Nghệ nhân tò he Đặng Văn Hậu: Trăn trở bảo tồn nghề cha ông
Đam mê tò he được thừa hưởng từ ông ngoại
Vốn được sinh ra tại làng nghề tò he truyền thống duy nhất Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), Đặng Văn Hậu đã được tiếp xúc với những con tò he đầy đủ kiểu dáng, màu sắc bắt mắt.
Ngay từ khi còn nhỏ, anh Hậu thường hay ngồi bên manh chiếu nhìn ông ngoại – nghệ nhân tò he nổi tiếng Đặng Văn Hạ trực tiếp năn ra những “con giống” đẹp đẽ. Ban đầu chỉ xuất phát từ sở thích bình thường, nhưng dưới sự chỉ dạy tận tình của ông, dần dần những cục bột màu, những con tò he đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của anh.
Anh Hậu chia sẻ: “Nghề nặn tò he là một nghề thật quý giá, nó đã nuôi sống cả làng vượt qua những năm tháng khốn khó, thời chiến tranh và cả bây giờ. Nhưng hơn thế, điều làm những người con Xuân La chúng tôi tự hào, là vì mình đang là người giữ gìn một nét đẹp văn hoá củ người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng”.
Chập chững theo ông đi nặn tò he từ năm 2001, tính đến nay, anh Hậu đã theo đuôi nghề “nặn con giống” được gần 15 năm. Anh cho biết hầu hết cả làng Xuân La đều biết nặn tò he nhưng để sống cùng nghề thì bây giờ chỉ còn một số ít người.
Trải qua nhiều năm gắn bó với nghề nặn tò he, năm 2014, anh Đặng Văn Hậu đã được Uỷ ban Nhân dân TP Hà Nội – Sở Công thương Hà Nội trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội”.
Cái khó ló cái khôn
Trong quá trình gìn giữ nghề nặn tò he truyền thống, nghệ nhân Đặng Văn Hậu gặp phải không ít khó khăn. Vào đầu năm 2008, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ra quyết định về quản lý hoạt động bán hàng rong trên địa bàn Hà Nội, quyết định này ảnh hưởng khá nhiều đến công việc của anh thời điểm đó.
Tuy nhiên, người nghệ nhân trẻ Văn Hậu vẫn quyết tâm “bám trụ” tiếp tục những kế hoạch để giữ gìn và phát triển nghề nặn tò he của quê hương. Không ngừng tìm tòi các nguyên liệu, mẫu mã mới, cho tới giờ anh Hậu đã sáng tạo ra được những con tò he bền hơn và có thể giữ được trong nhiều năm. Một số sản phẩm của anh cũng nhận được giải thưởng cao từ các Hội chợ dành cho các làng nghề.
Tác phẩm kết hợp tò he – thư pháp Nam quốc sơn hà
Ngoài việc nặn và bán tò he tại khu phố Chợ Ngon – Royal City (Hà Nội) vào hai ngày cuối tuần, anh Hậu còn mở thêm lớp dạy nghề tại nhà. Đa phần các học sinh của anh đều là những bạn trẻ đang đi học, nên thời gian lên lớp chủ yếu là vào những buổi chiều, tối, có ngày lớp học kéo dài đến tận 10 giờ tối.
Bên cạnh đó, mỗi khi nhận được lời mời đến biểu diễn và dạy tò he tại các trường tiểu học, THCS và một số nơi trên địa bàn Hà Nội, nghệ nhân Hậu đều rất phấn khởi vì không ngờ tò he vẫn còn nhận được sự quan tâm lớn từ mọi người. Điều này càng khiến quyết tâm gắn bó với nghề của anh Hậu càng thêm sâu sắc.
Anh Đặng Văn Hậu cho biết: “Trong thời gian sắp tới tôi sẽ đứng ra tập hợp lại các nghệ nhân trẻ nặn tò he mở một xưởng sản xuất tò he có chuyên môn và kỹ thuật cao, để cho những người nghệ nhân có công ăn việc làm ổn định. Thêm nữa việc cải tiến mẫu mã để xuất khẩu tò he đến với các nước bạn cũng là mục tiêu mà tôi hướng đến, đưa văn hoá tò he được nhiều người biết đến hơn”.
Tò he đựng trong hộp kính – sản phẩm mới của anh Hậu
Việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống luôn là nỗi trăn trở của không chỉ riêng nghệ nhân Hậu. Bởi cùng với sự ra đời của nhiều trò chơi, đồ chơi công nghệ cao..tò he ngày nay phải đối mặt với việc mai một dần dần.
Thêm nữa, đời sống kinh tế khó khăn khiến lớp trẻ không còn mặn mà với nghề cha ông để lại. Nét đẹp văn hóa khiến anh Hậu tự hào nhưng đi kèm với nét đẹp đẽ ấy luôn là sự lo lắng cho tương lai của cả một làng nghề.
Theo Hoa học trò