Lá chắn thép giữ chủ quyền biển đảo
Bản lĩnh thép
Năm 2007, Thành tốt nghiệp Học viện Hải quân và về công tác tại Vùng 4 Hải quân đóng quân ở Cam Ranh, Khánh Hòa. Một năm sau, anh nhận nhiệm vụ mới tại Vùng Cảnh sát biển (CSB) 2.
Trải qua nhiều chức vụ như Phó thuyền trưởng quân sự tàu CSB 2014, Thuyền trưởng tàu CSB 2013, đến tháng 8/2012, anh gánh trọng trách Thuyền trưởng tàu CSB 4033 – con tàu đã trở thành biểu tượng sống về lòng quả cảm của những người lính biển Việt Nam khi đối mặt những tàu to, súng lớn của Trung Quốc trong 75 ngày đêm đấu tranh đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Tháng 7/2015, anh quay trở lại Học viện Hải quân tham gia khóa đào tạo chỉ huy tham mưu cấp chiến thuật chiến dịch.
5 năm lênh đênh với những chuyến hải hành, Lê Trung Thành đã chỉ huy tàu đi được hơn 30.000 hải lý an toàn trên khắp các vùng biển Việt Nam, từ Hoàng Sa đến Trường Sa. Có lúc, tàu CSB 4033 ở trên biển hơn 100 ngày cùng với các lực lượng khác thực thi pháp luật bảo vệ chủ quyền biển đảo, chống cướp biển và cướp biển có vũ trang, phòng chống gian lận thương mại trên biển, bảo vệ các tàu thăm dò và khai thác dầu khí trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam. Đồng thời, lực lượng CSB dưới sự chỉ huy của Thành đã tham gia cứu hộ cứu nạn, hỗ trợ bảo vệ ngư dân đánh bắt thuỷ hải sản trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa.
Điều khiến đại úy Lê Trung Thành nhớ nhất khi thực hiện nhiệm vụ tại vùng biển Hoàng Sa là 75 ngày đêm gian khổ chống Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981.
“Là một quân nhân, với tôi, không có vinh dự nào hơn là được hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước. Khi Tổ quốc gọi tên mình, tuổi trẻ chúng ta chỉ cần có Tâm trong – Trí sáng – Hoài bão lớn thì có thể làm được những điều mà mình mong muốn”.
Đại úy Lê Trung Thành
Trong suốt quá trình này, Thành đã trực tiếp chỉ huy tàu 73 lần tiến vào khu vực giàn khoan để đấu tranh tuyên truyền và hàng trăm lần đối đầu trực tiếp với các lớp tàu bảo vệ bố trí dày đặc của Trung Quốc, bất chấp các tàu tên lửa, tàu tuần tiễu tấn công nhanh, tàu săn ngầm, máy bay chiến đấu, trinh sát sẵn sàng tiến hành chèn ép, đâm va, phun vòi rồng công suất lớn và nhấn chìm tàu ta khi tiếp cận giàn khoan.
Thành kể: “Tôi nhớ như in hình ảnh vào ngày 17/5/2014, khi nhận lệnh cơ động vào giàn khoan tuyên truyền đấu tranh thì lúc này 3 tàu hải cảnh Trung Quốc là tàu 46001, tàu 33101 và tàu 32101 tiếp cận vây ép tàu CSB 4033 với vận tốc cao trên 22M/h. Đội hình vây ép thể hiện rõ âm mưu thâm độc và hết sức nguy hiểm.
Khi đó, tàu Hải cảnh 46001 tăng tốc độ chặn ngay hướng trước mũi, tàu 33101 ép sát bên mạn phải cách khoảng 10m, tàu 32101 khóa chặt sau lái, nếu chúng ta tăng tốc độ hoặc không giữ cự ly để tuyên truyền sẽ đâm va tàu 46001 ở trước mũi và 33101 bên mạn phải. Lúc này, đối tượng sẽ quay phim và cho rằng ta đã chủ động đâm va họ.
Ý thức được hậu quả nghiêm trọng khôn lường khi bị đâm va ở tốc độ cao (trước đó, tàu CSB 4033 ngày 2/5/2014 đã bị tàu Hải cảnh 44044 của Trung Quốc đâm trực diện vào mạn phải khi đấu tranh ở những ngày đầu), cả tàu đều lo lắng, anh em trên tàu đều hướng mắt về phía tôi đợi lệnh, kể cả chỉ huy cấp trên và nhà báo quốc tế có mặt trên tàu. Tôi lập tức ra lệnh tàu CSB 4033 rẽ trái 20 độ, máy trái, máy phải và máy giữa 1.000 mã lực.
Ngoặt bất ngờ, vận tốc cực lớn, mũi tàu CSB 4033 vượt lên lách qua đuôi tàu hải cảnh nước ngoài đang chặn phía trước và thoát ra với tốc độ cao.Chỉ trong vài phút, đội hình quây vây của 3 tàu hải cảnh nước ngoài bị xé nát, mỗi tàu một hướng…”.
