Người đàn ông bật khóc khi mẹ dặn: “Đừng về Tết!”

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 19/12/2019Lần cập nhập cuối: 04/01/2021

Anh Hàn Giang nghẹn đắng, thậm chí bật khóc với hai chữ “Đừng về” của mẹ. Đó là những lời trong nước mắt và đau đớn tâm can. Anh hiểu, người mẹ nào con cháu xa nhà biền biệt mà không muốn con về, rồi những đứa con Tết xa quê thì buồn nát cõi lòng. 

Người đàn ông bật khóc khi mẹ dặn: Đừng về Tết! - 1
Người đàn ông bật khóc khi mẹ dặn: Đừng về Tết! - 2

Đường về quê ngày Tết của những người con, người cháu xa lắc lư

Anh Giang nói, hồi còn đi học, thân trai một mình, anh chỉ cần nhảy lên tàu hay đáp chuyến xe đi hơn một ngày đêm là về đến Nghệ An. Về quê, cũng bố mẹ lo hết, chẳng phải chi tiêu gì.

Nhưng trái ngược với mong ước mỗi năm được về Tết, 15 năm sống ở Sài Gòn, số lần về Tết của anh Giang thưa dần. Không phải vì anh lười về quê, không nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ nhà mà vì chi phí quá đắt đỏ. 

Gia đình anh hai vợ chồng, hai đứa con nhỏ, ra vô là hết hơn 30 triệu tiền vé máy bay. Có năm, nhà anh đi tàu, cả nhà cùng say ngất ngưởng, ói lên ói xuống, về là cả nhà cùng ốm xem như cũng mất Tết. 

Chưa kể, ít nhất anh phải chi phí thêm khoảng 20-30 triệu đồng tiền taxi 4 vòng, tiền quà cáp nội ngoại, tiền sắm Tết. Rồi tiền lì xì, tiền đi ăn uống bạn bè… luôn gánh áp lực “người Sài Gòn về phải khác”. 

“Mẹ già hiểu tình cảnh của con, toàn cản “Con đừng về!”. Mỗi lần mẹ khuyên là con mất đi cơ hội được gặp bố mẹ. Mà tính ra, có được bao nhiêu lần đâu, 10 lần, hay 20 lần? Không về, con tiếc đứt ruột”, anh Giang tâm tư. 

Người đàn ông bật khóc khi mẹ dặn: Đừng về Tết! - 3

Vợ chồng anh là viên chức, so với bao nhiêu người là còn đỡ lắm. Anh biết ở quê mình, nhiều công nhân đi niềm Nam, nghe lời cha mẹ, đi biền biệt. Cha mẹ, con cái chả vài năm không gặp mặt là chuyện bình thường. 

Hay có người vét hết tiền, hay là vay mượn làm một chuyến về quê. Ra năm quay vào, vừa túng, lại nợ nần thế là vợ chồng cãi nhau, con khóc, quay sang trách móc, tiếc nuối biết vậy đừng về. 

Chị Ngọc Thanh, làm công nhân ở Bình Dương, quê ở Thanh Hóa cho biết, đã 6 năm rồi nhà chị không về quê đón Tết, chỉ hai lần về vào dịp hè. Nếu không có điện thoại thông minh, ông bà với cháu còn không nhớ nổi mặt nhau.

Đồng lương công nhân của hai vợ chồng quay quắt nuôi con ăn học, gửi về cho bố mẹ và lúc nào cũng thiếu trước hụt sau. Chuyện về quê dịp Tết đi lại đắt đỏ là việc ngoài khả năng của gia đình chị. 

Lần nhà chị về quê gần nhất là cách đây 6 năm. Chị nhớ, ngày đi, mẹ còn dúi vào tay chị ít tiền. Về 8 ngày Tết,  vợ chồng trả nợ gần nửa năm chưa hết.

Người đàn ông bật khóc khi mẹ dặn: Đừng về Tết! - 4

Cảnh gia đình sum vầy dịp Tết là bài toán khó của rất nhiều người lao động xa nhà

Bố mẹ chị, cũng như rất nhiều ông bố bà mẹ khác ở miền Trung, thui thủi một mình dịp Tết, ngóng con cháu bằng nỗi lòng. Và chị cũng như bao đứa con xa nhà, đón Tết xa quê trong nỗi nhớ nhà da diết… 

Chưa kể, nhiều công nhân đi làm xa, phải gửi con cho ông bà ở quê chăm thì có khi vài năm không gặp con nhỏ, không có cái vòng tay, cái ôm. Có khi về, con nhìn bố mẹ như người lạ. 

Chỉ hơn một giờ bay nhưng đường về quê, về với bố mẹ và cả với con thơ dịp Tết với nhiều người vì thế cứ xa vời vợi.

 Hoài Nam