MC Quỳnh Hương: “Con trai là người bạn rất thân của tôi”
MC Quỳnh Hương là một trong số những MC truyền hình ghi được dấu ấn khá dày trong sự nghiệp của mình. Thời thế thay đổi, nhiều sự thăng trầm, biến đổi… Nhưng trong suốt hơn 15 năm qua, hình ảnh MC Quỳnh Hương dịu dàng, nhiều cảm xúc vẫn xuất hiện đều đặn trên sóng truyền hình. Mặc dù đã bước sang tuổi tứ tuần nhưng ở chị vẫn không có nhiều sự biến đổi theo thời gian.
Sau tản văn “An nhiên mà sống” ra mắt cách đây hơn một năm, gần đây, chị vừa cho ra mắt 2 tập sách “Thương còn không hết, ghét nhau chi” và “Chuyện nhỏ nhà Quỳnh”. Ngay lập tức 2 quyển sách này được đón nhận và yêu thích, đặc biệt với những ai đã là đọc giả trung thành của chị trong mấy mươi năm qua.
Sau khoảng thời gian khá bận rộn khi đang chạy nước rút cho chương trình Tiếng hát mãi xanh, MC Quỳnh Hương đã dành cho Dân trí một cuộc trò chuyện khá thân tình, cởi mở về công việc, cuộc sống lẫn những mẫu cảm xúc vụn vặt nhưng đầy ý nghĩa trong cuộc đời của mỗi người…
Viết văn từ chất liệu thật của đời sống
Bận rộn như vậy thì thời gian đâu mà chị có thể viết sách?
Nếu bắt tôi viết liền một quyển sách thì tôi không viết nổi, đây là tập hợp của nhiều mẩu chuyện nhỏ trong suốt mấy năm qua mình gom lại. Cũng không biết sức đâu mà mình viết được nhiều vậy nữa (Cười).
Năm ngoái tôi đã ra mắt quyển sách đầu tiên, An nhiên mà sống và dùng hết số tiền đó để đi làm công tác thiện nguyện. Sau đó, nhiều người đã gửi lời cảm ơn vì cuốn sách đã giúp họ sống vui vẻ, lạc quan hơn. Điều này cho tôi thêm niềm tin vào những gì mình nên làm, và chuỗi hai quyển sách năm nay tiếp tục đẩy mạnh theo hướng đi đó.
Chất liệu trong văn của chị chủ yếu đến từ cuộc sống?
Đó đều là những gì tôi đã trải nghiệm, quan sát được hoặc bạn đọc gửi về cho mình. Bản thân các chương trình tôi làm như “Thay lời muốn nói” hay “Tiếng hát mãi xanh” cũng tràn đầy chất liệu để mình khai thác.
Cách viết của chị từ thời Áo trắng Mực Tím đến giờ có gì thay đổi?
Tôi nghĩ là không, bản chất mình như thế nào thì ngòi bút của mình sẽ như thế ấy. Nhà văn Đoàn Thạch Biền, khi ấy phụ trách tập san Áo trắng và là người tiếp nhận những bài viết đầu tiên của tôi có nhận xét, văn của tôi mộc mạc, đậm chất miền Tây, thì đến bây giờ nó vẫn vậy.
Chỉ có điều một Quỳnh Hương 42 tuổi sẽ khác một Quỳnh Hương 17 tuổi, chín chắn, góc nhìn cũng phong phú hơn. Ngày xưa mình mong muốn khám phá nhiều cái mới thì giờ mình muốn chiêm nghiệm, cảm nhận nhiều hơn.
Trong “Thay lời muốn nói” có nhiều câu chuyện hài – bi, không biết nó có ảnh hưởng đến ngòi bút của chị?
Nó không ảnh hưởng đến ngòi bút mà ảnh hưởng đến chương trình (cười). Khi làm Thay lời muốn nói, tôi có nguyện mình sẽ không sáng tác câu chuyện gì hết, khán giả gửi về bao nhiêu mình dùng bấy nhiêu. Khán giả mà viết vui thì chương trình vui và ngược lại. Suốt 17 năm qua rất may mắn là mọi khán giả đều hiểu và tin rằng mình dùng chất liệu thật từ đời sống chứ không vẽ vời gì cả.
Số tôi không bao giờ giàu
Hỏi thật, những chương trình chị làm như “Thay lời muốn nói”, “Tiếng hát mãi xanh” có sinh lời không?
Không, không hề!
Nhưng vì sao chị vẫn duy trì những chương trình đó?
Vì thương! Tôi nghĩ cuộc sống phải có mục đích, có mục đích mình mới sống và cống hiến tốt được.
