Liên tiếp các vụ thảm sát: Hậu quả từ sự thiếu chăm lo đạo đức
Bởi, rõ ràng, cách ra tay tàn độc với tổng cộng 14 mạng người tại Nghệ An, Bình Phước và Yên Bái vẫn là một câu chuyện vượt quá sức tưởng tượng của rất nhiều người trong mỗi chúng ta.
Và, nếu giải thích tất cả bằng lời nhận xét về sự xuống cấp của đạo đức trong xã hội hiện đại, thì câu hỏi đặt ra: vì sao việc giáo dục luân lý, đạo đức lại trở nên bất lực trong câu chuyện ấy?
TS Khuất Thu Hồng: Câu chuyện buồn từ gia đình, nhà trường tới xã hội
“Những nghi phạm trẻ trong các vụ thảm sát vừa qua là một câu chuyện buồn của giáo dục. Theo quan điểm của tôi, giáo dục ở đây phải xác định rõ gồm ba yếu tố: giáo dục trong gia đình, giáo dục trong xã hội và giáo dục trong nhà trường.
Về giáo dục trong gia đình, hiện nay, các bậc phụ huynh chịu áp lực kinh tế rất nặng. Nhiều gia đình, cha mẹ đã không có thời gian để giáo dục con cái hay chí ít là dành thời gian để ăn cùng con, nói chuyện cùng con.
TS Khuất Thu Hồng
Điều này khiến mối quan hệ gia đình lỏng lẻo, việc trao truyền những giá trị đạo đức cũng bị đứt gãy. Nó khiến những người trẻ phải “tự học” những kỹ năng sống từ xã hội và trong nhà trường.
Về giáo dục trong xã hội, xã hội đang diễn ra những thay đổi giá trị rất chóng vánh. Lối sống hưởng thụ, đề cao vật chất được tán dương. Các giá trị nổi tiếng ảo được đề cao hơn chân giá trị thật… Rồi người lớn cũng không làm gương tốt khi có những hành vi trục lợi phi pháp để có cuộc sống giàu có, lối sống trác táng… Những điều trên tác động rất mạnh vào những người trẻ.
Muốn có tiền nhanh để tiêu xài, nhiều người trẻ đã quyết định “đi tắt” nên dẫn đến những thảm cảnh như chúng ta biết.
Về giáo dục trong nhà trường, chúng ta quá chú trọng vào việc nhồi nhét kiến thức khoa học mà không trang bị cho con em kỹ năng sống để các bạn trẻ nhận ra chân giá trị của cuộc sống. Thêm nữa, nền giáo dục của chúng ta là giáo dục thi cử.
Tức là, giáo dục để đối phó với những kỳ thì chứ không phải giáo dục để các công dân ứng xử với các tương tác, dung hòa các mối quan hệ xã hội ngày một phức tạp.
Sinh viên Trịnh Lan Hương: Chúng tôi muốn “học để chung sống”
“Khi đọc tin về những vụ thảm sát, cảm giác đầu tiên của tôi là sợ. Sao không sợ cho được khi những người bạn đồng trang lứa với mình lại có thể gây ra những vụ thảm sát ghê rợn đến vậy?! Song, có lẽ do bối cảnh ở thành phố lớn, được gia đình quan tâm, được học trong môi trường giáo dục không tệ nên tôi không hoang mang lắm về những người bạn mình, kể cả những người thuộc thành phần “ngổ ngáo”.
Sinh viên Trịnh Lan Hương
Hồi cấp 3, tôi học trường THPT Hà Nội – Amsterdam, môn Giáo dục Công dân, cô giáo dạy rất gần gũi, dễ hiểu bằng những câu chuyện nhỏ từ trải nghiệm cá nhân của cô. Song, nếu nhìn vào chương trình học, đó thực sự là môn học khô khan.
Những chuẩn đạo đức giáo điều được ghi theo các gạch đầu dòng không thể lay động lòng người. Cũng vì thế, tôi không lạ khi chứng kiến các bạn bè học trường khác làm “phao” để chuẩn bị cho bài thi môn Giáo dục Công dân (hay còn gọi là môn Đạo đức).
Và tôi rất nhớ mục tiêu giáo dục mà UNESCO định nghĩa: “Học để biết, học để làm, học khẳng định mình và học để chung sống”. Miễn bàn đến những mục tiêu khác, riêng mục tiêu “học để chung sống” dường như trong quá trình học từ cấp 1 tới hết phổ thông, học sinh không được trang bị. Và tôi vẫn nghĩ, giáo dục nên hướng về việc học làm người, trước khi học những thứ siêu phàm”.
Nhà báo Hà Việt Anh: Chúng ta dạy cái “lớn” mà bỏ qua “cái nhỏ”
“Bạo lực lên ngôi cũng bởi sự vị kỉ, coi thường cuộc sống của người khác, và thậm chí là cuộc sống của chính mình. Và sâu xa, những gì đang diễn ra cho thấy một thực tế buồn: sự thiếu hiệu quả của môn học về đạo đức trên ghế nhà trường.
Thực tế, chúng ta vẫn có giờ Giáo dục Công dân, vẫn có giáo trình để giảng dạy cho các em. Thế nhưng, từ chuyện dạy cho có, cho xong tới việc để các em thật sự hiểu và có ý thức về những giá trị đạo lý cơ bản lại luôn là một khoảng cách.
Nhà báo Hà Việt Anh
Là nhà báo theo dõi lĩnh vực này và cũng là một phụ huynh, tôi có cảm giác, việc dạy đạo đức ở trường bây giờ chỉ mang tính chất “cưỡi ngựa xem hoa”. Bởi đó không phải là môn học chính, không có ảnh hưởng quyết định để học sinh được xét vào trường chuyên lớp chọn hay thành tích nọ kia.
Thay vì những thứ quá cao siêu và vĩ đại, lẽ ra ngay từ khi mới đi học, các em phải được từng bước được giáo dục về cách ứng xử văn hóa, về sự tôn trọng người khác, về tình yêu thương với những người xung quanh – mà trước hết chính là người thân và bè bạn của mình.
Được hướng dẫn ngay từ những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống, các em khi lớn sẽ có đủ sự chín chắn, ôn hòa và hướng tới những cách cư xử văn minh.
Tôi luôn băn khoăn khi đọc lại những bộ sách giáo dục thời xưa như Luân lý giáo khoa thư, Quốc văn giáo khoa thư. Các cụ khi ấy luôn bắt đầu bài học bằng những câu chuyện nhẹ nhàng mà rất có ý nghĩa trong cuộc sống về tình anh em, về cách đối xử với cha mẹ, về những chuyện nhỏ như làm vệ sinh thân thể… Tại sao, bây giờ chúng ta không có được những bài giảng gần gũi và giàu giá trị như thế?
Theo Sơn Tùng – Mỹ Mỹ (ghi)Thể thao & Văn hóa