Những vấn đề bạn trẻ “sợ phát run” ngày về Tết
Những câu hỏi nhạy cảm không muốn trả lời
“Khi mọi người nhắc đến Tết, mình thấy vui lắm, thậm chí từng lôi cả lịch ra để đếm ngày trở về. Nhưng khi về nhà, đối mặt với những câu hỏi rất “nhạy cảm” về đời sống riêng tư, lòng mình lại chùng xuống”, Hoa (26 tuổi, Hà Tĩnh) nói.
Câu hỏi nhạy cảm khiến Hoa “đau đầu” có liên quan tới việc người yêu, cưới xin. Hoa cho biết, độ tuổi của cô ở quê là đã thuộc đối tượng cần kết hôn gấp, nên mọi người đều rất quan tâm thăm hỏi.
Hoa chia sẻ: “Như năm ngoái, ngay khi vừa về đến đầu làng, mình đã bị người quen hỏi chuyện. Trong 2 ngày đầu năm, mình đi chúc Tết họ hàng bị “dồn hỏi” ghê quá, nên hôm sau ở nhà.
Tưởng đâu trốn là thoát “kiếp nạn”, ai ngờ khách khứa đến nhà, mình lại bị tấn công tiếp. Mình nghĩ, năm nay tình trạng còn tồi tệ hơn, vì quan niệm của người ở quê, mình đã ở hàng ngũ ế, là “bom nổ chậm”, cần tống khứ gấp”.
Hoa kể, vì mọi người hỏi nhiều và khuyên nhủ gia đình cô tác động, bố mẹ cũng “sốt ruột” theo. Phụ huynh nhà Hoa sợ con gái “quá lứa, lỡ thì” nên những ngày ở nhà ra sức “làm công tác tư tưởng”, giục con nhanh cưới.
“Mình và bạn trai đã tính ổn định công việc thêm hai năm nữa mới cưới để tình cảm được “chín”, mỗi người cũng trưởng thành hơn. Nhưng bố mẹ không hiểu, cứ giục liên tục, khiến mình vô cùng mệt mỏi.
Ở xa còn đỡ, nói vài câu trên điện thoại là xong, nhưng về nhà, mỗi lúc, mỗi ngày, mình đều nghe “bài ca” quen thuộc”, Hoa bày tỏ.
Phương (24 tuổi, Thái Bình) vì chưa có người yêu nên ra sức bị mai mối. Không chỉ người thân, nhiều nhà hàng xóm ở quê Thương cũng giới thiệu người này, người kia, khiến cô chỉ biết thở dài ngao ngán.
Thương cho biết: “Thấy mình không nghe lời đi gặp hoặc tiếp chuyện đối tượng giới thiệu, bố mẹ tưởng con gái kiêu, đã la mắng mình liên tục trong suốt mấy ngày Tết. Mình lo những ngày tới về quê, lại phải đối mặt với hoàn cảnh này quá!”.
Ngay cả đến chuyện rất nhỏ như nhan sắc, tình trạng ngoại hình, sức khỏe cũng khiến nhiều bạn nữ cảm thấy “nghẹt thở” trước sự quan tâm “dồn dập” của mọi người ở quê.
Ngọc (21 tuổi, trường ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: “Hơn một năm nay, mình bị sút cân nghiêm trọng, từ 45 xuống 40, nên đi đâu, mọi người cũng hỏi luôn: “Sao dạo này cháu gầy thế? Cháu xuống sắc thế?”.
Nghe 1,2 lần đầu, mình thấy ấm lòng vì được quan tâm. Nhưng đến người thứ 6,7 thì mình chẳng muốn nghe nữa, vì xót ruột. Bởi mình gầy, mình xấu, bản thân là người buồn phiền, lo lắng hơn ai hết!”.
Mẹ Ngọc nghe nhiều, cũng quay sang cằn nhằn, trách móc con gái đi xa không biết giữ sức khỏe, nên sốt sắng tẩm bổ cho cô trong suốt đợt nghỉ Tết: uống thuốc bắc, các món ăn nhiều dinh dưỡng…
“Mình uống và ăn nhiều đến nỗi giờ ngửi hoặc thấy mấy thứ đó thôi là trong người đã nôn nao, khó chịu. Mình muốn ra Hà Nội sớm để làm thêm nhưng mẹ không cho, bắt ở nhà để bồi bổ. Năm nay, chắc tình trạng ấy vẫn tiếp diễn, vì mình vẫn không béo lên được chút nào”, Ngọc bộc bạch.