Cách đây 17 năm khi tôi làm Thay lời muốn nói, đâu có ai biết đến MC Quỳnh Hương là ai. Mình chỉ làm vì muốn tạo ra cầu nối cho mọi người, thời điểm đó làm gì có facebook như bây giờ, người ta không có chỗ chia sẻ đâu. Nói chung, tất cả đều là ở cái duyên, mình làm rồi nó mới thành cái nợ!.
Những chương trình tôi làm có ý nghĩa rất lớn với tôi. Người ta thương “Thay lời muốn nói”, thương “Tiếng hát mãi xanh” rồi người ta thương lây mình, tiền bạc lúc đó cũng không còn quá quan trọng nữa.
Từ nhỏ tôi đã biết số tôi không bao giờ giàu, cố gắng lắm thì vừa đủ thôi. Những cái gì tôi làm là để bồi dưỡng giá trị tinh thần cho mình, người ta sống để mưu cầu hạnh phúc thì bây giờ tôi đang có được điều đó. Đến lúc truyền hình đã quá khó khăn không thể vẫy vùng được thì đến hơi thở cuối cùng tôi cũng phải bươn chải để nuôi nó!
Thăng trầm lớn nhất trong cuộc sống mà chị đã trải qua?
Nhiều lắm! Nhiều nhất là trong công việc. Thời đó tôi về đài để làm biên tập, lúc đó truyền hình là số một, đâm ra công việc của mình thuận lợi lắm. Nhưng rồi Internet ra đời, mạng xã hội như facebook, youtube bắt đầu phát triển đẩy truyền hình đến “bờ vực sống còn”. Có những lúc tôi nản đến mức chỉ muốn đóng cửa chương trình, nhưng rồi nghĩ âu đó cũng là cái nghiệp.
Đến giờ tôi vẫn còn mê làm truyền hình lắm, dù những chương trình đó chưa hề sinh lợi nhuận nhưng tôi nghĩ ít ra mình đã vượt qua vài cơn sóng. Giờ sóng đẩy mình tới đâu mình theo đến đó, đến một lúc nào đó sẽ có những hướng đi khác thôi!
Chị có từng nghĩ sẽ làm những chương trình khác mang lại lợi ích kinh tế cho mình?
Thật ra tôi luôn mong đến một chương trình vừa có giá trị nhân văn vừa có thể sinh lời tự nuôi sống được nó, nhưng mà mình buộc phải chọn lựa và ưu tiên cho những chương trình mang giá trị nhân văn cao hơn thôi.
Cơ bản thì mỗi người có một sở trường, bản thân tôi không chuyên về giải trí đơn thuần, cái gì hay, ý nghĩa thì mình mới có động lực mình làm. Khi đó mình không thấy mệt mỏi hay chán nản gì cả. Với tôi, nỗi sợ hãi lớn nhất là làm sao kiếm được tài trợ cho những chương trình nhân văn của mình, còn lại tôi không ‘‘ngán’’ gì cả.
Mỗi khi dẫn “Thay lời muốn nói” chị vẫn hay khóc, chị lấy đâu ra cảm xúc nhiều như thế?
Tôi cũng không biết, ở đâu có sẵn trong người rồi tới đó là “nhịn” không được, nó “trào” ra thôi. Nhiều khi từ lúc đọc thư của khán giả tôi đã khóc, đến họp ê-kíp, kể cho mọi người nghe, lại khóc, tổng duyệt, khóc, rồi lên dẫn chính cũng lại khóc thêm lần nữa vì cùng một câu chuyện. Dẫn “Thay lời muốn nói” cảm xúc của mình lúc nào cũng mới mẻ hết.
Có lẽ phải gọi vui, chị là MC khóc nhiều nhất?
Chắc vậy quá. Nhưng giờ phần lớn khán giả “Thay lời muốn nói” cũng hết lấy đó làm lạ rồi (cười).
Con trai là bạn rất thân
Ở những chương trình đó thì sự đồng cảm của khán giả nữ là rất nhiều?
70% khán giả của “Thay lời muốn nói” là phụ nữ, nhưng những ông chồng cũng “coi ké” nhiều lắm (cười). Phái mạnh viết thư, chia sẻ cho chương trình cũng có nhưng không nhiều.
Bản thân là phụ nữ, khi nghe câu chuyện của những người phụ nữ khác chị có cảm giác thế nào?
Người ta học bằng hai cách chính, một là từ bản thân, hai là từ câu chuyện của người khác. Cái may mắn của tôi là đã học được rất nhiều từ khán giả, suốt 17 năm qua có lẽ cũng phải hơn vài trăm ngàn lá thư gửi về cho chương trình. Chính sự chiêm nghiệm đó làm tôi nhìn cuộc đời một cách rộng hơn, dẹp bỏ hết những sân si của đời người. Mình cố gắng là được, đừng so sánh với người ta!.
