Người lớn vô tình, trẻ nhỏ tổn thương

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 13/08/2015Lần cập nhập cuối: 05/01/2021

Bé gái cháu tôi, con bé Bông mới được 2 tuổi. Người quen, ai mới gặp lần đầu cũng nói; “sao cái mặt giống bố thế, giống nhất cái lúc xị mặt ra, trông nặng cứ như chì”.

Lại có đứa trẻ trong xóm, đi đâu không bao giờ thấy nó nói chuyện hay chào hỏi người lớn, hàng xóm ai hỏi gì cũng chẳng thấy nó trả lời. Vì thế, không biết bao lần thằng bé bị đưa vào câu chuyện của các bà lớn tuổi trong xóm kiểu như: “thằng Minh này cứ câm như hến” hay “hình như nó bị tự kỷ” hoặc là “cái mặt đã không đẹp gì cho cam, lại còn cạy răng cũng không thấy nó nói nửa lời.” Chuyện ấy có lúc được nói sau lưng, nhưng cũng nhiều lần trước ngay mặt thằng bé mới lên 4 tuổi.

Cũng có không ít những bố mẹ, khi dạy con học bài mãi chẳng thuộc, bực mình nói rằng “dốt thế”, “có thế mà cũng không làm được”, có người nặng lời con buông câu “dốt như bò ấy”.

Người lớn vô tình, trẻ nhỏ tổn thương - 1
Trẻ sẽ bị ám ảnh, mất tự tin nếu thường xuyên bị nghe những lời nói mang tính tiêu cực

Hình như chúng ta cho rằng chúng là trẻ con, chưa biết gì nên cứ vô tư mà bình phẩm trước mặt chúng. Những đứa trẻ có thể chưa hoàn thiện về ngôn ngữ, nó có thể chưa hiểu hết những gì họ nói nhưng qua cách nói chuyện và thái độ của chúng ta, chúng cũng có những hiểu biết nhất định.

Trẻ con bắt đầu từ 3 tuổi đã có thể ý thức được về giá trị bản thân. Người lớn thường xuyên trêu đùa kiểu cố tình hạ thấp trẻ như: quần áo xấu, tóc kiểu buồn cười, răng sún, lớn rồi còn bám váy mẹ,… lớn lên trẻ sẽ cảm thấy mình không được tôn trọng, bất lực và tự ti.

Trẻ em từ 5 tuổi trở đi đã bắt đầu có nhận thức đầy đủ và hoàn chỉnh về thế giới xung quanh. Vì thế, người lớn có khi chỉ cần vô tình nói những câu cửa miệng cũng có thể làm tổn thương trẻ và dẫn đến suy nghĩ tiêu cực cho trẻ khi trưởng thành.

Trẻ chưa đủ lớn khôn, trưởng thành để tranh cãi lý lẽ đúng sai với người lớn. Với tư duy non nớt của mình, chúng sẽ bị ám ảnh, rồi tự kỷ ám thị, mình đúng là “kẻ vô tích sự”, là “đứa không ra gì”, “mình chẳng làm nên trò trống gì”… như người ta nói.

Chúng ta luôn trông chờ con cái mình khôn lớn và thành đạt. Vậy thì hãy dừng việc quan tâm, chăm sóc chúng bằng những lời nói có thể làm tổn thương tư duy trẻ.

Hãy tưởng tưởng xem, bạn có mong chờ một cái cây có thể phát triển xanh tốt, nếu chúng bị tưới tắm bằng thứ nước đầy các chất ô nhiễm?

Những đứa trẻ được yêu thương, nâng niu và trân trọng thì sau này mới có thể tự tin về bản thân, tự tin trước mọi người và có cơ hội thành công trong cuộc sống.

Người lớn vô tình, trẻ nhỏ tổn thương - 2
Ảnh minh họa

Người lớn cũng nên hiểu rằng, mỗi đứa trẻ là một thế giới riêng, một tính cách riêng. Chúng ta không thể bắt mọi đứa trẻ đều phải hoạt ngôn, khỏe mạnh, ngoan ngoãn, biết vâng lời như nhau. Hãy nhìn nhận mỗi đứa trẻ ở độ tuổi, khả năng, hoàn cảnh gia đình và sự phát triển khác nhau để có cái nhìn khoan dung, trân trọng và yêu mến trẻ con hơn.

Ai cũng có quyền được yêu thương và cảm thông, nhất là những đứa trẻ. Đừng vì những lời nói “vui miệng” hay vì tức giận mà nói ra những lời khó nghe, làm tổn thương tâm hồn và đánh mất sự trong sáng của trẻ thơ.

Theo Thu Trang

VietNamNet