Đối với nhiều bạn trẻ mới ra trường lại rất bối rối với câu hỏi về công việc, trong khi tình trạng hiện tại đang “rối như tơ vò”. Tú (24 tuổi, Thái Nguyên) là một ví dụ điển hình như thế.
Tốt nghiệp từ trường “top” nhưng vì thiếu kĩ năng, kinh nghiệm, Tú phải làm vị trí công việc không thực sự tốt ở công ty nhỏ. Chính vì vậy, cậu không muốn gắn bó ở đây lâu dài, và chuyện nhảy việc là sớm muộn mà thôi.
“Chỉ trong mấy ngày Tết, gặp ai mình cũng nghe câu hỏi: Công việc ổn định không? Lương cháu được bao nhiêu? Sẽ rất khó để giải thích được cho mọi người một cách rõ ràng, nên nhiều khi gặp tình huống này, mình chỉ biết cười cho qua. Nhưng có những người sẽ không bỏ cuộc nếu chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Do vậy, mặc dù Tết đang tới gần, mình rất sợ phải về quê, bởi vì mình công việc hiện tại vẫn bấp bênh lắm!”.
Các vấn đề “nan giải” đến “rùng mình”
Rút kinh nghiệm từ những năm trước “chật vật” tiền tiêu Tết, từ mấy tháng gần đây, Nam (22 tuổi, trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội) đã chịu khó đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập.
Bỏ bớt những giấc ngủ nướng, buổi chơi game và đá bóng với bạn bè, thậm chí ít thời gian hẹn hò với bạn gái, trong 3 tháng đi làm thêm, Nam đã để dành được 1 khoản kha khá.
Song trong một buổi đi làm, Nam đã bị trộm ví. Mất hết tiền, Nam thẫn thờ hồi lâu vì xác định năm nay cũng “mất Tết” luôn.
“Bao nhiêu kế hoạch của mình: quà cho cháu, cho bạn gái, tiêu Tết, và lì xì cho trẻ con trong gia đình… giờ đây đã hết. Thậm chí tiền sinh hoạt những ngày còn lại và vé xe về quê, mình cũng phải vay mượn. Mọi người hân hoan, háo hức Tết bao nhiêu thì lòng mình lại tiêu điều bấy nhiêu”.
Với Tú (trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh), chuyện “rùng mình”, đáng sợ hơn cả trong dịp này chính là các bữa nhậu liên miên. “Mình là người Thanh Hóa, học ở Sài Gòn. Cuối năm mình mới được một lần tụ họp với bạn bè ở quê, nên càng không thể từ chối”.
Vừa đặt chân về đến cửa nhà, chưa kịp gặp đầy đủ bố mẹ, Tú đã được bạn đến “rước” đi, để tụ tập sau lâu ngày xa cách. Và sau đó, là liên tục các bữa nhậu khác: tất niên và đầu Xuân của hội bạn gần nhà, hội bạn cấp 2, cấp 3.
Có lần Tú mệt quá, không thể gượng dậy được nữa, lên tiếng từ chối thì đã bị cả hội tẩy chay, vì cái tội “không quý nhau, không nể nhau”. Hôm Tú lên đường, không có bạn nào ra đưa tiễn.
Phải mất vài tháng sau, Tú thành tâm xin lỗi, mới được các bạn mới bỏ qua, nhưng kèm theo điều kiện: “Tết này lại phải thắm thiết hơn, hết mình hơn trong cuộc rượu”.
“Nghĩ đến đây thôi, mình sởn hết gai ốc, vì hậu quả sau những cuộc rượu ấy, mình đã nếm trải. Khi tỉnh dậy, mình không chỉ đau đầu, mệt mỏi, còn mất hết cảm giác, không nuốt nổi miếng cơm. Do vậy, chỉ qua một tháng Tết năm ngoái ở quê, mình đã sụt giảm 5 – 6 cân ”.
Hoài Thư