Nghề hot mùa Hè: Bể bơi “dậy sóng” (P1)

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 06/07/2014Lần cập nhập cuối: 30/12/2020

Đam mê bơi lội và mong muốn truyền dạy kiến thức

 

Quốc Đạt (khoa kiến trúc công trình, trường ĐH Nguyễn Trãi) đã “bén duyên” với công việc này từ rất lâu. Chàng SV này dạy bơi cho mọi lứa tuổi, tuy nhiên, với trẻ con thì yêu cầu phải trên 6 tuổi. “Nhỏ tuổi quá các em sẽ không tiếp thu được kiến thức mình dạy. Song cũng có các trường hợp ngoại lệ đối với những bé có năng khiếu”.

 

Bố là huấn luyện viên của Liên đoàn thể thao dưới nước TP. Hồ Chí Minh nên Đạt học bơi từ nhỏ. Lúc 15 tuổi, Đạt đã bắt đầu dạy lại cho người khác với vai trò trợ giảng cho bố. Chính điều này, anh tự nhận rằng mình đến với công việc dạy bơi là nhờ nền tảng trước đây.

 

Trước đây, Đạt từng là vận động viên bơi, tuy nhiên vì một số biến cố đã không thể theo đuổi nghề theo con đường chuyên nghiệp. Do vậy, Đạt đã nghỉ một thời gian.

 
Quốc Đạt đang giúp một em nhỏ làm quen với nước trước khi tập bơi.
Quốc Đạt đang giúp một em nhỏ làm quen với nước trước khi tập bơi.
 

Sau đó, Đạt đã quay lại với làn nước trong một vị trí mới, dù chỉ là công việc part – time trong mùa Hè: giáo viên dạy bơi. “Mình tiếp tục bơi được là nhờ niềm đam mê của bản thân và bị thuyết phục bởi sự kiên trì của thầy giáo đối với nghề nghiệp này. Thấy thầy luôn theo đuổi đến cùng nên mình bắt đầu xuống nước và bơi lại.

 

Bên cạnh đó, mình rất yêu cảm giác khi được ngâm dưới làn nước. Sự thảnh thơi và thoải mái bao trùm, cuốn bao mệt mỏi sau một ngày dài. Và cuối cùng, mình còn muốn truyền đạt lại những gì bản thân biết cho mọi người. Do đặc thù đất nước ta biển rộng, nhiều sông hồ nên việc dạy, học bơi là điều cần thiết nhằm đề phòng rủi ro”.

 

Rèn tính kiên nhẫn và mức thu nhập “mơ ước”

 

Đạt cho biết thời gian học sinh đăng ký đông nhất là từ giữa tháng 5 – cuối tháng 7, chính là lúc học sinh nghỉ hè. Làm công việc này, Đạt cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là sức khỏe.
 
Dạy bơi, nhất là cho các em nhỏ đòi hỏi sự kiên nhẫn như những giáo viên trên lớp.
Dạy bơi cho các em nhỏ đòi hỏi sự kiên nhẫn không thua kém giáo viên trên lớp.

 

“Ngâm nước lâu với tần suất thường xuyên sẽ mất nhiệt, cơ thể không đề kháng được nên rất dễ bị ốm. Mắt, tai dễ đau và viêm cũng là các bệnh người dạy bơi như mình gặp phải”, Đạt nói.

 

Với đối tượng trẻ em hiếu động, vì khó khăn và mất thời gian trong việc dạy dỗ nên Đạt cũng không tránh khỏi những lúc căng thẳng. Vào thời điểm ấy, anh thường phải nghiêm khắc để học sinh nghe lời.

 

Khó dạy nhất là khi Đạt đối mặt với những học sinh quá béo hoặc nhát nước và cơ địa không tốt. Có bạn gồng cứng quá thì khó nổi, bạn  lại mềm như bún sẽ khó thực hiện động tác.

 

Lúc Đạt cảm thấy dở khóc, dở cười khi học sinh quên hết kiến thức vào buổi học sau đó, khiến “thầy” phải mất công dạy lại từ đầu. “Lúc đó mình hơi cáu nhưng cũng không dám tỏ thái độ nặng nề với các em. Nghề này đòi hỏi mình phải mềm mỏng và không nóng vội vì phải nắn cho học sinh từng chút một”.

