Luật sư “ngoại lệ”
Tiếp xúc lần đầu, không ai nghĩ anh chàng bé nhỏ với khuôn mặt trẻ thơ vừa bước qua tuổi 30 lại là luật sư chủ hợp danh của hãng luật lớn nhất thế giới Baker & McKenzie (B&M), một vị trí rất quan trọng mà thông thường để đảm trách, cần người dày dạn hơn Hùng ít nhất cả chục tuổi nghề. Bởi vậy, Hùng là ngoại lệ đầu tiên của B&M: người trẻ nhất, và cũng là người Việt Nam đầu tiên được đề bạt vào vị trí này trong lịch sử của B&M.
Ngang vị trí với Hùng, ở các văn phòng trên khắp thế giới của B&M, chỉ có thêm 6 người châu Á nữa được chọn sau đợt tuyển chọn cuối tháng 4 vừa qua. Không chỉ có vậy, kể từ năm 2006 Hùng được bổ nhiệm vị trí đứng đầu nhóm luật sư hành nghề sở hữu trí tuệ tại Việt Nam của B&M. Đây cũng là lần đầu tiên có chàng trai trẻ Việt Nam đứng ở vị trí trưởng nhóm.
Từ giấc mơ của cậu bé chăn bò
Hùng có một đặc điểm là sự kiên trì và quyết tâm tự chọn lấy cơ hội cho mình. Nhờ thế, anh vượt qua mọi sức ép và khó khăn. Tính cách ấy hình thành từ thời ấu thơ, khi anh còn là một cậu bé chăn bò trong một gia đình công chức nghèo ở Tân Kỳ, một thị trấn miền núi xa xôi giáp biên phía tây tỉnh Nghệ An.
Từ nhỏ, mỗi lần đi chăn bò, Hùng thường mơ học thật giỏi, đi thật xa, để bù đắp lại cho những đắng cay vất vả âm thầm của mẹ. Bố Hùng – một người đàn ông có năng lực nhưng không gặp thời vì sức khỏe kém đã biến căn nhà tranh vách đất của gia đình 8 người thành nơi trú ngụ của những nỗi buồn trầm kha của mẹ và các con. Nhờ có sự động viên và cố gắng phi thường của mẹ, Hùng đã nhoài ra khỏi không khí ngột ngạt và thiếu thốn vây hãm.
Lớp 12, Hùng đoạt giải học sinh giỏi văn toàn quốc, rồi khăn gói quả mướp ra Hà Nội gia nhập vào đội ngũ sinh viên Đại học Luật Hà Nội, mang theo ước vọng trở thành một luật sư sáng suốt và thành đạt.
Trong những năm tháng theo học trường luật, bằng sự nhạy cảm của mình, Hùng tiên đoán tiếng Anh sẽ trở nên hữu dụng. Hùng học thêm tiếng Anh, và trong suốt thời sinh viên, anh đi học bằng tiền học bổng, bằng cách nhịn ăn sáng để dành số tiền ít ỏi đi học thêm, bằng những đồng tiền mồ hôi nước mắt, thậm chí bằng tiền vay nặng lãi của mẹ anh gửi.
Sau khi tốt nghiệp đại học, một sinh viên tỉnh xa dù học giỏi cũng không có nhiều cơ hội nếu không có người quen giúp xin việc, nhưng Hùng quyết ở lại Hà Nội chờ thời. Để trau dồi thêm ngoại ngữ, anh chấp nhận mức lương gần 70 USD/tháng cho việc phiên dịch tại một dự án xây dựng cầu ở tít tận Hải Dương, cuối tuần anh về lại Hà Nội để đạp xe đi dạy thêm tiếng Anh.
Những đêm mưa nằm ngoài công trình ở Hải Dương, nghe tiếng ếch nhái kêu buồn bã bên sông, Hùng thấy nản và định bỏ lại tất cả để về quê, nhưng nghĩ đến mẹ, anh ở lại. Gần một năm chật vật, anh xin được việc làm trong một công ty tư vấn đầu tư của Việt Nam với mức lương 600.000 đồng/tháng, đồng thời tiếp tục đi dạy thêm tiếng Anh buổi tối để lấy tiền đi học thêm dịch thuật và nghe nói.
Cuối cùng thì cơ hội đến thật. Anh gặp một luật sư người Mỹ cộng tác với công ty tư vấn đầu tư nơi anh đang làm việc. Vị luật sư mến Hùng chịu thương chịu khó và tiết lộ với anh về đợt tuyển người của văn phòng B&M tại Hà Nội. Nhận thấy đây là dịp tốt, Hùng chuẩn bị chu đáo và gửi đơn dự tuyển với tất cả quyết tâm. Vượt qua năm vòng phỏng vấn khắt khe của hãng, Hùng trúng tuyển. Giấc mơ của cậu bé chăn bò đã thành sự thật.
Làm việc ở B&M với những điều kiện có thể nói là tốt nhất thế giới, Hùng cảm thấy mình phải chịu một sức ép lớn khi xung quanh mình là những đồng nghiệp được đào tạo bài bản và năng động. Anh tìm cách đi học nước ngoài. Chưa đầy một năm sau, Hùng xin học bổng thành công từ Đại sứ quán Nhật Bản và theo đuổi tấm bằng thạc sĩ về luật tại Trường Đại học Cửu Châu – một trong năm trường đại học danh tiếng nhất Nhật Bản.
