Nguyễn Huy Thiệp: “Không có ý định “giải cứu” chèo”
Khác với những buổi ra mắt sách thông thường khác, Nguyễn Huy Thiệp mang đến cho những nhà nghiên cứu, độc giả và báo giới không chỉ tác phẩm mới ra mắt mà còn có cả bộ sưu tập 74 ấn phẩm đã được phát hành của ông trong suốt 20 năm văn nghiệp (được lưu trữ bởi chính ông cùng sự góp sức của Trung tâm Văn hóa Đông Tây). Cùng với sách của ông, là những bức họa cho Vong Bướm được vẽ bởi họa sĩ Lê Thiết Cương với phong cách tối giản hóa, “như chính hai “văn bản chèo” trong tập sách mới của Nguyễn Huy Thiệp vậy”.
Buổi giao lưu được bắt đầu với lời dẫn của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết 4 lý do để có buổi giới thiệu này. Thứ nhất, đây là buổi giới thiệu sách đầu tiên của Nguyễn Huy Thiệp. Thứ hai, người ta đã quá quen với truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, kịch Nguyễn Huy Thiệp, nhưng đây là lần đầu tiên, người ta biết Thơ Nguyễn Huy Thiệp, lại là thể thơ lục bát lần đầu ông ra mắt. Thứ nữa, Vong Bướm là một kịch bản chèo. Và cuối cùng, “đơn giản bởi chính ông là Nguyễn Huy Thiệp”.
“Tôi bất ngờ với Nguyễn Huy Thiệp khi cầm trên tay cuốn sách này, vì ở vào tuổi lục tuần, ông lại chuyển sang “chơi chèo”. – PGS. TS Nguyễn Đăng Điệp – Viện trưởng Viện Văn Học chia sẻ, Ông Điệp cũng nhấn mạnh, Nguyễn Huy Thiệp đã vừa “phục hưng”, vừa “tiền phong” nghệ thuật chèo Việt Nam. Phục hưng bởi có nhận định cho rằng trong suốt mấy chục năm qua, chúng ta đã “phá tan nát” chèo, Nguyễn Huy Thiệp đang góp phần khôi phục lại nghệ thuật chèo, tình yêu chèo trong lòng người Việt Nam. Và chính ông qua việc ra mắt ấn phẩm Vong Bướm này, cũng là người làm nhiệm vụ tiền phong, mang chèo trở lại với đại chúng một cách chính thức và có hệ thống.
Tuy nhiên, không phải mọi ý kiến đều đồng tình với PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, tiến sĩ văn học Nguyễn Thị Minh Thái cùng hai vị lão làng trong sân khấu chèo cùng những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian có mặt đã bày tỏ sự nghi ngại liệu rằng những kịch bản Nguyễn Huy Thiệp đã viết trong Vong Bướm liệu có thật sự là một kịch bản chèo thật hay không? Bởi trong chèo bao giờ cũng có “trò diễn” và “tích diễn”, câu chữ cần phải kết hợp hài hòa với diễn xuất cũng như âm nhạc, thiếu một trong những thứ ấy, chèo không còn là chèo nữa. Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ tuy chưa có thời gian đọc cuốn sách mới của Nguyễn Huy Thiệp, nhưng bà “cảnh báo” trước rằng từ văn bản chữ nghĩa dịch sang được trò diễn là cả một khoảng cách rất lớn.
Trước sự phản ứng của những nhà nghiên cứu tại buổi họp báo, Nguyễn Huy Thiệp chia sẻ ông không kỳ vọng kịch bản chèo ông viết sẽ đem đi dựng thành vở chèo, hay để “cứu nguy” cho làng chèo Việt Nam hay bất cứ kỳ vọng to lớn nào khác, ông chỉ đơn giản: “Viết kịch bản chèo là một biện pháp dưỡng sinh, là thứ tổng công. Tôi viết vì sự sống của tôi, chứ tôi không muốn đi cứu nhà hát chèo Việt Nam. Tôi không muốn đi lấy mất khẩu phần ăn của một tác giả viết chèo, mà vì tất cả lòng yêu chèo của tôi.”
Trước câu hỏi của một phóng viên “Ông đã trả lời phỏng vấn rằng nếu ông làm đạo diễn cho chính vở chèo của mình viết thì sẽ là hoàn hảo nhất, vậy ông sẽ làm thế nào với vở chèo của mình nếu ông là người đạo diễn đó?” Nguyễn Huy Thiệp đã trả lời rất ngắn gọn: “Nói ra đã là sai rồi, tôi nói những điều sai và chị cũng đã nói những điều sai”.
Xuất hiện trên văn đàn Việt Nam khi tuổi không còn trẻ (38 tuổi), Nguyễn Huy Thiệp đã đóng góp một phần công sức rất lớn của mình vào nền văn học Việt Nam. Dù là khi mọi tác phẩm của ông được ca ngợi bởi tính học thuật và nhân văn, hay đến thời điểm ông tự gọi tác phẩm mình viết ra là “tiểu thuyết ba xu” với tuyên ngôn “tôi viết vì tiền”. Thì nay, ở vào tuổi 62, Nguyễn Huy Thiệp một lần nữa lại chạm đến sóng gió quan trọng trong đời văn của mình. Đáp lại chia sẻ thân tình của ông, hãy nhìn nhận tác phẩm như một “yêu cầu nội tâm” của chính ông mà thôi.
Bắt đầu buổi trò chuyện, Nguyễn Huy Thiệp xưng danh “tôi nhìn thấy ở đây có sự xuất hiện của những người yêu quý tôi, và cả những người không yêu quý tôi, nhưng tôi chỉ muốn nói tôi yêu tất cả các bạn”. Để rồi đến cuối buổi trò chuyện, ông xin phép đính chính “Tôi chỉ yêu một số các bạn mà thôi”.
Bài và ảnh: Bình Yên