Nắn chỉnh, kéo dài chân làm đẹp coi chừng tai biến

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 17/10/2018Lần cập nhập cuối: 10/06/2020
 Phẫu thuật kéo chân chịu rất nhiều đau đớn

Phẫu thuật kéo chân chịu rất nhiều đau đớn

Muốn chân thẳng, đôi khi phải… trả giá

Đó là chia sẻ của một người mẹ đến bệnh viện với quyết tâm “yêu cầu” bác sĩ nắn chỉnh chân vòng kiềng cho cô con gái vừa tới tuổi đôi mươi. Trước đó, hai mẹ con bệnh nhân đã tham khảo rất nhiều bệnh viện nhưng đều nhận được lời khuyên không nên can thiệp vì rất có thể cái giá phải trả sẽ rất nặng nề nếu muốn có đôi chân thẳng! Tuy nhiên, khi đến với BV T.Ư Quân đội 108, chính bệnh nhân chia sẻ rằng cô vô cùng thiếu tự tin vì chân vòng kiềng, dù nhan sắc không kém ai. Chính người mẹ của bệnh nhân cũng nêu cao quyết tâm: “Bác sĩ cứ mổ cho cháu đi, em hiểu người có chân vòng kiềng khổ như thế nào”.

PGS.TS. Lê Văn Đoàn, Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình – Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, với ca này, ông đã tư vấn rất kỹ càng, vì nếu sơ suất, tai biến xảy ra thì cô gái này có thể không đi lại được. “Với những ca không phải bệnh lý bắt buộc phẫu thuật, chúng tôi rất cân nhắc”, ông Đoàn cho biết.Tuy vậy, trước quyết tâm của hai mẹ con bệnh nhân với lựa chọn phẫu thuật nắn chỉnh chân vòng kiềng, ca phẫu thuật đã diễn ra. Điều may mắn, ca phẫu thuật thành công tốt đẹp, bệnh nhân đã đi lại được sau vài tháng phẫu thuật trên đôi chân được nắn chỉnh thẳng.

Theo lời kể của BS. Đoàn, ông cũng từng gặp rất nhiều ca “đặc biệt” có nhu cầu kéo dài chân. Đó là trường hợp của một phụ nữ tên N.T.M. 36 tuổi, đã có 3 con. Chị có chiều cao khiêm tốn 1.47cm, khiến chị mặc cảm và luôn ao ước có được chiều cao 1.55m như nhiều bạn bè khác. Khi con cái đã lớn, chị mong muốn biến ước mơ thành sự thật, đó chính là lý do mà chị tìm đến bệnh viện. Chồng chị M. thấy vợ quyết tâm nên cũng không dám can ngăn. Để chuẩn bị cho cuộc đại phẫu kéo dài chân, chị M. đã xin nghỉ việc, tìm người chăm sóc gia đình cũng như chăm sóc cho chính chị trong thời gian chị nghỉ để phục hồi chân.

Hay như trường hợp của T.N.H. 21 tuổi, TP HCM, vốn là du học sinh ở Bắc Âu. Sống giữa cuộc sống toàn người cao lớn, nam sinh này luôn mặc cảm vì chiều cao “khiêm tốn” 1.6m. Sau khi tìm hiểu về phẫu thuật kéo dài chân, H. quyết định bảo lưu 1 năm để quay về Việt Nam, tìm đến bác sĩ Đoàn bày tỏ nguyện vọng của mình. Cuộc phẫu thuật thành công với nhiều đớn đau đã giúp H. cao thêm 7cm.

Đau đớn và rất dễ gặp tai biến

Theo PGS.TS. Lê Văn Đoàn, với việc nắn chỉnh chân cho thẳng được chỉ định vào từng tuổi. Tốt nhất nên phẫu thuật khi đủ 18 tuổi; còn với trẻ nhỏ có thể điều trị bằng nắn chỉnh, bó bột, nẹp chỉnh hình, sẽ cải thiện. Để chỉ định một ca phẫu thuật nắn chỉnh chân, bác sĩ phải chỉ định hết sức chặt chẽ, cân nhắc lợi ích của phẫu thuật. Ví như bệnh nhân phải hiểu mình sẽ phải trải qua cuộc mổ, cắt xương, nắn chỉnh, bắt vít, nẹp để giữ xương thẳng… rất đau đớn. “Vì ca phẫu thuật mang tính thẩm mỹ nên mỗi lần mổ, các bác sĩ lại phải chịu những áp lực rất lớn. Bình thường, để thực hiện phẫu thuật này, bệnh nhân phải nghỉ 3 – 6 tháng, có người chăm sóc, phục vụ… chưa kể những biến chứng có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật”, ông Đoàn cho biết.

Với trường hợp kéo dài chân, BS. Đoàn cho hay: Về nguyên lý muốn kéo dài thì phải cắt xương, rồi dùng dụng cụ để kéo xương ra. Khi đã kéo dài, 2 phần xương dần xa nhau, lúc đầu tạo thành khoảng trống, màng xương là nơi sinh xương sẽ tái sinh dần thành xương mới. Tuy nhiên, tùy theo cơ địa và lứa tuổi của từng người mà tốc độ tái sinh nhanh hay chậm. Tuổi càng trẻ khả năng tái sinh càng nhanh. Để xương phục hồi trở lại đủ cứng và to như xương lành thì 1 cm thường mất 35 – 40 ngày, kể từ thời điểm bắt đầu kéo.

Theo ông Đoàn, phẫu thuật rất khó nên gần như không phải ai cũng mổ được, miền Bắc mới chỉ có BV108 mổ kéo dài chân. Phẫu thuật cũng có thể xảy ra biến chứng, do vậy trách nhiệm của bác sĩ rất nặng nề. Nếu tay nghề bác sĩ không tốt biến chứng có thể xảy ra. Tai biến trong quá trình mổ cũng có thể xảy ra như cắt xương không khéo thì xương vỡ, hoặc gây tổn thương máu, thần kinh. Đặc biệt là biến chứng nhiễm trùng, viêm xương hoặc biến chứng muộn như khi đang kéo, chậm liền xương, xương không liền, khối can xương không đủ khỏe.

“Các trường hợp tìm đến phẫu thuật đều được tư vấn kỹ càng để bệnh nhân cân nhắc được và mất sau thực hiện nắn, chỉnh, kéo dài chân. Và không phải ai cũng đủ điều kiện để thực hiện kỹ thuật này”, ông Đoàn cho biết.

Theo Lan Vũ

Báo Giao Thông