Ngỡ ngàng trước dàn nhạc cụ lạ “không đụng hàng” của nghệ nhân Khmer
Trong hơn nửa tiếng trình diễn sáng 8/6 chủ đề “Âm vang ngày hội” với 18 nhạc cụ đặc trưng như Khưm thưm (bán nguyệt lớn), Khưng tôch (bán nguyệt nhỏ), Truô nguôk (đàn gáo lớn), Truô sô (đàn cò nhỏ), Khlôy (sáo trúc, Krap (cập gõ tre), Skođacy (trống da nhỏ), Cchưng (chập chã bằng đồng)… dàn nhạc Khmer trong trang phục cung đình xứ Khmer xưa kia cúi đầu chắp tay trước ngực chào khán giả như một dấu hiệu của đạo Phật an lành.
Ấn tượng nhất là Koông vông thum (bộ cồng lớn) có dạng hình tròn với 15 chiêng được đúc như thỏi vàng lớn trên có nhô chóp phát ra âm thanh trong, ngân. Cây đàn Tà Khê như cây đàn đáy nhưng đặt nằm ngang trên mặt bàn với ba dây. Rất giống với đàn Tơ rưng là Rooneat ek (bộ gõ bằng tre nhỏ) và Rooneat thung (bộ gõ bằng tre lớn) treo trên 2 cái giá và trĩu xuống có hình dạng như chiếc thuyền, khi đánh vào kêu lảnh lót. Kkhlôy (sáo trúc) được thổi từ đầu sáo chứ không thổi ở lỗ gần giữa như sáo trúc người Kinh dùng. Sko sam phô (trống Samphô) là một cái trống rất lạ có đầu to đầu nhỏ được bịt bằng da con bò, tuy nhỏ nhưng phát ra tiếng rất uy lực.
Tiết mục đầu tiên đoàn chơi là Hòa tấu nhạc Dù kê – một loại nhạc dân gian Khmer với âm thanh tha thiết sâu lắng khích lệ tinh thần chiến đấu với lòng tự hào quyết tâm giành chiến thắng bảo vệ quê hương, đất nước. Hòa tấu dàn nhạc dây Lời ru của mẹ tiếp tục với những âm thanh du dương, tha thiết như lời ru của mẹ đưa con vào giấc ngủ đầu đời với tình yêu quê hương với ruộng đồng, bờ ao, lũy tre, đàn cò… Chính hình ảnh quê hương đó đã dạy con tình yêu đất nước, tình mẫu tử thiêng liêng.
Niềm vui phum sóc là tiết mục thứ ba thể hiện niềm vui thái bình, lạc quan, trong sáng, cùng chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp. Hòa tầu Nhạc cưới dân tộc Khmer cho ta âm thanh rộn ràng, vui tươi ngày hạnh phúc lứa đôi. Âm nhạc như những lời chúc phúc cho đôi trai gái cùng hai họ chung vui và cũng là ngày hội của bà con phum, sóc chúc mừng hạnh phúc cô dâu chú rễ.
Đặc biệt là tiết mục Độc tấu đàn Chapây chom riêng của nghệ nhân Danh Xà Rậm. Cây đàn cũ kỹ đã có tuổi đời hơn 100 năm được cha của nghệ nhân truyền lại cho con. Dù nước sơn đã phai màu và nhiều vết lỗ chỗ trên cây đàn, nhưng âm thanh đàn phát ra thì trầm ấm áp như muốn kể về một câu chuyện cổ tích dân gian khuyên mọi người ăn ở hiền lành, tránh làm điều ác thay cho lời tự sự về cái hay cái đẹp trong cuộc sống. Sau 3 phút chơi đàn, nghệ nhân Danh Xà Rậm còn thổi kèn Pây puốp với độ truyền cảm cao.
Cuối cùng, tiết mục hòa tấu dàn nhạc ngũ âm Âm vang ngày hội với 9 loại nhạc cụ đã hòa quện cùng nhau tạo nên sự rộn ràng, vui tươi ngày hội như mời gọi những bước nhảy tưng bừng trong ngày lễ của dân tộc Khmer. Âm nhạc đã cho một không gian thanh bình, yên lành, vui vẻ và sung túc của quê hương.
Hòa tấu nhạc Dù kê – kích thích tinh thần chiến đấu của dân tộc
Koông vông thum (bộ cồng lớn)
Khưm thưm (bán nguyệt lớn)
Sko sam phô (trống Samphô)
Nhạc công đang gõ ở Rooneat thung (bộ gõ bằng tre lớn)
Đàn Tà Khê
Kkhlôy (sáo trúc)
Dàn nhạc Khmer phát ra những âm thanh lạ, khác hẳn với những dàn nhạc dân tộc đã trình diễn 3 ngày qua. Đây cũng là đại diện miền Nam duy nhất trong số 19 đội dự liên hoan
Skôthum (2 trống lớn)
Truô sô (đàn cò nhỏ) tuy giống cây đàn nhị nhưng âm thanh khác biệt
Nghệ nhân đứng ngoài cùng gõ cặ Chhưng (chập chã bằng đồng)
Nghệ nhân trên 60 tuổi Danh Xà Rậm độc tấu đàn Chapây chom riêng
Những ngón tay lướt đàn điêu luyện, cây đàn nghệ nhân dùng đã có tuổi đời trên 100 tuổi
và thổi kèn
Các nghệ nhân chơi rất say sưa và có hồn
Đại Dương