Nghỉ việc thành phố, kỹ sư 9x về quê làm chất đốt thu tiền tỷ

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 29/09/2014Lần cập nhập cuối: 31/12/2020

Tốt nghiệp ĐH Giao thông vận tải, là một kỹ sư cơ khí có công việc ổn định tại Hà Nội nhưng Lê Trường An (sinh năm 1990) quyết định nghỉ việc về quê lập nghiệp.

Làm giàu trên mảnh đất quê hương

Lê Trường An, chủ doanh nghiệp sản xuất củi trấu ở Nam Định (Ảnh NVCC)

Lê Trường An, chủ doanh nghiệp sản xuất củi trấu ở Nam Định (Ảnh NVCC)

Trường An sinh ra ở mảnh đất Giao Thủy, Nam Định – nơi thực trạng phế thải nông nghiệp như vỏ trấu, rơm rạ, mùn cưa bị người dân mang đi đốt tràn lan, gây ô nhiễm môi trường. Nhiều lần về quê, anh đều nghiền ngẫm về việc làm sao để có thể giải quyết tình trạng rác thải nông nghiệp cho các miền quê.

Nhiều lần tìm kiếm giải pháp nhưng chưa thành công, phải đến tháng 12/2012, Trường An mới tìm được lời giải cho bài toán khó mà anh vẫn luôn trăn trở. Khi anh cùng một vài người bạn đi công tác trong miền Tây, Trường An đã được tiếp cận với nhà máy sản xuất củi trấu (loại chất đốt làm từ vỏ trấu) phục vụ sản xuất công nghiệp.

“Mình đã trao đổi rất thật với chủ doanh nghiệp là mình muốn học hỏi và mong được cung cấp các thông tin về công nghệ, nguồn cung trang thiết bị để về quê ở miền Bắc mở xưởng. Rất may là đã được doanh nghiệp nhiệt tình hướng dẫn.
 
Khi đó, theo tìm hiểu của mình ở miền Bắc rất ít doanh nghiệp kinh doanh củi trấu, nếu có cũng chỉ manh mún, nhỏ lẻ nên mình rất quyết tâm thực hiện dự án này”, Lê Trường An chia sẻ.

Học hỏi được một thời gian, Trường An quyết định xin nghỉ việc tại Hà Nội, về quê mở xưởng sản xuất củi trấu. Ban đầu, khi trình bày ý tưởng, An gặp phải sự phản đối quyết liệt của gia đình, bạn bè. Để thuyết phục, Trường An dẫn bố đi tham quan thực tế một số nhà máy sản xuất ở Bắc Ninh, Hải Phòng. Sau đó, anh được gia đình cho vay 200 triệu đồng làm vốn mở xưởng.

Nhà xưởng quy mô 1.000 m2 được anh mở ra vào đầu năm 2013. Sau đó, An đi thu mua trấu từ khắp làng trên xóm dưới để làm nguyên liệu, đồng thời anh cũng phải tự mình tìm đầu ra cho sản phẩm.
 
Ông chủ 9x và các nhân công xưởng làm củi trấu có doanh thu 2 tỷ/năm (Ảnh NVCC)

Ông chủ 9x và các nhân công xưởng làm củi trấu có doanh thu 2 tỷ/năm (Ảnh NVCC)

Lợi thế là một người trẻ năng động đã giúp Trường An nhanh chóng xây dựng được mạng lưới tiếp thị qua mạng, tìm kiếm được các đối tác một cách nhanh chóng. Dần dần, sản phẩm củi trấu của anh đã có chỗ đứng trên thị trường.

Tính đến thời điểm hiện tại cơ sở sản xuất của Trường An đã đạt doanh thu của cơ sở sản xuất đạt từ 1,5 tỷ đến 2 tỷ/năm; giải quyết việc làm cho 9 lao động thường xuyên và 5 lao động thời vụ với mức lương 2,8 triệu đồng/người.

Vượt qua khó khăn, nuôi ước mơ vươn ra thế giới

Thời gian đầu bắt tay vào sản xuất củi trấu, Trường An gặp không ít trở ngại vì thiếu kinh nghiệm. Đối với nguồn nguyên liệu, anh chưa chủ động được vì trấu ở miền Bắc thường chỉ có hai mùa (theo mùa lúa), lại cộng thêm độ ẩm cao… khiến sản xuất có lúc bị ngưng trệ.

Từ những bài học đầu tiên này, anh đã nắm bắt quy luật nguyên liệu, chủ động thu mua theo mùa vụ và nghiên cứu sấy khô công nghiệp thay vì thủ công như trước, đồng thời nâng cấp máy ép… Những bước cải tiến này giúp tạo ra sản phẩm có chất lượng cao hơn, được khách hàng ưa chuộng nhiều hơn.

Sự thành công bước đầu đã giúp chàng trai 9x thêm tự tin để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. Anh đang có ý định nhân rộng mô hình sản xuất củi trấu ra nhiều địa phương lân cận, đặc biệt là những vùng nông thôn có nhiều phế phẩm nông nghiệp.

“Phế phẩm nông nghiệp là nguồn năng lượng hữu ích, thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt. Với sản phẩm củi trấu, các doanh nghiệp sản xuất cần dùng nhiệt cũng sẽ giảm được rất nhiều chi phí sản xuất”, Trường An cho biết.

Ông chủ 9x và các nhân công xưởng làm củi trấu có doanh thu 2 tỷ/năm (Ảnh NVCC)

Lê Trường An nhận giải thưởng Lương Định Của của TƯ Đoàn trao cho những thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới (Ảnh: Mai Châm)

Khó khăn lớn nhất của ông chủ doanh nghiệp củi trấu là việc tiếp cận với nguồn vốn. Nếu có đủ vốn trong tay, Lê Trường An sẽ đầu tư nâng cấp máy móc, công nghệ và quy mô hoạt động để có thể xuất khẩu ra các thị trường như Nhật, Đài Loan… để thu ngoại tệ về cho đất nước.
 
Các đối tác nước ngoài cũng đã nhiều lần liên hệ thương thảo với doanh nghiệp của An nhưng vì điều kiện sản xuất chưa cho phép nên đến nay chàng trai Nam Định vẫn chưa thể thực hiện được dự định này.

Mai Châm