Hoa khôi SV Cần Thơ từng “khóc như mưa” khi chia tay cô giáo thực tập
Khóc rất nhiều khi chia tay cô giáo thực tập
Hoa khôi sinh viên Cần Thơ 2016 Nguyễn Thùy Trang chia sẻ: “Cứ mỗi năm, đến ngày 20/11, mọi ký ức về thời học sinh lại ùa về trong em. Em lại nhớ đến từng thầy cô, nhớ những lời dạy dỗ, những lời động viên cũng như những lời “răn đe” nghiêm khắc của thầy cô khi em mắc lỗi. Đó luôn là một thời tươi đẹp của tuổi học trò”.
Theo Thùy Trang, “ngày 20/11 đối với em là một ngày vô cùng ý nghĩa. Thầy cô luôn dạy cho học trò của mình những điều tốt đẹp nhất, luôn tâm huyết và dành tất cả mọi yêu thương cho học trò, ngay cả những bạn làm thầy cô phải buồn lòng. Vì thế, với em, ngày 20/11 là ngày đặc biệt để em có thể bày tỏ lòng biết ơn và tri ân đối với thầy cô giáo”.
Kỷ niệm mà Thùy Trang nhớ nhất vào ngày Nhà giáo Việt Nam là “năm em học lớp 5. Lúc đó, em đã đăng ký để được múa hát bài “Thầy cô cho em mùa xuân”. Em đã học múa, tập hát rất nhiều để có thể trình diễn tốt nhất tặng thầy cô vào buổi lễ ngày 20/11, mặc dù trong lòng rất lo lắng và run khi đứng trước thầy cô và nhiều người khác”.
Hoa khôi sinh viên Cần Thơ 2016 nhớ lại: “Thời học tiểu học, người mà em nhớ nhất là cô Hương. Vào năm em học lớp 3, cô Hương là giáo viên thực tập được phân công làm cô giáo chủ nhiệm lớp em trong một khoảng thời gian ngắn. Ngoài việc cô dạy học trên lớp, cô còn dạy hát, chơi những trò chơi vô cùng thú vị. Sau giờ học, cô còn trò chuyện rất nhiều với các học sinh”.
“Kết thúc thời gian thực tập đó rồi cô rời đi, cô và cả lớp em đều khóc rất nhiều lúc chia tay. Từ đó, em không còn gặp lại cô nữa. Em cũng không biết cách liên lạc với cô, đã rất nhiều lần và cho đến tận bây giờ em vẫn hay nghĩ về cô. Không biết cô bây giờ như thế nào, gặp lại chắc cô sẽ không nhận ra em. Đối với em đó là một kỷ niệm vô cùng đẹp thời tiểu học”, Hoa khôi Thùy Trang chia sẻ.
Hoa khôi quan niệm: “Thầy cô không màng công lao và luôn tâm huyết đối với học trò của mình, vì thế, em luôn học hỏi, cải thiện bản thân mỗi ngày và nuôi dưỡng tâm hồn, đạo đức, để trở thành người tốt. Em sẽ cố gắng để gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống, để không phụ lòng những thầy cô đã từng góp bao công sức để dạy dỗ và đào tạo. Ngoài ba mẹ thì thầy cô giáo đã cho em những kiến thức và nuôi dưỡng nhân cách sống để em có được ngày hôm nay, em luôn kính trọng và khắc ghi”.
“Nhân ngày 20/11, em không biết nói gì hơn để đền đáp lại công ơn to lớn ấy, em xin kính dâng lên thầy cô những lời thành kính và tri ân nhất. Kính chúc tất cả thầy cô luôn dồi dào sức khoẻ và hạnh phúc thật nhiều vào ngày lễ ý nghĩa này”, Hoa khôi Nguyễn Thùy Trang bày tỏ.
Sao cô không nhận quà của con !
Đối với Nam vương Huỳnh Võ Tiến, “một năm dù có bao nhiêu ngày lễ đi nữa, thì ngày Nhà giáo Việt Nam vẫn đem đến cho em những cảm xúc rất khác. Em cảm giác nhớ nhớ, nuối tiếc về một thời cắp sách đến trường, đặc biệt là những kỷ niệm gắn bó với các thầy cô”.
Theo Võ Tiến, “em thấy ngày 20/11 là dịp lễ thể hiện một nét văn hóa rất cao quý của người Việt Nam, đó là tôn sư trọng đạo. Người Việt Nam dù ở đâu, làm gì, dù thành công hay thất bại, thì họ vẫn luôn trân trọng và biết ơn đến những người “đưa đò” thầm lặng”.
Nam vương cho biết: “Em nhớ nhất là ngày 20/11 đầu tiên, lúc đó em chỉ mới học mẫu giáo. Cũng như mấy đứa bạn, em không hiểu hết ý nghĩa của ngày này. Hôm đó, mẹ mua sẵn cho em một món quà để tặng cô. Em thấy cô từ xa, em chạy đến và tặng nhưng cô không nhận. Lúc đó, em khóc lên và nói “cô ghét con, cô hổng thương con, cô chỉ nhận quà của mấy bạn kia thôi”.
Rồi cô cười và dạy em rằng: “Cô không nhận quà này của các con. Các con bây giờ phải cố gắng học tốt, nên người, trở thành những kỹ sư, cử nhân. Cô hy vọng sau này con sẽ học thật giỏi để không chỉ làm cô vui, mà còn làm cho tất cả thầy cô giáo dạy con đều vui và hạnh phúc, đó mới là món quà quý nhất mà cô sẽ nhận từ con”. Sau ngày đó, em mới hiểu được giá trị và ý nghĩa của ngày 20/11”.
Nam vương sinh viên Cần Thơ kể lại: “Thời cấp 3, em học giỏi nhất môn Sinh. Năm lớp 12, em hy vọng có thể thi đậu vào ngành y. Lúc đó, em được cô Châu tin tưởng và khuyên đăng ký thi học sinh giỏi môn Sinh của tỉnh tổ chức. Em vẫn không quên hình ảnh cô Châu ân cần chỉ dạy những kiến thức từ nhỏ đến lớn, những cuộc điện thoại dặn bài khi không có tiết trên lớp, hay những ngày cuối cùng ôn tập thầy và trò đều tranh thủ đến không ăn cơm trưa.
Cuối cùng đến ngày thi, sự ỷ lại vào kiến thức đã làm em thất bại. Em thất vọng và chán nản, có dấu hiệu hoài nghi về khả năng đậu vào ngành y của mình. Sau ngày đó, cô Châu vẫn khích lệ em phải cố gắng ôn tập hơn nữa và đừng bi quan. Cô bảo, em hãy hứa với cô là em “vẫn luôn giữ ước mơ và ngọn lửa” đó”.
“Nhờ những lời động viên của cô, em có thêm động lực và nổ lực không ngừng để có thể trở thành một bác sĩ. Đến bây giờ, em đã là sinh viên năm thứ 6 của trường Đại học Y Dược Cần Thơ chuyên ngành bác sĩ Y học dự phòng. Em luôn xem đó là món quà lớn nhất mà em đã dành tặng không chỉ cho cô Châu mà cho tất cả thầy cô đã dạy dỗ, yêu thương mình”, Nam vương Huỳnh Võ Tiến bày tỏ.
Huỳnh Hải