Muốn đánh giá Hà Hồ thì phải học

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 14/06/2015Lần cập nhập cuối: 08/01/2021

Biên đạo múa Trần Ly Ly

Biên đạo múa Trần Ly Ly

Trao đổi quan điểm về chủ đề “Có nên đánh giá người khác hay
không?” trong chương trình Tôi lên tiếng phát trên VTV6 trưa 13/6 có sự góp mặt
của hai người phụ nữ của công chúng: biên đạo múa Trần Ly Ly, tốt nghiệp ĐH Múa
thuộc ĐH Tổng hợp Queensland, Úc – người đã có những đóng góp nhất định cho
nghệ thuật múa đương đại ở Việt Nam, và Hoa hậu Việt Nam năm 1994 Nguyễn Thu
Thủy, tốt nghiệp ĐH Ngoại giao, từng có thời gian đi du học Mỹ – người đẹp nổi
tiếng với những phát ngôn sắc sảo.

Biên đạo múa Trần Ly Ly cho rằng “nên đánh giá người khác”,
nhưng đánh giá như thế nào thì cần phải có văn hóa, và người bị đánh giá cần
phải có bản lĩnh. Trong khi đó, Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy chia sẻ, là một phụ nữ
có thể nói là có nhan sắc, cô luôn phải đối diện với sự đánh giá của người khác
mỗi ngày.

“Đánh giá người khác là bản chất của sự tự nhiên. Tại sao
tất cả con đực lại phải mạnh mẽ hơn? Là để thu hút sự chú ý và để nhận được sự
đánh giá từ con cái” – nghệ sĩ múa Trần Ly Ly bày tỏ quan điểm.

Cô cho rằng đánh giá chính là phản biện. Một xã hội phát
triển không thể thiếu sự phản biện. “Anh không thể thay đổi được cái nhìn đầu
tiên về một con người. Một câu ngạn ngữ đã nói như thế. Tuy nhiên, khen chê như
thế nào cho đúng. Khen đúng là bạn ta, chê đúng là thầy ta” – Trần Ly Ly nói.

Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy

Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy

Trái với quan điểm của Trần Ly Ly, Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy
cho rằng mỗi con người để tồn tại cần hệ quy chiếu và nhân sinh quan nhất định.
“Mỗi người nhận định khác nhau về phải trái. Khó khăn nhất của mỗi người là làm
sao nhìn nhận bản thân bằng nhận thức của mình, thay bằng đánh giá của người
khác”.

Người đẹp từng trải qua nhiều sóng gió trước dư luận cho
rằng không nên đánh giá người khác trừ những người sinh ra để làm nhiệm vụ đánh
giá, như quan tòa, bởi vì nếu không phải là người trong cuộc thì không bao giờ
hiểu được những mặt trái, mặt sau của sự việc. Theo cô thì mọi lời đánh giá đều
chỉ là chủ quan và tương đối.

“Nếu tôi có đủ năng lực, tôi không sống theo tiêu chuẩn của
người khác. Tôi có thể sống một cuộc sống mà tôi tạm gọi là hạnh phúc. Tôi
không đánh giá người khác vì tôi tôn trọng sự khác biệt của người khác” – quan
điểm của Hoa hậu Việt Nam
1994.

Trong khi nữ nghệ sỹ Trần Ly Ly cho rằng người bị đánh giá
phải đủ bản lĩnh để tiếp nhận, sàng lọc, để rồi sống tiếp, thì người đẹp Thu
Thủy khẳng định nếu chỉ trông đợi vào sự khen chê thì giá trị bản thân của mỗi
người sẽ bị lung lay.

Cuộc tranh luận cũng nhắc đến một trường hợp đang được
truyền thông nhắc đến thời gian gần đây là ca sĩ Hồ Ngọc Hà bị dư luận “ném
đá”, thậm chí tẩy chay khi có những thông tin mơ hồ cho rằng cô đang có quan hệ
tình cảm với một người đàn ông đã có gia đình.

Biên đạo múa Trần Ly Ly khẳng định Hồ Ngọc Hà nổi tiếng bởi
sự đánh giá của công chúng. Cô đã có những đóng góp cho âm nhạc Việt Nam ở mức
độ này hoặc mức độ khác, và việc dựa vào một bức ảnh không rõ thực hư để đánh
giá về cô “là một điều không có gì hay ho, và hủy hoại mọi thứ tốt đẹp mà cô đã
làm trước đó”.

Trong khi đó, Hoa hậu Thu Thủy cho rằng “khi bạn được đi lên
với sự đánh giá nhất định, bạn phải chấp nhận sự rủi ro tương đương”. Cô nói,
dư luận là con dao hai lưỡi. Họ thường muốn tin vào hoặc là những thứ rất tốt
đẹp, như những câu chuyện cổ tích, hoặc là những câu chuyện xấu xí đầy kịch
tính. “Khi người ta đánh giá người khác chỉ bằng một cái nick trên mạng thì bà
bán xôi cũng như một chuyên gia. Khi người ta khen, người ta cảm thấy mình gần
với người được khen hơn. Còn khi chê, người ta tự nhận mình đạo đức hơn người
bị chê. Vì thế, đánh giá người khác chỉ cho thấy sự thiếu hụt, sự tự ti của bản
thân người đó”.

Biên đạo múa Trần Ly Ly khẳng định muốn đánh giá người khác
thì phải học. Đánh giá không phải để hạ thấp người khác, mà đánh giá để nâng
tầm bản thân. Khi hạ thấp người ta không đúng là đang hạ thấp chính bản thân
mình.

Theo Nguyễn ThảoVietnamnet