Làng ép chuối khô hối hả vào Xuân
Những ngày này có dịp đi trên con lộ T29 (thuộc các ấp 5, 7, 13 và ấp 14 xã Khánh Lâm, huyện U Minh) sẽ dễ dàng bắt gặp không khí nhộn nhịp làm chuối khô của người dân. Do nơi đây là vùng chuyên làm nghề ép chuối khô phục vụ thị trường Tết trong nhiều năm qua nên ở đây người dân còn gọi với cái tên là “Làng chuối khô”.
Tiếp xúc với phóng viên, ông Quách Văn Học (người có thâm niên hơn 15 năm làm nghề ép chuối khô ở ấp 7, xã Khánh Lâm) chia sẻ: “Nghề ép chuối khô này thấy vậy chứ không phải dễ, đầu tiên phải phơi nó một nắng nhưng phải canh chừng làm sao cho trái chuối đủ tuổi thì ép mới đẹp được, chứ không thì chuối có màu đen là bị thương lái chê liền”.
Ông Học cho biết, năm nay nhờ thời tiết ủng hộ từ đầu mùa tới giờ nên chuối đạt chất lượng cao, có nhiều thương lái đến đặt tiền cọc thu mua. “Mấy ngày qua gia đình tôi bán cũng được hơn 4 tấn chuối khô. Đợt Tết này gia đình tôi chắc ép được từ 10 – 15 tấn trở lên, kiếm cũng được hơn chục triệu xài Tết”, ông Học khoe.
Cũng là một hộ dân hành nghề ép chuối khô ngụ ấp 14 (xã Khánh Lâm), những ngày này gia đình bà Trần Thị Bảy đang khẩn trương bước vào vụ ép chuối khô để kịp gửi sang huyện An Minh (tỉnh Kiên Giang) phân phối. Bà Bảy cho biết: “Mấy mối chuối khô của tôi đặt hàng từ đầu tháng 10 kéo dài cho đến bây giờ, ước đơn đặt hàng cũng hơn chục tấn, gia đình tôi đã có thu nhập thêm hơn 15 triệu đồng”.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, ngoài “Làng ép chuối khô” nói trên, hầu hết các địa phương ở huyện U Minh như xã Nguyễn Phích, Khánh Thuận, Khánh An… đều tranh thủ nắng tốt để ép chuối khô phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Vào thời điểm hiện tại, hầu hết hộ dân hành nghề ép chuối khô trên địa bàn huyện đều đẩy nhanh tiến độ, từ đó mà nhu cầu nhân công tại những hộ này cũng tăng lên đáng kể, đã góp phần giải quyết một lượng lớn lao động nhàn rỗi ở nông thôn.
Chi Nguyễn Thị Tha (ngụ xã Nguyễn Phích) thông tin: “Ở đây, người ta mướn chúng tôi ép chuối mỗi ký giá 3.000 đồng. Tết này chắc tôi cũng kiếm được 5 – 6 triệu đồng mua sắm đồ ăn Tết”. Còn chị Châu Thị Cẩm Tiên (ngụ xã Khánh An) cho biết, thời điểm này, tranh thủ thời gian nhàn rỗi, chị và hai đứa con cùng đi ép chuối mướn để kiếm tiền chi tiêu trong gia đình dịp Tết: “Bây giờ lúa đang trong giai đoạn làm đồng nên cũng nhàn rỗi, không có việc gì làm ra tiền nên khi được thuê ép chuối là ba mẹ con tôi tham gia liền. Mỗi ngày tôi ép cũng được hơn 20 ký chuối, riêng hai đứa con mỗi đứa cũng được hơn chục ký. Tết này được làm đều đều thì gia đình tôi cũng rủng rỉnh ăn Tết rồi”, chị Cẩm Tiên tươi cười.
Ông Phạm Văn Sóng- Trưởng Phòng NN&PTNT huỵện U Minh thông tin, không chỉ gặp thời tiết thuận lợi mà những ngày gần đây những hộ tham gia ép chuối khô còn có được nguồn nguyên liệu dồi dào tại địa phương. Giá chuối cũng cao hơn mọi năm khi giao động từ 3.000 – 4000 đồng/kg. “Nắng tốt, chuối làm kịp thời nên tránh được tình trạng thất thoát, đặc biệt là giá chuối sau khi ép bán cũng có giá hơn mọi năm nên người hành nghề ép chuối khô vô cùng phấn khởi và người dân đang hối hả để phục vụ thị trường Tết”, ông Sóng nhận định.
Thực tế cho thấy, nghề ép chuối khô đã trở thành nghề truyền thống của người dân trên địa bàn huyện U Minh, không chỉ giữ được nét đẹp của làng nghề trong ngày Tết mà còn giải quyết một lượng lớn lao động ở nông thôn, giúp người dân tăng thu nhập, từng bước phát triển kinh tế gia đình, vươn lên ổn định cuộc sống.
Tuấn Thanh