Chị chu toàn công việc và gia đình thế nào?
Thật sự là không chu toàn nổi. Phụ nữ cũng là người bình thường, nếu mình phát triển ở hướng này thì sẽ bị hạn chế ở hướng khác. Hiện tại, gia đình tôi đang tạm ổn, tôi toàn tâm toàn ý lo cho công việc, rồi dành thời gian chơi với con. Rất may là tôi có một người dì đã quán xuyến hết công việc trong nhà nên tôi yên tâm lắm. Chồng, con trai cũng hiểu cho tôi. Cái quan trọng không phải là chu toàn mà là sự cảm thông, chia sẻ.
Từ trước đến nay, sự chuyên tâm cho công việc của chị có gây nên “sóng gió” trong gia đình?
Không hề, ông xã tôi là người đã chứng kiến tôi từ một cô bé 6 – 7 tuổi rồi trưởng thành nên anh quá hiểu tôi thích gì, tôi cần gì để sống vui vẻ. Thậm chí anh còn là người khuyến khích tôi lăn xả với công việc để tôi có được ngày hôm nay. Cái tên “Thay lời muốn nói” cũng là do ảnh nghĩ ra đó (cười).
Dĩ nhiên gia đình tôi trải qua không nhiều nhưng cũng có một vài những thăng trầm như bất kì một cặp vợ chồng nào khác, nhưng đều đã vượt qua được. Còn yêu thương thì còn ở lại!.
Chị và ông xã đã biết nhau từ khi chị mới 7 tuổi?
Ảnh biết tôi năm tôi 7 tuổi còn tôi biết ảnh, chính thức là từ năm 14. Lúc 6-7 tuổi tôi có tham gia lớp học nhí để chuẩn bị cho đội năng khiếu bóng bàn của tỉnh, ảnh thì là bạn của thầy giáo dạy bóng bàn nên đến chơi có nhìn thấy tôi nhảy lóc cóc quanh bàn bóng bàn. Lúc đó ảnh biết tôi chứ lúc đó tôi nào biết ảnh là ai. Sau đó nhiều năm thị xã cử tôi đi thi giọng hát hay học sinh vòng tỉnh, vô tình ảnh lại là thành viên ban giám khảo, cái duyên là ở đó.
Tới năm 22 tuổi thì thực sự tôi mới yêu ảnh, nhưng mà tôi nghĩ người ta đến được là nhờ duyên, ở với nhau được là nhờ nợ nên suốt những năm qua chúng tôi luôn cố gắng cư xử với nhau tử tế. Cái duyên cái nợ của mình cũng là cảm hứng cho tôi viết cuốn “Thương còn không hết, ghét nhau chi” về sau này.
Chị có thể chia sẻ một chút về con trai?
Tôi chỉ có một đứa con, năm nay cháu 14 tuổi và là người bạn rất thân của tôi (cười). Niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, bất cứ cái gì kể được tôi và con đều kể cho nhau nghe như hai người bạn. Tôi tập chia sẻ cho con ngay từ bé.
Những khoảng thời gian rảnh rỗi tôi thường đi du lịch cùng con trai. Chia sẻ, đồng cảm gần như mọi trải nghiệm nên tình cảm mẹ con chúng tôi luôn gắn bó, thân thiết như những người bạn đúng nghĩa. Con tôi không ngại chia sẻ bất kỳ điều gì với mẹ.
Chị nghĩ mình là người phụ nữ hiện đại hay là người phụ nữ của gia đình?
Tôi cũng không chắc. Nếu nói tuýp người phụ nữ của gia đình thì không phải, vì tôi nấu ăn không ngon, lại tham gia quá nhiều hoạt động ở bên ngoài. Còn thuộc tuýp phụ nữ hiện đại cũng không đúng, vì hết việc là tôi về nhà ngay. Tôi ghét đi cà phê, không mặn mà shopping ở các trung tâm sang trọng. Tôi chỉ thích được ăn cơm nhà, ngồi trong vườn chơi gia đình và một số ít bạn bè thân là được.
Tuy vậy tôi cũng không băn khoăn nhiều, mình là mình, không nhất thiết phải thiên hẳn về nhóm nào cả!
Một người làm công việc truyền hình, nhưng lại có cảm giác chị là người sống khép kín?
Tôi là người bộc trực, yêu thì tôi nói yêu, ghét thì tôi nói ghét. Đó là lí do tôi ngại tiếp xúc với người lạ, vì sẽ có hai trường hợp, một là thân luôn còn hai là không chơi (cười). Tôi không thích xã giao, ê-kíp tôi làm việc cũng vậy. Tôi hầu như không có khái niệm bạn, đồng nghiệp, người quen ai thân ai quý là tôi xếp về thành “gia đình” hết!
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này!
Băng Châu