“Khiêu vũ” cùng trái cầu
Vũ điệu của đôi chân
Các địa điểm như: Công viên Phú Thọ, Phú Lâm, Thảo Cầm Viên Sài Gòn… hay Nhà văn hóa Phường 12 (Q. 8)… là nơi sinh hoạt thường xuyên của 3 câu lạc bộ đá cầu nghệ thuật (đá cầu kiểng) nổi tiếng ở Sàn Gòn: Tia Chớp, Tiến Thành, Hải Đông.
Đều đặn mỗi ngày, vào buổi sáng sớm hoặc buổi chiều muộn sau giờ tan sở, các cầu thủ, từ nghiệp dư tới chuyên nghiệp, lại tụ tập về những địa điểm trên để học hỏi “chiêu thức” của nhau hoặc đọ tài cao thấp.
Ở đây, nhiều nhóm bạn trẻ, từ 2 tới 8 người, đứng thành vòng tròn. Lần lượt từng người một, họ chậm rãi chờ tới lượt cầu của mình, để thể hiện “độc chiêu”.
Sau mỗi lần “uốn lượn” thân mình theo đường cầu, thực hiện các động tác, từ dễ như: Đá cánh gà, đánh cùi chỏ, đá má ngoài… tới khó như: Đá kiểu Ápsara, đá bọ cạp… những tràng pháo tay lại đều đặn vang lên cùng ánh mắt trầm trồ thán phục từ phía người xem. Song cũng không ít tình huống “chổng vó” sau những màn biểu diễn kỹ thuật bất thành của mấy chàng “lính mới”, khiến khán giả nhiều phen cười “bể bụng”.
Từng có thời gian 4 năm theo học tại ĐH Quốc tế RMIT (TP. HCM), Nguyễn Thành Minh (25 tuổi) nhớ lại, cứ mỗi dịp cuối tuần, Minh và mấy người bạn học thường lui tới các sân cầu “phủi” trong thành phố với mục đích… giao lưu.
Minh giải thích, đá cầu kiểng thu hút nhiều người, ở nhiều tầng lớp, lứa tuổi khác nhau tham gia, bởi những nét độc đáo môn thể thao này mang lại. Khác với đá cầu mây hay đá cầu lưới, những đường cầu “kiểng”, theo đúng tên gọi của nó, đều mang tính trình diễn cao, đòi hỏi sự khéo léo và sáng tạo của người chơi.
Thành Minh nói: “Mỗi lần dùng đỉnh đầu phía sau đón đường cầu, rồi hất trả lại cho bạn chơi, cảm giác rất sướng, cơ thể như được giải phóng vậy!”.
Ngoài ra, như Minh bảo, môn chơi này không cần đầu tư nhiều tiền, mua quả cầu chỉ 15.000 – 20.000 đồng, cùng một đôi giày thể thao là có thể bắt đầu tập chơi. Không gian chơi cũng vừa phải, một góc nhỏ trên vỉa hè, khoảng trống trong công viên, cùng vài bạn chơi là đã có được một buổi chơi thú vị.
Từ “phủi” đến “chuyên”
Trải qua nhiều năm phát triển, hiện tại, môn đá cầu nghệ thuật đã phổ biến ở nhiều tỉnh, thành phố, như: Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Tháp, Cà Mau, Sóc Trăng… thu hút nhiều bạn trẻ tham gia.
Tại TP. HCM, Hiệp hội Đá cầu nghệ thuật đã được thành lập, có luật chơi khá chặt chẽ và bài bản như một môn thể thao chính thống. Hằng năm, hiệp hội tổ chức một số giải đá cầu nghệ thuật, với hàng chục đội cầu, thuộc nhiều tỉnh, thành về tham dự. Có giải, con số vận động viên tham gia lên tới hơn 300 người.
Trong số những câu lạc bộ hoạt động quy củ và bài bản nhất, phải kể tới Tia Chớp. Sau 15 năm hoạt động, đến nay, CLB Tia Chớp đã thu hút hàng trăm thành viên tham gia, sinh hoạt ở nhiều địa điểm khác nhau trong thành phố.
Ba tháng một lần, thành viên trong ban điều hành câu lạc bộ và các đội trưởng, đội phó các đơn vị trực thuộc lại kiểm tra, đánh giá trình độ của đội viên. Những đội viên đạt trình độ xuất sắc sẽ được chọn đi thi đấu biểu diễn, giao lưu ở các nơi.
Khác với các câu lạc bộ “chuyên nghiệp” như Tia Chớp, Tiến Thành hay Hải Đông, câu lạc bộ “sinh viên” của Lê Thành Long (CLB Storm) thường chỉ tổ chức sinh hoạt và thi đấu giao hữu vào sáng Chủ Nhật hằng tuần, tại sân B, trường ĐH Nông Lâm TP. HCM.
Long cho biết: “Ban đầu, mình nhìn người ta đá ở công viên 23/9 thấy hay hay. Ở trường ĐH Nông Lâm lúc đó cũng có 1 – 2 người đá, vậy là hợp lại thành một câu lạc bộ.
Hồi đó, thành viên của câu lạc bộ chủ yếu là sinh viên trong trường. Bây giờ, có người đã đi làm rồi nhưng vẫn thường xuyên quay lại luyện tập cùng với những thành viên mới. Mỗi buổi, thường có trên 10 thành viên tham gia”.
“Mách nhỏ” bạn chơi
Đá cầu nghệ thuật có nguồn gốc từ Campuchia. Năm 1970, môn thể thao này theo chân những người gốc Việt từng làm ăn, sinh sống tại Campuchia du nhập vào Việt Nam. Khác với nội dung thi đấu đối khác, người chiến thắng trong một trận cầu “kiểng” là người thực hiện nhiều động tác khó nhất và điều khiển quả cầu khéo léo nhất.
Những người bắt đầu tập chơi môn thể thao này, thường mất từ 6 tháng tới 1 năm, làm quen với các động tác cơ bản. Nếu muốn được các bậc “tiền bối” công nhận, đều phải thuần thục 10 “chiêu thức”, bao gồm: Đá cánh gà (dang rộng vai như gà đang vỗ cánh), đá lòn chéo chân, đánh chỏ, đánh vai, bắt lưng, úp cầu, vít cầu, quét cầu, thế đá số 4 (đá bằng lòng bàn chân, chéo sang phía chân kia) và đặt vòng 2 tay (vòng tay để cầu luồn qua), dùng đỉnh đầu (phía sau) đón và hất cầu lại đối phương, thế Ápsara (mô phỏng điệu múa Apsara của người Campuchia).
Để thi đấu chuyên nghiệp, mỗi cầu thủ luôn có “độc chiêu” riêng, được người đi trước truyền lại cho người đi sau hoặc trong quá trình tập luyện tự sáng tạo ra. Trong đó, nổi bật là cách đá phối hợp hai người: Một người tạo dáng đặt vòng, người kia đá trái cầu bay qua vòng hoặc kiểu đá bọ cạp…
Các bạn trẻ yêu thích đá cầu nghệ thuật, muốn thử sức hoặc đơn giản, muốn thưởng thức những đường cầu ngoạn mục, có thể tìm đến Thảo cầm viên Sài Gòn, Công viên 23/9 (Q. 1), Nhà văn hóa Phường 12 (Q. 8), Công viên Lê Thị Riêng (Q. 10)… vào những buổi sáng sớm hoặc xế chiều. |
Theo Hoàng Thắng – Thanh Huyền – Việt Anh
Sinh viên Việt Nam