“Người cõng sách” Nguyễn Quang Thạch sang Ấn độ xây dựng tủ sách cho trẻ em nghèo
Chiều 15/10, Nguyễn Quang Thạch lên đường sang Ấn Độ thực hiện dự án xây dựng tủ sách cho trẻ em nghèo.
Đây là dự án được anh kết hợp với Viện nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm, trong chiến dịch: “Trồng cây – Gây sách”.
“Bước đầu, chúng tôi sẽ xây dựng 30 tủ sách. Cùng với đó, tôi sẽ cùng với các tổ chức giáo dục và thư viện ở bang Marahashtra lập kế hoạch hành động cho các bước kế tiếp, chẳng hạn tổ chức đi bộ kêu gọi sách cho trẻ em Ấn Độ với sự tham gia của người Việt Nam, người Ấn Độ và nhiều nước khác”, Nguyễn Quang Thạch nói.
Sinh năm 1975, quê Sơn Lễ, Hương Sơn, Hà Tĩnh, Nguyễn Quang Thạch nổi tiếng với dự án “Sách hóa nông thôn”. Dù bị hỏng một bên mắt, sức khỏe kém nhưng anh vẫn miệt mài cùng với nhiều người “cõng sách” đến các vùng nông thôn trên cả nước. Đáng chú ý, năm 2010 và 2015, Nguyễn Quang Thạch đi xe máy và đi bộ xuyên Việt để kêu gọi ủng hộ chương trình.
Đến nay, “Sách hóa nông thôn” đã thu hút sự tham gia của hơn 100.000 người, xây dựng được trên 30.000 tủ sách, giúp hơn 400.000 người dân nông thôn, trong đó gần 300.000 học sinh tiếp cận sách bằng học sinh con nhà khá giả của Hà Nội.
Nguyễn Quang Thạch cũng trở thành người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Vua Sejong về xóa mù chữ của UNESCO năm 2016 – một giải thưởng tôn vinh những người khai trí.
Anh Nguyễn Quang Thạch nổi tiếng với dự án “Sách hóa nông thôn”
Chia sẻ về lý do chọn Ấn Độ để “cõng sách” đến với trẻ em nghèo, Nguyễn Quang Thạch cho biết, dự án đã được anh ấp ủ từ lâu nhưng đến nay mới được thực hiện.
“Năm 2011 khi đang ở xã An Dục, Quỳnh Phụ, Thái Bình nhân rộng tủ sách Phụ huynh đến từng lớp học, tôi đọc tin trên mạng có một cô gái Ấn Độ bị cưỡng hiếp và treo lên cành cây, tôi đã nói với chính mình phải “Sang Ấn Độ làm tủ sách””, anh Nguyễn Quang Thạch nói.
Theo “Người cõng sách” Nguyễn Quang Thạch, hiện nay, có khoảng 200 triệu trẻ em nghèo ở Ấn Độ chưa được sở hữu một cuốn sách vì giá quá cao. Nếu chương trình “Sách hóa nông thôn” áp dụng được mô hình “Tủ sách phụ huynh” tại Ấn Độ và vận động được người dân nghèo tại đây làm tủ sách, thì điều này sẽ có sức lan tỏa, tạo ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác trên toàn thế giới như: Trung Quốc hay các nước nghèo ở Châu Phi…
Trong dự án lần này, anh Nguyễn Quang Thạch bước đầu thực hiện xây dựng khoảng 30 tủ sách tại Ấn Độ
Trong khi đó, ông Vũ Thoại (Chủ tịch hội nghiên cứu Đàn hương và Thực vật quý hiếm) cho biết, mục tiêu của dự án là giúp thay đổi nhận thức của cộng đồng, lan tỏa phong trào đọc sách từ đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
“Đây là một dự án rất ý nghĩa. Lần đầu tiên một người Việt Nam đi bộ kêu gọi, lan tỏa phong trào đọc sách cho trẻ em nghèo Ấn Độ. Thông qua dự án này chúng tôi mong muốn có thể cùng cộng đồng “Phát triển tri thức, giảm thiểu biến đổi khí hậu””, ông Vũ Thoại nói.
Ts Vũ Thoại được biết đến là người đầu tiên mang cây đàn hương được quý như “vàng xanh” về Việt Nam. Ông cũng là người luôn đau đáu với sự phát triển của nền nông nghiệp nước nhà và các mô hình nông nghiệp kết hợp giữa các cây trồng bản địa và các cây trồng quý hiếm để tạo sinh kế bền vững cho người nông dân.
Ông Vũ Thoại (Chủ tịch hội nghiên cứu Đàn hương và Thực vật quý hiếm) cho biết, mục tiêu của dự án là giúp thay đổi nhận thức của cộng đồng, lan tỏa phong trào đọc sách
Cũng tại buổi lễ, Viện nghiên cứu cây Đàn hương và thực vật quý hiếm cam kết mỗi cây đàn hương được trồng tại Việt Nam, Viện sẽ trích một phần kinh phí để đưa các trang sách tới các em học sinh nghèo nông thôn trong nước cũng như quốc tế.
Ngoài dự án “Trồng cây, gây sách”, hiện nay Viện Nghiên cứu cây Đàn hương và thực vật quý hiếm đang cố gắng nghiên cứu và đưa về nhiều giống cây quý hiếm để thay đổi cơ cấu cây trồng, nhằm tạo sinh kế bền vững cho người nông dân. Đồng thời chung tay xây dựng những tủ sách, góp phần nâng cao dân trí, phổ biến văn hóa đọc, xây dựng ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
H.N