Nghệ An: Bí thư Đoàn xã nuôi cá lồng bè, thu nhập trăm triệu đồng mỗi tháng
Sau khi tốt nghiệp ngành Giáo dục Chính trị của Trường Đại học Vinh, anh Sáng quyết định trở về địa phương tham gia công tác xã hội. Năm 2015, nhờ sự nhiệt huyết anh được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ xã và phân công giữ chức vụ Bí thư Đoàn xã.
Sinh sống tại điểm tái định cư công trình thủy điện Hủa Na, nhận thấy được lợi thế trên địa bàn mình có hồ thủy điện, hồ nằm trên đầu nguồn sông Chu thuộc 2 xã Thông Thụ, Đồng Văn của huyện Quế Phong, Nghệ An có nguồn nước rất trong xanh, cùng rất nhiều sinh vật sinh sống, nhất là các loại cá tạp là nguồn thức ăn rất dồi dào.
Bên cạnh đó, gia đình có 6 lao động, trong đó có 4 lao động làm nông (chủ yếu trồng ít lúa nước và đi rẫy) và chăn nuôi nhưng nguồn thu nhập thấp, không ổn định.
Với ý định làm nghề khác để kiếm sống, thêm thu nhập cao hơn, nên cuối năm 2017, anh Lang Văn Sáng đã tham mưu với cấp ủy chính quyền, mạnh dạn đứng ra xây dựng mô hình điểm nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hủa Na với khoảng 20 lồng cá.
Những lồng nuôi cá được anh Sáng chăm sóc và đầu tư kỹ lưỡng.
“Mục đích của mình là giải quyết việc làm cho lao động gia đình. Thứ hai, là muốn làm nổi bật được mô hình, để các đoàn viên thanh niên ở địa phương có chỗ học hỏi từ đó định hướng nghề nghiệp đúng đắn hơn”, anh Sáng cho biết.
Bằng sự quyết tâm, chăm chỉ và thăm quan học tập các mô hình nuôi thành công cá lồng trên các hồ thủy điện khác… Cũng vì thế, mà bước đầu những lồng cá nổi trên lòng hồ thủy điện Hủa Na của anh gồm: cá Leo, cá Trắm cỏ, Trắm đen, cá Lăng, cá Vược… bắt đầu phát triển tốt và cho tỷ lệ sống rất cao trên 80%, chưa có tình trạng dịch bệnh.
Tuy nhiên, không phải thành công nào cũng đều đến dễ dàng, dẫu nuôi được những con cá chất lượng nhưng do chưa xây dựng được thương hiệu và cách trung tâm thành phố khá xa nên việc tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn.
Hơn nữa sản phẩm cá còn phải cạnh tranh với nhiều loại thực phẩm khác trên thị trường, những loại cá mà được nuôi bằng cám công nghiệp cho xuất bán nhanh hơn từ 1-2 tháng.
Thua lỗ nhiều, nhưng anh xác định lợi thế cạnh tranh của mình là đặc sản, cá sạch, thơm ngon nhờ nguồn thức ăn tự nhiên trong môi trường nước rất trong xanh thuần tự nhiên, với phương châm làm ăn phải là lâu dài nên anh ưu tiên vào chất lượng.
Chính vì thế nhờ chăm sóc tốt và đúng kỹ thuật, sản phẩm cá lồng của anh được thịt trường đón nhận, không chỉ ở địa phương mà còn ở thành phố Vinh cũng được chú ý, mô hình mang lại thu nhập từ 80-100 triệu/năm.
Trước thành công ban đầu, người thủ lĩnh trẻ còn tập hợp các thanh niên có nhu cầu phát triển kinh tế, liên kết các hộ nuôi cá lồng thành lập hợp tác xã với 12 thành viên để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, vạch kế hoạch tiêu thụ sản phẩm trên thị trường có mức sản lượng cá lớn và đạt thu nhập nhập ổn định từ khoảng 60 – 70 triệu đồng/năm.
“Hiện tại có các hộ nuôi cá nhưng chưa tìm được đầu ra. Mình muốn làm tốt để tìm thương hiệu cá ở nơi đây. Vì thế mình đã thành lập được hợp tác xã, quy tập được 5 thanh niên tiêu biểu nhất nuôi cá ở địa phương để cùng nhau phát triển thương hiệu ngày một lớn mạnh”, anh Sáng chia sẻ.
Với thành công ban đầu, mỗi năm những lồng cá trên hồ thủy điện cho anh thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Khi đã ổn định về nuôi cá lồng, anh Sáng giao lại công việc cho em trai. Lui về “hậu phương” để theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật cũng như định hướng bao tiêu sản phẩm. Hơn hết anh muốn chú tâm vào việc làm Bí thư Đoàn xã.
Trên cương vị là Bí thư Đoàn xã, anh Sáng luôn chủ động tích cực tham mưu, tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền và Đoàn các cấp. Đặc biệt, là phát động đoàn viên, thanh niên tham gia các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng như: Tổ chức huy động thanh niên sửa chữa nhà ở cho 8 gia đình chính sách, hộ nghèo đặc biệt khó khăn trong xã; Tổ chức huy động đoàn viên thanh niên tham gia tu sửa nhiều đoạn đường giao thông; trong đó phải kể đến đã huy động hơn 200 thanh niên đào được 2 km đường vào thác Suối Pa làm nơi thăm quan du lịch; Vận động đoàn viên thanh niên tham gia hiến máu nhân đạo…
Với sự nhiệt tình, năng nổ và sáng tạo, sự đồng lòng của Đoàn viên thanh niên trong thời gian qua. Đoàn xã Đồng Văn dưới sự dẫn dắt của anh hàng năm được Huyện đoàn Quế Phong ghi nhận, đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2017, Đoàn xã được Ban Chấp hành Trung ương Đoàn tặng Bằng khen về những thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên.
Với những đóng góp của mình anh Lang Văn Sáng đã được tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen của các cơ quan.
Cá nhân anh được Chủ tịch UBND huyện Quế Phong tặng Giấy khen thanh niên tiêu biểu làm theo lời Bác. Tháng 7 năm 2018, anh vinh dự được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Nghệ An tuyên dương điển hình thanh niên dân tộc thiểu số năm 2018. Gần đây nhất anh đạt giải Ba cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn lần thứ 3” năm 2019 do Tỉnh đoàn Nghệ An trao tặng.
Nhận xét về Lang Văn Sáng, chị Nguyễn Thị Hiệp – Bí thư Huyện đoàn Quế Phong tự hào: “Đồng chí Lang Văn Sáng là một người cán bộ Đoàn nhiệt tình, có trách nhiệm và tâm huyết. Trong việc tổ chức các hoạt động thì rất năng động và sáng tạo. Sáng luôn đồng hành, tạo cảm hứng cho các đoàn viên thanh niên trong các phong trào, đặc biệt là phát triển kinh tế.
Trong các đoàn xã, đoàn xã Đồng Văn là lá cờ đầu trong phong trào đoàn của huyện. Từ khi Lang Văn Sáng lên làm Bí thư thì năm nào xã cũng được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và luôn nhận được Bằng khen của Tỉnh đoàn, Trung Ương đoàn”.
Phương Hoa