 

Trong quá trình dạy bơi của mình, kỷ niệm Đạt cảm thấy đáng nhớ nhất là khi dạy học sinh người Anh 5 tuổi. Vì không giỏi ngoại ngữ nên anh Đạt phải giao tiếp bằng ký hiệu, cuối cùng học trò cũng biết bơi nhưng vừa bơi vừa khóc do đói và buồn ngủ khi bị mẹ gọi dậy sớm từ 6 – 7 giờ sáng. Lúc đó, anh đã rất bối rối và không biết phải dỗ dành như thế nào. Sau đó, anh cũng dần có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc dỗ dành trẻ con.

 
Hồng Loan và học trò nhí tại bể bơi.
Hồng Loan và học trò nhí tại bể bơi.
 

Cũng từng đi thi đấu bơi lội, sau đó lại thích ngành Thiết kế nội thất nên Hồng Loan đã dừng lại và thi vào ĐH Mĩ thuật công nghiệp để theo đuổi ước mơ. Loan bắt đầu công việc dạy bơi cho các em nhỏ cách đây khá lâu, khoảng 3 năm về trước. Đối với cô bạn, đây được coi là công việc làm thêm những lúc rảnh rỗi.

 

Là con gái, nên việc ngâm nước lâu với mỗi ngày 10 tiếng cũng là một vấn đề khá lớn Loan phải đối mặt. “Nhưng bù lại, niềm vui công việc này mang lại cho mình cũng nhiều. Tụi nhóc mình dạy rất dễ thương, đáng yêu. Đối lúc găp những bạn bướng bỉnh, tập chậm mà đến khi các học sinh ấy biết bơi, mình vui không tả xiết, kiểu như bản thân vừa vượt qua khó khăn một cách ngoạn mục ấy”.

 

Vào tháng 5, gần thi học kỳ, Loan giảm bớt giờ dạy và chỉ nhận dạy part – time vào buổi chiều để tập trung cho học tập. Từ tháng 6 đến nay, do đã được nghỉ hè nên đã bạn nhận thêm lớp. Hiện tại Loan dạy từ 6h sáng đến 12h trưa, từ 13 – 21 giờ tối hằng ngày.

 

Loan vẫn nhớ mãi lần dạy học sinh vô cùng nhát nước, đến mức không dám thò chân xuống bể bơi. “Bé cứ ở trên bờ khóc mãi, lúc mình dỗ xuống bể rồi lại sợ nước bắn vào mặt. Mình nịnh mãi em ấy mới chịu cúi đầu xuống.

 

Lúc đó, Loan nghĩ ra trò chơi mưa rơi, vừa lấy tay nhỏ nhỏ nước xuống vừa hát líu lo: “Mưa rơi í à mưa rơi, em ơi đừng sợ trời mưa, đừng sợ trời mưa”. Thế là vài buổi sau em bé đã hết sợ, nhảy bùm bùm xuống nước và sau 15 buổi tập thì bơi khá thành thục”.

 
Hồng Loan và học trò nhí tại bể bơi.

Không chỉ thỏa mãn đam mê bơi lội, việc dạy bơi đem lại cho Loan khoản thu nhập không nhỏ trong dịp Hè.

 

Công việc này đã mang lại cho những sinh viên như Đạt, Loan rất nhiều lợi ích. Đạt có thể vừa thỏa niềm đam mê, lại có được khoản tiền khá lớn để trang trải cuộc sống và học hành.

 

Còn với Loan, điều đầu tiên cô bạn nhận được là niềm vui rất lớn, vì dù theo học Mỹ thuật Công nghiệp nhưng bơi lội vẫn là một sở thích của cô bạn. “Mình yêu hơn nữa việc truyền dạy kiến thức cho mọi người.

 

Mỗi tháng nhận được tiền lương 10 triệu đồng nên mình khá thoải mái trong chi tiêu, còn nộp được học phí ở trường đại học, đồng thời mua được máy ảnh và các vật dụng cần thiết cho ngành đang theo học. Bố mình bảo, dạy một người biết bơi như xây 7 tòa tháp, công việc này luôn cần sự tận tình và nhiệt tâm, nên đã giúp mình rèn luyện sự kiên nhẫn”.

 

Hoàng Dung