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ luật, Hùng được tiếp tục cấp học bổng để làm tiến sĩ, nhưng theo lời khuyến khích của luật sư điều hành B&M tại Việt Nam, ông Frederick R. Burke, anh quay về B&M làm việc và tiến bộ nhanh chóng nhờ vào sự dìu dắt và đào tạo của ông.
Trần Mạnh Hùng và đồng nghiệp Baker & McKenzie nhận giải thưởng “Văn phòng luật sở hữu trí tuệ tốt nhất Việt Nam năm 2005” tại Hong Kong do tạp chí Asia Law bầu chọn.
Biến “không thể” thành “có thể”
Những đồng nghiệp của Trần Mạnh Hùng ở văn phòng B&M cho biết một trong những khả năng vượt trội khiến Hùng xứng đáng với vị trí hiện tại là lối tư duy dựa trên lợi ích của các bên. Hùng chưa từng thất bại trong bất kỳ việc nào được giao. Nhờ có Hùng, B&M thành công trong những vụ việc tưởng chừng như đi vào ngõ cụt.
Cách đây hơn một năm, suýt nữa Việt Nam đã để tuột một dự án đầu tư về công nghệ thông tin lớn nhất từ trước tới nay có trị giá hàng trăm triệu đôla chỉ vì khung pháp lý chưa thật sự hoàn thiện.
Văn phòng B&M đại diện cho tập đoàn công nghệ thông tin – viễn thông nổi tiếng thế giới bước vào Việt Nam với ý định ban đầu là bỏ tiền ra đầu tư đồng nghĩa với việc được nắm quyền quản lý dự án. Nhưng ý định này không được qui định rõ ràng trong luật Việt Nam. Bài toán cho Hùng và các đồng sự là làm sao để cân bằng giữa ý định đầu tư của họ với pháp luật Việt Nam.
Đã có lúc nhà đầu tư nước ngoài rất căng thẳng, họ từng có ý định ngừng hẳn việc đầu tư tại Việt Nam và chuyển sang Trung Quốc nếu họ không được tham gia vào việc quản lý dự án. Trong khi đó, các cơ quan chức năng Việt Nam không chấp nhận cách quản lý dự án mà nhà đầu tư mong muốn. Giữa sức ép từ hai phía, Trần Mạnh Hùng và các đồng sự rất lo, lo vì Việt Nam có thể mất đi một cơ hội có được một dự án lớn.
Để giữ chân nhà đầu tư, Hùng phác ra triển vọng kinh doanh rạng rỡ: “Việt Nam là một đất nước 80 triệu dân, số thuê bao di động còn khiêm tốn và là một thị trường tiềm năng. Công nhân Việt Nam thông minh, cần cù, đối tác Việt Nam có tính học hỏi và sẵn sàng hợp tác” và ôn tồn giải thích: “Khi làm ăn ở một quốc gia khác, điều thiết yếu là phải tuân theo những quy định của luật ở mức có thể chấp nhận và không trái luật chứ không thể thay đổi hệ thống pháp luật”. Đồng thời, bằng các viện dẫn về sự thay đổi và tiến bộ của pháp luật Việt Nam trong việc thu hút và bảo hộ đầu tư, Hùng và các đồng nghiệp đã dần dần trấn an nhà đầu tư.
Sau nhiều nỗ lực họp bàn và lấy ý kiến các bộ ngành liên quan, thương thảo với các đối tác, Hùng và đồng nghiệp đã soạn ra một hợp đồng hợp tác kinh doanh trong đó đưa ra một mô hình điều hòa được quyền lợi của cả hai bên thông qua hoạt động của một ban điều phối. Dù dự án hoạt động dựa vào pháp nhân Việt Nam nhưng mỗi khi đứng trước vấn đề lớn có tính chất vận hành dự án, mô hình này khiến cả hai bên nước ngoài và Việt Nam luôn phải hợp tác với nhau, tôn trọng, phải bàn bạc và cùng nhau giải quyết trên cơ chế đã được đồng ý.
Nghe qua thì đơn giản, nhưng để hoàn tất hợp đồng với mô hình vận hành trên đây, Hùng và các đồng nghiệp đã trải qua rất nhiều cuộc họp và điện đàm kéo dài đến 2 giờ sáng với hàng chục luật sư của tập đoàn này trong hơn một năm trời. Thoạt tiên, các luật sư nước ngoài không thể hiểu nổi thế nào là ban điều phối theo pháp luật Việt Nam , hay tại sao nhà đầu tư nước ngoài bỏ tiền ra đầu tư mà lại không được tham gia trực tiếp quản lý dự án.
Hùng bèn nghĩ ra cách diễn giải khác, thay vì dịch nguyên nghĩa “ban điều phối” sang tiếng Anh, anh dùng cụm từ linh hoạt và gây thiện cảm hơn, đó là “creative operational structure”, nghĩa là “mô hình vận hành sáng tạo” và cuối cùng thì các luật sư nước ngoài, chủ đầu tư và đối tác Việt Nam cũng đã bị chinh phục bởi tên gọi và tính hợp tác cao độ của mô hình này. Hiện nay dự án đã được cấp phép và sắp đi vào hoạt động.
Theo Uyên LyTuổi Trẻ