Người trẻ tự khơi dậy khả năng lãnh đạo

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 18/06/2006Lần cập nhập cuối: 14/04/2021

Lãnh đạo: Không đợi tuổi

Năm 2004, tại Trường Đại học Standford, Mỹ, tôi cùng một nhóm sinh viên (SV) và bạn trẻ đang đi làm thành lập Mạng lưới lãnh đạo Đông Nam Á. Mỗi năm, các thành viên dành ra thời gian khoảng 2 tuần (nhưng chuẩn bị dự án từ trước đó khá lâu) về lại các nước Đông Nam Á: Việt Nam, Campuchia, Thái Lan…

Nhóm làm những việc nhỏ thôi: giúp trang bị một phần trang thiết bị cho cộng đồng nhỏ, làm việc trực tiếp với các SV, học sinh cấp 3 – những bạn trẻ có khả năng và tiềm năng trở thành lãnh đạo tương lai của đất nước. Chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm và khuyến khích các bạn nhìn ra xung quanh để xem có thể giúp ích gì được cho cộng đồng…

Năm ngoái, nhóm thực hiện một dự án với Thành đoàn TPHCM, nội dung quan trọng nhất là làm việc với các bạn học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trường phổ thông Năng khiếu.

Chủ yếu chúng tôi lắng nghe các bạn trẻ nói và đặt ra những câu hỏi cho các bạn trả lời: bạn muốn làm gì để giúp đỡ quê hương, nhìn quanh thành phố có thể làm được những gì để cuộc sống tiến bộ hơn, với tư cách là SV thì bạn làm được gì, là một SV rất bận rộn thì bạn làm được gì…

Sau đó các bạn trẻ rất năng nổ ấy đã tụ họp lại thành nhóm, có nhiều hoạt động thiết thực: quyên góp ủng hộ, dạy học cho trẻ em đường phố, trẻ em ở các mái ấm, nhà mở…

Mục đích của nhóm là khơi dậy lòng tự tin để các bạn trẻ trong khu vực tự tổ chức hoạt động. Thời gian của chúng tôi ở mỗi nơi chỉ có 2 tuần, không thể làm được gì nhiều, nhưng các bạn nhỏ tại địa phương sẽ ở đây vài năm, có bạn đi học, đi làm rồi trở về quê hương… Họ sẽ có ý thức nhìn quanh, biết đặt ra câu hỏi và tự tin hành động từ những việc rất nhỏ cho cộng đồng.

Các bạn trẻ sẽ đẩy lùi một tư tưởng trì hoãn khá phổ biến: đợi sau này khi thành công tôi sẽ đóng góp, khi tôi nghỉ hưu có thời gian tôi mới chăm sóc bà con…

Các bạn trẻ này sẽ thấy dù là học sinh cấp 3 nhưng vẫn làm được việc có ích cho cộng đồng. Năm nay, nhóm tiếp tục chia làm 3 đoàn đi Campuchia, Thái Lan và Việt Nam.

Hiểu biết trong môi trường đa văn hóa

Năm ngoái, tôi tham gia chương trình Lãnh đạo thế giới và Viện Lãnh đạo do Tập đoàn Goldman Sachs tổ chức. Được lựa chọn là những người có khả năng và nguyện vọng làm việc cho đất nước, có những hoạt động phục vụ cộng đồng, học lực tốt…

Thực ra, trong thời gian này chúng tôi tới đó để học. Chương trình chọn những người rất thành công như: Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Tổng biên tập Báo Time… đến chia sẻ kinh nghiệm thành công và đặt ra câu hỏi cho mỗi thành viên.

Huỳnh Minh Việt hiện đang học khóa thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Trường ĐH Standford, Mỹ. Trước đó, Việt học 4 năm ở Singapore bằng học bổng ASEAN.

