Những bức thư tiết lộ tuổi trẻ của Darwin

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 18/05/2007Lần cập nhập cuối: 14/04/2021

“Tớ chỉ rửa chân mỗi tháng một lần ở trường, vì dù biết là rất bẩn, nhưng tớ không thể làm gì được”, cậu bé Darwin 12 tuổi viết cho một người bạn.

Trong một lá thư khác, Darwin (đã lớn hơn) giãi bày sự hào hứng một cách ngây thơ về chuyến đi sắp tới sẽ mãi mãi thay đổi cuộc đời ông và của ngành sinh học: “Đây là kế hoạch vĩ đại nhất. Chúng tớ sẽ dành khoảng 2 năm ở Nam Mỹ, phần còn lại sẽ vui đùa vòng quanh thế giới”.

Những câu chuyện như thế này về người đàn ông – cha đẻ của lý thuyết tiến hoá do chọn lọc tự nhiên – giờ đây sẽ trở nên quen thuộc với công chúng, nhờ việc các bức thư của ông lần đầu tiên được công bố lên mạng.

Website chứa bản tóm tắt của hơn 14.700 bức thư, được gửi đến hay gửi đi từ nhà tự nhiên học danh tiếng, với nhiều bức trong số đó được đăng nguyên văn. Đây là một phần trong Dự án Thư từ Darwin đầy tham vọng, nhằm mục đích công bố tất cả các bức thư dưới dạng các cuốn sách. Khi hoàn thành, các bức thư sẽ chiếm khoảng 30 bộ.

“Dự án này bắt đầu năm 1974, và đến nay vẫn chưa kết thúc”, nhà nghiên cứu của dự án Sam Kuper, từ Đại học Cambridge ở Anh cho biết. “Các bức thư trước năm 1867 đã được công bố, và chúng tôi đang làm việc với một cuốn gồm các bức thư từ năm 1868. Tuy nhiên Darwin sống đến năm 1882, vì thế còn rất nhiều bức chưa được đưa ra”.

Darwin trao đổi thư từ với gần 2.000 người trong đời mình. Bên cạnh gia đình và các nhà khoa học, ông cũng viết cho các nhà ngoại giao, các mục sư, người làm vườn và cả người nuôi chim.

Thư từ chiếm phần quan trọng trong sự phát triển các ý tưởng khoa học của ông. “Trong hầu hết cuộc đời, Darwin sống như một người tàn tật và náu mình trong ngôi nhà mình ở Kent”, Kuper nói.

Để có được những thông tin mà tự mình khó thu thập, Darwin đã viết cho những người có thể thay ông quan sát. “Ông ấy sử dụng thư từ như con mắt và đôi tai của mình khi đang xây dựng thuyết tiến hoá”, Kuper nói.

Không chỉ là một nhà khoa học

Trong một bức thư gửi cho người bạn J.D. Hooker, nhà thực vật học người Anh, người đã thúc giục Darwin công bố thuyết tiến hoá, ông thú nhận rằng lý thuyết của mình về tính bất biến của các loài “giống như thể thú tội mình là tên sát nhân vậy”.

Đọc các bức thư, người ta có thể cảm nhận không chỉ một Darwin nhà khoa học, mà còn là một Darwin bạn bè, một người chồng và một người cha. Có lẽ nhớ lại cái chết của con gái mình, Anne, Darwin đã đau lòng khi nghe tin con trai của người bạn Hooker mắc phải bệnh tinh hồng nhiệt: “Ông bạn cũ đáng thương của tôi ông thật không may mắn. Mọi chuyện sẽ sớm thay đổi… Càng nhiều tình yêu càng nhiều thử thách, và cuộc sống sẽ chỉ là một sa mạc khô cằn nếu không có tình yêu thương”. Trong bức thư của Emma, vợ Darwin, bà bày tỏ lo ngại rằng ông sẽ mất niềm tin vào Chúa, điều ông cuối cùng vẫn làm. Các bức thư cũng tiết lộ về một người đàn ông khiêm nhường nhất và thích ngao du hơn nhiều so với sách báo phỏng đoán.

Theo T. An Vnexpress/LiveScience