Khi 8X vẫn “bám váy” bố mẹ
Chẳng ai nghĩ rằng, mỗi khi đi chợ nấu cơm cho gia đình hay mua sắm mấy thứ lặt vặt từ tuýp thuốc đánh răng, gói xà phòng, Liên đều ngửa tay lấy tiền từ mẹ. Sinh năm 1985, tính ra Liên đã đi làm được hơn 3 năm, thu nhập hàng tháng của cô cũng ngót nghét 5-6triệu đồng/tháng. Tháng nào chân trong chân ngoài được thì còn khá hơn.
Thế nhưng, tiền nhà không mất, ăn uống Liên cũng mặc cho mẹ tự chi, số tiền kiếm ra, Liên dành tất vào việc ăn chơi, mua sắm. Thậm chí, có tháng còn tiêu quá tay, sáng ra đi làm, Liên còn ngửa tay xin mẹ mấy chục ăn sáng và đổ xăng.
Cứ đi làm về, cô nàng lại lê la cũng bạn bè ăn uống, xem phim. Hôm nào về nhà ăn cơm thì cũng chỉ 8h là nàng lấy cớ để ra ngoài, chí ít cũng đi ăn chè, uống nước, nói với nhau vài ba câu chuyện phiếm rồi mới về nhà ngủ yên được.
Cuối tuần, Liên cũng chẳng mấy khi có mặt ở nhà, không đi chơi xa thì đi gần. Một tháng làm một chuyến đi xa, khi thì Miền Trung, lúc thì Tây Bắc… mỗi chuyến đi cũng ngót nghét tiền triệu, thử hỏi khoản tiền lương mà Liên kiếm được đã thấm vào đâu.
Tính ra nếu để chi tiêu có khi còn chưa đủ, bởi cứ đến kỳ lĩnh lương, tiền chưa kịp cầm ấm tay đã phải trả nợ một khoản kha khá, nào là nợ người này hôm đi ăn sinh nhật, nợ bạn kia bữa góp tiền đàn đúm… Chẳng mấy chốc, Liên lại ngả tay xin mẹ tiền ăn sáng, đổ xăng để đi làm, chờ đến kỳ lương tiếp theo.
Chỉ khổ mẹ Liên, một mặt vẫn dấm dúi cho con tiền nhưng mặt khác vẫn thể hiện niềm tự hào với hàng xóm khi con gái có trình độ ĐH, có công ăn việc làm ổn định. Dù nhiều khi bực bội, cáu gắt với con nhưng với người ngoài, bà lại không ngớt lời khen ngợi cô con gái cưng của mình. Nhiều khi chính bà cũng cảm thấy không ổn với cái kiểu sĩ diện hão thế này được.
Nhìn con cái người ta không tài cao học rộng bằng con mình, chỉ tốt nghiệp cao đẳng hoặc đi làm ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông nhưng cũng tu chí làm ăn, đưa tiền về cho mẹ. Đằng này, con mình thì… có tiếng mà không có miếng. Có lúc bà tự nói với mình “chẳng cần nó đưa tiền về, chỉ cần không lấy tiền ở nhà để tiêu pha nữa cũng là được lắm rồi”.
Mải vui chơi, bạn bè, nhiều 8X vẫn khiến các phụ huynh lo ngay ngáy.
Không tế nhị như mẹ Liên, tháng nào cũng có vài ngày, người ta nghe tiếng mẹ con Minh cãi nhau. Cũng chỉ vì cái thói ham vui ham chơi, đã ngấp nghé 3 chục cái xuân xanh rồi mà Minh vẫn chưa có mối nào để còn động viên cho bố mẹ yên tâm. Tháng cũng 7-8 triệu tiền lương nhưng Minh cứ mải vui vẻ đâu đâu, lớn tướng rồi mà ngay cả cái nhỏ nhặt trong nhà cũng đến tay mẹ phải lo.
Nhà cũng chẳng khá giả gì nhưng nghĩ cố gắng lo cho con ăn học đầy đủ nên bố mẹ Minh cũng cố gắng chiều con, nhất là trong 3 chị em thì chỉ có Minh là có trình độ đại học – niềm tự hào của cả nhà.
Thế nhưng, bà không thể chịu nổi cái kiểu vô tư quá hóa vô tâm của con gái. Hầu như tuần nào, Minh cũng tha về vài bộ đồ mới, mà không phải loại thường, đồ của Minh bao giờ cũng hàng hiệu đắt tiền. Tháng nào cũng tổ chức đi chơi cùng bạn bè, lúc thì nhóm này khi thì nhóm khác, đi hết miền Bắc rồi vào miền Nam, mấy năm gần đây lại sinh chuyện đi du lịch nước ngoài.
Tuyệt nhiên, chẳng bao giờ Minh có “nhã ý” biếu mẹ chút tiền tiêu vặt hay mua sắm ít đồ dùng trong nhà. Thậm chí nhiều khi người ta đến thu tiền điện nước, hoặc là Minh hẹn lúc khác quay lại vì mẹ không có nhà, còn nếu cô nàng trả, thì khi mẹ về sẽ “đòi nợ” ngay lập tức.
Nhiều lần ý tứ xa xôi, Minh vẫn không biến chuyển gì, mẹ Minh đâm ra cáu. Có lần bảo Minh đi mua tuýp thuốc đánh răng, giấy vệ sinh cho gia đình, cô nàng cũng đòi tiền, không thể chịu nổi, bà mẹ cáu “Đi làm bao năm nay mà chút tiền vặt vãnh cũng ngửa tay lấy của mẹ, không biết xấu hổ à”.
Rồi bà so bì Minh với con cái của mấy người bạn “Mày nhìn con cô Hạ kia kìa, kém mày tới 2 tuổi mà ý thức thì gấp vạn lần. Mua sắm đủ thứ trong nhà, còn đưa tiền cho mẹ sửa nhà nữa. Còn mày thì sao, tiền tiêu vặt cũng ngửa tay mà xin, xem ra không bằng một góc của nó”. Thấy bị so sánh, Minh cũng nóng mặt: “Mẹ không phải so, mỗi người một cách sống, con là con, nó là nó. Mẹ thích thì sang nhà cô Hạ mà khen nó, không phải so bì với con”.
Dần dần, những cuộc cãi cọ cứ tăng lên và hàng xóm cứ nghe thấy giọng nói khó chịu của họ cũng lớn dần. Người thông cảm với Minh thì cho rằng, “còn trẻ nên chưa biết lo, trách nó làm gì”, còn những ai nghĩ cho mẹ Minh thì không ngại chê bai “Có con gái lớn thế thì khác gì cục nợ, chẳng khác gì đồ bỏ đi”.
Theo Bưu Điện Việt Nam