Những rủi ro trên cung đường “phượt” của giới trẻ
Phượt mang đến cho bạn trẻ : những chuyến đi bất tận với chi phí không quá tốn kém. Đồng thời nó cũng là sự lựa chọn phù hợp cho những ai ưa khám phá, mạo hiểm và sẵn sàng “cháy” hết mình với niềm đam mê “chủ nghĩa xê dịch”.
Đối với nhiều người, phượt còn là cái người ta tìm đến khi muốn tự giải thoát, nó có tác dụng làm mới lại mình, thay đổi không khí và nạp thêm năng lượng để sống.
Đặng Hồng Sơn (Hà Nội, người đi nhiều chuyến “phượt” xa) trải lòng: “Khi tự mình vượt rồi đổ đèo, đi trên những con đường offroad, đặt chân lên tới đỉnh phóng tầm mắt nhìn núi rừng bao la, những con đường ngoằn ngoèo, rồi xuống, cả xế cả ôm an toàn, sau đấy còn được thưởng thức những món ăn của người dân tộc, tìm hiểu về màu sắc quần áo, lối sống của họ đồng thời cảm thông, rung động với những đứa bé chân đất đi học hơn chục cây số là những cảm giác, trải nghiệm khó tả và thực sự tuyệt vời”.
Song bên cạnh những cái tiện, lợi và thú vị ấy, phượt còn tiềm ẩn những nguy hiểm khó lường. Trên đường đi các bạn trẻ bị ngã gãy tay, gãy chân, xây xước là chuyện bình thường. Không dừng lại ở mức độ ấy, rất nhiều SV đã bị tử nạn trong mấy năm trở lại đây:
Cuối tháng 2/2009, trên cung đường từ Thái Nguyên đi Bắc Kan có một vụ khiến giới phượt bàng hoàng, đau xót : bạn trai (ĐH Mỏ Địa chất) cầm lái bị tử nạn, bạn gái (ĐH KTQD) ngồi sau phải trải qua những ngày dài đau đớn trong bệnh viện với chấn thương sọ não. Cả hai khi đó mới 21 tuổi. Đây là chuyến đi đầu tiên và cũng là … cuối cùng của các bạn ấy.
Đau lòng và thương tâm không kém là tai nạn của hai thành viên nhóm phượt N.T.H (Thái Bình) và N.K.N (Hải Phòng) đã tử nạn vào ngày 4/9/2010 tại Lào Cai. Một thành viên “phượt” kỳ cựu có nickname MrSlumpđã gặp tai nạn và tử vong khi đang trên đường từ Hà Nội vào Ninh Bình dự buổi offline của các bạn trẻ cuối tháng 10/2011.
Ngày 20/7/2012, bạn gái có nick phượt :Hanamichi.tron, (SN 1991) đã qua đời trên đường chinh phục cực Đông của Việt Nam vì quá đuối sức, lại thiếu hụt dinh dưỡng nhiều ngày.
Và gần đây nhất là vụ phượt lên Hà Giang của một nhóm bạn trẻ khoảng 50 người. N.Q.V (20 tuổi) đã may mắn khi thoát được “lưỡi hái” của tử thần. Ngã xe khi phượt đêm, Việt cùng 2 xế nữa phải dừng hành trình, bắt ô tô về Hà Nội vào ngày 28/10 vừa rồi.
Qua những tai nạn ấy, các bạn trẻ mới thấy “phượt” không hề đơn giản. Gặp phải những nguy hiểm đáng tiếc thế xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau.
Xe máy là phương tiện được các bạn trẻ chọn để tự do khám phá những nơi “thâm sơn cùng cốc”, nhằm tiết kiệm chi phí, tự chủ về thời gian đồng thời cũng là yếu tố đầu tiên khi tạo nên những rủi ro.
Địa hình cũng là nguyên nhân quan trọng khiến dân “phượt” lo ngại. Giới trẻ năng động, nhiệt huyết, ưa mạo hiểm, khám phá nên những cung đường càng sâu, càng xa, càng hiểm càng có sức hấp dẫn lớn.
Sự thiếu hiểu biết về đặc điểm địa hình cũng như thời tiết ở những “cung đường tuyệt vời” mà mình đang đến ấy đồng thời chính là cái “bẫy giết người” gây nên những tai nạn thương tâm trong thời gian gần đây.
Một số bạn trẻ còn bất chấp những khó khăn của thời tiết : mưa gió, bão lũ, sạt lở,…Ngoài ra, số lượng người quá đông, khó kiểm soát được đội hình cũng khiến những tai nạn đáng tiếc xảy đến (phượt Hà Giang vào 26/10 – 50 người).
Vì những chủ quan ấy mà các bạn trẻ đã mất đi những ý nghĩa và giá trị đơn thuần của chuyến “phượt”. Bởi vậy mà các bạn cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng cho những chuyến đi.
Điều đầu tiên là cần phải đặc biệt quan tâm tới thông tin – nâng cao vốn hiểu biết về: thời tiết, đường đi, sinh hoạt… để có sự chuẩn bị tốt nhất. Các diễn đàn phượt đều có thông tin về các địa điểm đã đi qua của “phượt thủ”.
