, hay những dịp nghỉ lễ dài ngày.
“Những thời gian nghỉ lễ, mình không chịu được cảnh nằm một chỗ, nên luôn nhận đi diễn, vừa là để thỏa mãn niềm đam mê, vừa là cách thức mình thư giãn. Được sống cùng bellydance là cảm giác rất hạnh phúc nên những lúc múa, mình thường bị cuốn mình theo các động tác, quên cả mệt mỏi”, Vân Anh nói.
Theo Vân Anh, bellydance có học cả đời cũng không hết, nên phải đào sâu, tìm tòi và sáng tạo thì mới phát triển và thành công được.
Đã gắn bó với bellydance được 4 năm, nhưng chưa bao giờ Vân Anh biết chán. Theo Vân Anh, bellydance có học cả đời cũng không hết, nên phải đào sâu, tìm tòi và sáng tạo thì mới phát triển và thành công được. Vân Anh cũng cho rằng điều quan trọng nhất là phải có sự đầu tư thời gian, công sức và phải thật là đam mê, nghiêm túc.
Sau này, Vân Anh hy vọng có thể tham gia một số giải đấu bellydance trong nước cũng như quốc tế để học hỏi và giao lưu. Vân Anh cho biết, cô sẽ cố gắng tập luyện chăm chỉ hơn nữa để thực hiện được ước mơ và dự định đó.
Hoàng Dung
(Ảnh NVCC)