Những quan niệm sai lầm của người trẻ
Cuộc sống càng ngày càng hiện đại kéo theo đó là cả một hệ lụy, con người cũng phải hiện đại theo. Phong cách và lối sống để theo kịp với cuộc sống thời @ của những người trẻ hiện nay khá phổ biến.
Yêu 50, chọn 10, chơi hết!
Tình yêu vốn là thứ tình cảm tốt đẹp, thiêng liêng của lứa đôi nhưng ngày nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, sự du nhập văn hoá phương Tây mà mỹ từ này đang dần mất đi ý nghĩa đích thực của nó.
Nhiều bạn trẻ ngày nay coi tình yêu như một trò chơi đầy ma lực. Sống trong thời đại nam nữ bình đẳng, không chỉ nam giới “yêu 50, chọn 10” mà nhiều bạn nữ cũng “đáng mặt anh hào” lắm.
Đối diện với phòng trọ của tôi có một anh chàng cũng không “hào hoa phong nhã” cho lắm nhưng là tay “sát gái” có hạng. Anh ta không chỉ bắt cá hai tay mà 5, 7 tay là đằng khác. Anh ta cũng thật có tài “ke” giờ. Cô này vừa đi cô khác đã tới. Cô nào đến cũng cửa đóng then cài, thế mới lạ chứ.
Thật đáng sợ là nhiều cô có nhan sắc một tí, chịu chơi một tí là nay anh này hai tháng, mai anh khác 3, 4 tháng. Có cô mới sinh viên năm hai mà bản danh sách “khách mời đặc biệt” đã lên tới đơn vị hàng chục thế nhưng các cô đâu đã thèm “e thẹn”, lại cứ bô bô coi đó là giấy chứng nhận cho nhan sắc và tài năng mới khổ chứ.
Sống thử là “tiến bộ”
Đây là vấn đề “biết rồi khổ lắm nói mãi” nhưng nó vẫn tiếp tục diễn ra và có chiều hướng gia tăng trong giới trẻ hiện nay. Nhiều đôi bạn trẻ vừa yêu nhau được một vài tháng đã vội “a lê hấp” – thế là xong. Ngay cả những cô gái từ bản làng xuống thành phố học, chưa được bao lâu đã bắt nhịp rất nhanh với cuộc sống thành thị.
Tôi có một cô bạn học, người dân tộc, khá xinh, vừa bước vào năm thứ nhất đại học đã cặp ngay với một anh chàng. Nàng từ núi xuống, chàng từ quê lên, biết và yêu nhau trong vòng hai tháng liền thuê phòng góp gạo thổi cơm chung.
Thế là hàng ngày nào là đi chợ, nấu ăn, giặt giũ, giận dỗi, ghen tuông… đủ cả, thử hỏi thời gian đâu mà học. Vì thế, bước vào năm thứ hai, cô sơn nữ của lớp tôi trông như một bông hoa bị rút hết sinh khí. Chẳng biết thế nào mà hai người cũng gắng gượng được bốn năm đại học. Bốn năm làm vợ “hờ” thử hỏi sao không “tàn” cho được.
Nàng thi trượt tốt nghiệp, chàng thì: Bố mẹ anh bảo học xong vào Sài Gòn để bác anh xin việc. “Chúng mình đành chia tay vậy”. Nàng đau khổ, khóc lóc vật vã doạ uống thuốc ngủ tự tử, may chúng tôi kịp đưa đi cấp cứu.
Chẳng bù cho lúc đầu bạn bè khuyên can, cô còn tuyên bố hùng hồn: “Sống thử với người yêu như bây giờ là biết đối mặt với khó khăn thử thách. Cuộc sống tạm bợ còn chấp nhận được nhau thì sau này lấy nhau chẳng sợ những bất cập lo toan”. Thế đấy, nhưng vấn đề là ở chỗ liệu có cái viễn cảnh “sau này” hay không?
Càng “hở” càng đẹp
Chẳng hiểu từ bao giờ trong giới sinh viên chúng tôi có câu thành ngữ mới: “Giá áo tăng lên, giá quần tụt xuống”. Các nàng thi nhau mặc áo hở rốn.
Tôi có cô bạn rất hiền lành lại sống kín đáo, cách ăn mặc cũng giản dị nhưng lại chưa có người yêu. Các bạn trai trong lớp bảo: “Nó cổ điển quá!”. Còn một bạn trai nói thẳng thừng: Bởi vì “Khi giơ tay lên nó không bán thịt bụng, khi cúi xuống nó không bán thịt mông ấy mà”.
Nghe thì có vẻ thô nhưng mà thật. Là nữ giới nhưng tôi cũng thấy nhức mắt khi gặp cảnh các cô nương thời nay diện quần cạp trễ ngồi quay lưng ra đường ăn sáng để lộ cả cái phần lẽ ra phải che kín. Những bậc đàn anh đã ra trường, có công ăn việc làm thì họ nói: “Một quan niệm sai lầm của một thời nông nổi”. Còn những người lớn tuổi đi qua chỉ biết chép miệng lắc đầu.
Tóc “ấn tượng”
Ngày nay, đi xuống phố tôi hoa cả mắt vì Tây ở đâu mà nhiều thế, nhìn kỹ thì hoá ra toàn là “ta” cả. Các nam nữ thanh niên ngày nay chán màu tóc đen “thuần chủng” của dân Á châu rồi thì phải. Các cô nàng thì thi nhau nhuộm tóc, uốn tóc. Có nàng trong một tuần thay đổi đến 3, 4 kiểu tóc, màu tóc.
Tôi có đọc được ở báo nào đó có bài viết về nữ ca sĩ nổi tiếng thế giới Madonna với biệt danh “con tắc kè hoa đổi màu” nhưng ngày nay thì chẳng cần đi đâu xa, các bạn chỉ cần thâm nhập vào giảng đường một trường đại học nào đó cũng sẽ thấy những con tắc kè đủ màu sắc.
Lớp tôi là lớp văn, 85% là con gái. Năm thứ nhất thì phần lớn là những cô gái duyên dáng với mái tóc dài, thế mà chưa đầy một học kỳ, các mái tóc tha thướt kia lần lượt ra đi thay vào đó là những mái tóc ép thẳng đơ như rô bốt – sản phẩm của thời đại khoa học công nghệ cao chăng? Ấy vậy mà chẳng được bao lâu lại đổi thành tóc lọn, tóc uốn rồi thành tóc vàng hoe… Thật đáng thương cho mái tóc.
Các nàng thì ngày nào đến lớp cũng than thở: “Tóc tớ dạo này xơ xác quá!”. Cứ kiểu thay mốt tóc siêu tốc ấy thì mỗi sợi tóc còn lại bao nhiêu hạt prôtêin mà óng mượt cho được?
Hình thức phản ánh nội dung, các bạn trẻ chúng ta chớ để người khác đánh giá sai về vẻ đẹp bên trong của mình chỉ vì cái vỏ bề ngoài không phù hợp.
Theo Phụ Nữ/Netlife