Việt là một trong những người thành lập Mạng lưới lãnh đạo Đông Nam Á (Southest Asian Leadership Network: http://sealnet.standford.edu), là 1 trong 50 SV trên thế giới được chọn tham gia chương trình Lãnh đạo thế giới 2005 của Tập đoàn Goldman Sachs – một trong những ngân hàng lâu đời và uy tín nhất trên thế giới – và tham gia Viện Lãnh đạo Goldman Sachs 2005.

Những SV tham gia chương trình rất có tiềm năng trong 10, 20 năm nữa trở thành lãnh đạo, và ngay từ bây giờ họ đã tạo được mối quan hệ với nhau – điều này rất hữu ích.

Cái quan trọng nhất tôi học được từ những bạn này là cách mà những người từ nhiều môi trường khác nhau có thể nói chuyện với nhau. Có những điều rất đơn giản nhưng cực kỳ hữu ích, chẳng hạn như cái gì là quan trọng đối với người đang giao tiếp.

Ví dụ với người Việt Nam thì gia đình và phát triển kinh tế là quan trọng, nhưng đối với người Mỹ thì dân chủ mới là quan trọng nhất.

Chính do khác biệt về văn hóa mà các nước hay có sự hiểu lầm. Sau này bạn có làm kinh doanh, giáo dục hay chính sách nhà nước… thì những hiểu biết này vẫn cực kỳ hữu ích.

Ở hay về?

Công ty muốn du học sinh giỏi về làm việc, đất nước muốn du học sinh giỏi về xây dựng quê hương, du học sinh học đây học đó nhưng mục đích vẫn là có việc làm tốt cho bản thân, giúp ích cho gia đình và đồng bào.

Hầu như ai bỏ thời gian, tiền của ra học cũng đều mong công việc lương cao, có cơ hội phát triển về sau. Ví dụ như ở nhiều nước, nếu học và làm việc về kinh tế, bạn có thể chắc chắn sau khi đi làm 2 năm sẽ được công ty gửi đi học một khóa thạc sĩ về quản trị kinh doanh, và sau đó sẽ đảm nhận vị trí quản lý, lương cao.

Còn ở thời điểm này về Việt Nam lương thấp hơn là một, rồi không biết chính sách đối với mình sẽ như thế nào. Nếu cùng nhận một số tiền lương, cùng được đối đãi như nhau, dĩ nhiên đa số sẽ chọn về quê hương làm việc.

Nhiều công ty của Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ… trực tiếp đến các trường đại học ở nước ngoài để nói chuyện với SV, cho du học sinh biết nếu về công ty họ sẽ được hưởng những điều kiện thuận lợi nào.

Đặc biệt là không chỉ công ty đi “chiêu dụ nhân tài” mà đại diện chính phủ cũng đi cùng để nói về chính sách khuyến khích đối với du học sinh trở về nước làm việc, ví dụ như thuế thu nhập thấp hơn…

Tiền bạc không phải là tất cả nhưng đó là lý do rất quan trọng để du học sinh quyết định ở hay về.

Một cách thu hút nhân tài trở về mà Singapore đã áp dụng rất thành công từ nhiều năm nay mà chúng ta có thể học tập. Đó là có những công ty, tổ chức hoặc cơ quan mỗi năm tuyển chọn ra một số bạn thật giỏi, cung cấp toàn bộ chi phí du học, với điều kiện là học xong bắt buộc phải về làm việc cho nơi đã tài trợ.

Quy trình tuyển chọn phải công khai, nghiêm túc, được đăng tải rộng rãi để cho mọi người đều biết. Như vậy, những người tài có điều kiện phát huy năng lực và phục vụ trở lại đất nước.

Nếu chưa có đủ điều kiện để cấp học bổng 100% thì 70 – 80% cũng rất tốt rồi. Khi du học sinh về nước làm việc thì sẽ trả dần bằng cách trích từ lương trong vòng vài năm. Chính sách có tình có lý này đảm bảo người tài sẽ trở về. Ngược lại, những người trở về đều là những người có tài năng.

Huỳnh Minh Việt (ĐH Standford, Mỹ)Theo Thanh Niên