Khoa (leader của một nhóm phượt) nhắc nhở : “Mọi thông tin các bạn đều phải chuẩn bị kỹ càng, không lơ là được. Nếu không sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.
Mỗi chuyến đi, chúng tôi luôn rất chú ý tới chiếc điện thoại. Nó vừa là một kênh thông tin hữu ích khi cần thêm thông tin ở các vùng miền, vừa là phương tiện kết nối mọi xế với nhau. Các ôm phải luôn để điện thoại ở chế độ rung khỏe – chuông to và ở những chỗ trên người dễ nhận biết khi có cuộc gọi đến không nên để trong túi xách đeo bên mình nhằm thuận lợi hơn những lúc cần liên lạc khi đang cùng nhau di chuyển trên đường”
Trước mỗi chuyến “phượt”, mọi người cũng cần chú ý đến xe. Xe phải kiểm tra có bị hỏng hóc, hư hại hay không. Sau mỗi chuyến đi cần bảo dưỡng xe cẩn thận tránh nguy hiểm cho những lần “phượt” sau”.
Bên cạnh đó, sự chuẩn bị cho người cầm lái cũng vô cùng quan trọng. Đặng Hồng Sơn chia sẻ : “Với xế đầu tiên phải có xe tốt và am hiểu các biển báo hiệu lệnh giao thông đi trong đoàn. Đồng thời có kinh nghiệm đi đường và có sức lực tốt. Tuyệt đối chấp hành quy định của đoàn biết hỗ trợ các xe khác khi xảy ra các tình huống.ra đường hiên biến vạn hoá.
Ngoài ra, chạy xe đường đèo cao khoảng 30km và đường dài khoảng 60km cần tạm dừng nghỉ, đảm bảo sức khỏe cho thành viên cũng như chống bó máy xe. Khi lên hoặc xuống đèo cao, dốc đứng đi số 1 hoặc số 2, đồng thời rà mớm phanh. Mỗi xế không nên vượt xe dẫn đoàn. Khi đến các điểm ngã 3, ngã 4 trở lên khó phân biệt hướng tuyến, xe dẫn đoàn hoặc xe thứ 2 dừng chờ đủ đoàn thì đi tiếp và xe chốt bao quát đảm bảo đủ số lượng xe khi đang cùng di chuyển”.
Không ít bạn đã trả giá cho sự chủ quan, chuẩn bị thiếu kỹ lưỡng của mình.
Khoa cũng bổ sung : “Mình phải chuẩn bị tốt công tác chuẩn bị trước khi đi như : đồ dùng cá nhân, đồ sửa chữa xe, đồ y tế, lên dây cót tinh thần và tạo không khí hòa đồng vui vẻ với mọi người. Sau mỗi chặng nghỉ nếu thấy xe nào chạy chưa có kinh nghiệm thì khuyên bảo.
Trên đường phượt không tránh những sự cố bất ngờ nhưng tất cả – đặc biệt là leader phải bình tĩnh và cùng nhau tìm hướng giải quyết phù hợp. Điều quan trọng là mọi người trong đoàn phải luôn đề cao tính kỷ luật, tôn trọng, đoàn kết với nhau để cùng vượt qua các chặng đường một cách an toàn nhất.
Một lưu ý nữa trước mỗi hành trình “phượt”: tránh những trường hợp thời tiết không tốt, đừng nên mạo hiểm và thách thức cả tạo hóa. Nhất là khi chạy xe trời sương mù mịt trên đường đèo các xế nên dán thêm giấy nilon màu đỏ hoặc vàng vào trước đèn pha. Các xe di chuyển giữ cự ly với nhau, đồng loạt bật xi nhan bên phải.
Luôn là một leader trong các hành trình, Khoa bổ sung : “Vấn đề đứng ra tổ chức một chuyến đi tùy khoảng cách quãng đường, tùy địa hình nơi đến để định hình số lượng xe chạy nhằm dễ kiểm soát cũng như hạn chế rủi ro trong quá trình đi phượt.
Ví dụ với khoảng 20 xe trở lên chỉ nên tổ chức tới điểm đến với quãng đường tối đa 100km như Ba Vì chẳng hạn thôi. Chứ những chuyến đi mà tới tận 50 người như các bạn lên Hà Giang vừa rồi, thật quá nguy hiểm”.
Sau mỗi chuyến “phượt”, điều mà bất cứ ai cũng quan tâm chính là sự an toàn của chính mình. Đó cũng là thước đo cho kết quả và chất lượng mỗi hành trình. Điều đó càng được lưu ý hơn ở chặng đường về, các thành viên phần nào đã thấm mệt và tâm lý không ít các bạn muốn vội về nhà. Nguy cơ thúc giục nhau, mạnh ai người đó chạy, rất khó kiểm soát. Những lúc như vậy, tai nạn dễ xảy đến, khiến chuyến đi không còn tính tổ chức và thiếu trọn vẹn niềm vui.