Đại úy Lê Trung Thành chia sẻ, những ngày anh thực hiện nhiệm vụ trên biển cũng là những ngày mẹ đẻ anh mắc bệnh ung thư vòm họng phải vào Bệnh viện Ung bướu Sài Gòn chữa trị. “Tôi xác định làm sao để hoàn thành nhiệm vụ rồi trở về với gia đình. Tôi còn nhớ rõ lời mẹ dặn: “Con cứ an tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ thật tốt như vậy là báo hiếu cho cha mẹ rồi!”. Do đó, tôi nghĩ mình phải hành động và quyết tâm nhiều hơn nữa”.
Đại úy Lê Trung Thành.
Rạch ròi bạn – thù
Đó không phải là lần đầu tiên Thành đối mặt nguy hiểm. Năm 2013, Thành và đồng đội đã có 128 ngày công tác trên biển bảo vệ tàu Bình Minh 02.
Đặc biệt, ngày 21/3 năm đó, trong khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tàu khảo sát thăm dò dầu khí Bình Minh 02, trên cương vị thuyền trưởng, Thành đã bình tĩnh, tự tin chỉ huy tàu chủ động ép hướng, ngăn cản thành công không cho tàu trinh sát giả dạng Cheung Kam Wah, mang số hiệu 2922, quốc tịch Trung Quốc tiếp cận khu vực tàu Bình Minh 02 hoạt động. Trong đợt công tác đặc biệt này, ngoài 7 ngày tàu về sửa chữa do bị đâm, con tàu CSB 4033 và các chiến sỹ trên tàu luôn có mặt tại nơi đầu sóng ngọn gió.
Phân biệt rạch ròi giữa nhiệm vụ giữ chủ quyền và trách nhiệm của những người đi biển khi thấy người gặp nạn, tàu CSB 4033 dưới sự chỉ huy của Lê Trung Thành đã nhiều lần tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển. Điển hình là cán bộ, chiến sĩ tàu CSB 4033 đã trực tiếp tham gia cứu nạn tàu đánh cá của Trung Quốc tại Nha Trang.
Đó là ngày 23/12/2014, tàu cá JEHAN quốc tịch Trung Quốc chở 6 ngư dân bị hỏng bánh lái trong lúc thời tiết biển rất xấu. Xác định cứu người như cứu lửa, đại úy Thành đã chỉ đạo anh em hoàn thành nhiệm vụ cứu kéo tàu cá Trung Quốc về cảng Nha Trang, bảo đảm tuyệt đối an toàn về con người và trang bị.
Tàu là nhà, biển cả là quê hương
Với hàng loạt chiến công cùng những cống hiến to lớn, đến nay, đại úy Lê Trung Thành đã tích lũy cho mình một bảng thành tích dày đặc danh hiệu khen thưởng các cấp. Năm 2014, anh vinh dự nhận Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” do Ban Bí thư T.Ư trao tặng. Cũng năm đó, Thành là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc. Mới đây, anh vinh dự là một trong 10 thanh niên tiêu biểu về dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
“Chúng tôi, những người lính CSB Việt Nam luôn xác định tàu là nhà, biển cả là quê hương. Thành tích tôi có được cũng là nhờ sự chỉ đạo sát sao của các cấp chỉ huy, hiệp đồng của các biên đội tàu CSB, và anh em cán bộ, chiến sĩ. Tôi xin dành tặng danh hiệu cao quý này cho tất cả các cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ này mà bản thân tôi là người đại diện”, đại úy Lê Trung Thành khẳng khái nói.
Cũng theo đại úy Lê Trung Thành, để tuyên truyền đấu tranh, lực lượng CSB luôn phải nêu cao tinh thần kỷ luật, chấp hành nghiêm mệnh lệnh cấp trên, kiên trì, kiên quyết bám thực địa, mưu trí, dũng cảm, khôn khéo đấu tranh bằng pháp luật, hòa bình, nhất quyết không sử dụng vũ lực để đáp trả lại những hành động khiêu khích của các tàu Trung Quốc.
Anh chia sẻ: “Tàu CSB 4033 chúng tôi được biên chế 25 người, hầu hết là thanh niên tuổi đời dưới 35, người nhỏ nhất chỉ mới 20 nhưng được tin tưởng giao quản lý con tàu có giá trị hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Đây là vinh dự, đồng thời là trách nhiệm nên chúng tôi luôn ra sức học tập, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn”.
Bảng thành tích của đại úy Lê Trung Thành:
– Danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở các năm 2011, 2013, 2014.
– Giấy khen trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tàu thăm dò dầu khí Bình Minh 02 các năm 2013, 2014.
– Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen và T.Ư Đoàn tặng Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ CH-14
– Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.
– Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2014
– Tài năng trẻ Việt Nam 2015
– Là điển hình tiên tiến tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc 2015.
– Một trong 10 thanh niên tiêu biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII
Theo Nguyễn Minh – Nguyễn Hoan
Tiền phong