Những câu nói quen thuộc cha mẹ không nên nói với con

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 18/08/2017Lần cập nhập cuối: 05/01/2021

“Sao con không được như…”

Những câu nói quen thuộc cha mẹ không nên nói với con - 1

So sánh con mình với những đứa trẻ khác là một xu hướng tự nhiên ở nhiều bậc phụ huynh. Nhiều cha mẹ không biết rằng con dễ tổn thương khi nghe cha mẹ so sánh mình với bạn bè khác.

Dù biết rằng, cha mẹ cũng chỉ muốn con có thể giỏi hơn. Nhưng với cách này, cha mẹ chỉ gây áp lực cho con, nhiều khi sẽ khiến con trở nên tiêu cực với bạn bè hơn. Đừng gieo vào lòng trẻ sự so sánh, ghen ghét, hơn thua khi con còn quá nhỏ.

Hãy để trẻ hiểu, con phải cố gắng hết sức mình, là chính mình tốt nhất. Cũng hãy để con tự tin với những ưu điểm đặc biệt của mình.

“Bố/mẹ đang bận”

Những câu nói quen thuộc cha mẹ không nên nói với con - 2

Bố mẹ nào thì cũng không thể tránh khỏi những lúc lúc bận rộn và cần những phút giây yên tĩnh. Tuy nhiên, khi bạn cứ thường xuyên nói với con những câu như “Đừng làm phiền bố/mẹ.”, “Bố/Mẹ đang bận” thì sẽ dần dần tạo nên một bức tường ngăn cách với con cái.

Sự từ chối liên tục từ bạn có thể khiến bé bị tổn thương và sinh ra trầm cảm vì nghĩ rằng không ai cần mình nữa. Các con sẽ có xu hướng ít chia sẻ và bày tỏ với bố/mẹ khi lớn lên.

Thay vì thế, mẹ hãy chia sẻ với trẻ lí do vì sao bố/mẹ bận và yêu cầu con tạm thời yên tĩnh một lúc: “Bố/mẹ còn phải làm nốt việc này nữa. Con ngoan ngồi vẽ tranh một lát nhé. Rồi lát nữa bố/mẹ con mình đi chơi sau”.

“Không sao đâu”

Những câu nói quen thuộc cha mẹ không nên nói với con - 3

Khi con bị ngã trầy đầu gối và òa khóc, câu nói “Không sao đâu” sẽ chỉ khiến bé cảm thấy tệ hơn vì nghĩ rằng mọi người không thể hiểu được nỗi đau của mình. Lúc này cha mẹ nên giúp con trấn an lại cảm xúc bản thân chứ không phải là coi nhẹ nó.

Hãy dành cho con một cái ôm và hiểu được cảm giác của con bằng những câu như: “Thật là một cú ngã đáng sợ”, “Bố/mẹ hiểu mà”…

“Chúng ta không có đủ tiền để mua đâu”

Những câu nói quen thuộc cha mẹ không nên nói với con - 4

Câu nói này thể hiện rằng bạn đang không chủ động về tài chính và sẽ gây cho trẻ mặc cảm rằng gia đình đang khó khăn. Bạn nên giải thích cho con hiểu lý do không thể mua món đồ đó, chẳng hạn như cha mẹ phải chi tiêu rất nhiều thứ, chúng ta đang dành tiền cho kì nghỉ hoặc đó là món đồ con đã có rồi. Cách này giúp bạn không chỉ dạy con về giá trị cuộc sống mà còn giúp bạn không tự biến mình thành một kẻ nói dối.

“Con giỏi lắm”

Những câu nói quen thuộc cha mẹ không nên nói với con - 5

Đành rằng việc khen con, khuyến khích con là điều vô cùng quan trọng nhưng cha mẹ cũng cần lưu ý khi thể hiện sự động viên này. Thay vì nói “con giỏi quá”, “con làm tốt lắm”… cha mẹ nên nói “Bố/mẹ rất vui vì con đã cố gắng”.

Việc thường xuyên khen con mình sẽ khiến con trở nên phụ thuộc vào sự công nhận đó, thậm chí làm xuất hiện trong con trẻ tính tự thỏa mãn với kết quả của mình và không còn muốn sự nỗ lực cao hơn thế nữa.

“Không nhanh lên thì con sẽ ở nhà đấy”

Đây là câu cha mẹ thường xuyên thốt ra, và thường mang sắc thái quát tháo và giục giã, điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy căng thẳng, thậm chí sinh ra phản ứng chống đối. Đừng dùng những lời dọa dẫm để thúc giục trẻ.

Thay vào đó bạn nên nói: “Nếu con không mang giày và sẵn sàng đi trong 5 phút nữa thì tối nay con sẽ không được xem ti vi đâu”. Hãy khiến trẻ lắng nghe những điều bạn nói chứ không phải sợ hãi những lời dọa dẫm của bạn.

“Mẹ hứa là nó sẽ không đau đâu”

Những câu nói quen thuộc cha mẹ không nên nói với con - 6

Mặc dù bạn cho rằng cách này sẽ khiến trẻ ngoan ngoãn hơn khi gặp bác sĩ nhưng nếu trẻ biết rằng bạn nói dối, chúng sẽ không còn tin tưởng bạn nữa. Hãy cho con biết rằng, nếu phải tiêm, con sẽ bị đau nhưng cơn đau ấy sẽ qua nhanh và nó giúp con khỏe mạnh hơn.

“Không được khóc nào con!”

Những câu nói quen thuộc cha mẹ không nên nói với con - 7

Cha mẹ cũng nên hiểu khóc là hành động bộc lộ cảm xúc cần thiết khi trẻ đau lòng hay tổn thương. Và nếu nói với con rằng con không được khóc thì trẻ sẽ mang suy nghĩ khóc là sai.

Hãy để trẻ tự nhiên thể hiện cảm xúc của mình. Trẻ con cũng có những cảm xúc riêng và được quyền thể hiện những cảm xúc đó khi mà chúng không thể bày tỏ bằng lời. Thay vì bảo con “đừng” thế này thế kia, bố mẹ có thể nói những câu thể hiện sự đồng cảm và sẻ chia, bé sẽ dần dần nín khóc và nói ra những cảm xúc của mình.

Bùi Linh

Tổng hợp