Hành trình “vòng tay yêu thương” của chàng trai bị ảnh hưởng chất độc da cam
Những người có cơ duyên được gặp gỡ, tiếp xúc người thanh niên sinh năm 1987 của xã Eakly, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk sẽ hiểu thêm về sức sống mạnh mẽ của con người và được truyền niềm cảm hứng lạc quan yêu đời, sống là biết cho đi.
Anh Học sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh gia đình có bố là quân nhân cách mạng nay là thành viên của hội nạn nhân chất độc da cam, mẹ là thanh niên xung phong đi xây dựng kinh tế mới tại tỉnh Đắk Lắk nay đã nghỉ hưu.
Anh Học có ba chị em. Anh là người con thứ 2 cũng là người không may mắn của gia đình là bị dị tật bẩm sinh, đôi bàn chân và tay không được bình thường như mọi người.
Với sự nỗ lực vươn lên sau 12 năm học, năm 2007 Duy Học thi đậu ngành Công nghệ thông tin học tại trường Đại học Duy Tân. Được ra ngoài xã hội, anh Học hiểu được còn nhiều hoàn cảnh bất hạnh hơn mình. Và anh quyết định xin làm tình nguyện viên cho CLB Búp Sen Hồng.
Tại đây, anh góp một phần công sức của mình để dạy học văn hóa cho các bạn khuyết tật ở Trung tâm Hướng nghiệp Từ thiện của Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng gần 1 năm.
Anh Học và CLB tình nguyện Vòng tay yêu thương giúp nhiều em nhỏ có cơ hội đến trường.
Năm 2012, anh Học tự đứng ra thành lập nhóm Thiện nguyện “Vòng tay yêu thương”, lúc đầu gồm có 6 thành viên (4 nữ và 2 nam), đến thời điểm hiện tại thành viên của Câu lạc bộ là 40 thành viên (18 nữ, 22 nam).
Thành viên của câu lạc bộ chủ yếu là cán bộ công nhân viên chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh trên địa bàn tỉnh tham gia, với mục đích chia sẻ, động viên và giúp đỡ bà con nhân dân, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật…
Trong đó, hoạt động ý nghĩa nhất của CLB này là xây dựng và sửa chữa nhà cho các hộ gia đình ở vùng bão lũ, gia đình khó khăn neo đơn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Khi được hỏi liệu rằng công việc xây nhà có thích hợp với một người khuyết tật vận động như anh không, anh Học đáp rằng: “Thực tế thì công việc nào cũng khó khăn đối với người khuyết tật hay người không khuyết tật, điều qua trọng là mình biết cách để thích nghi với hoàn cảnh hiện tại.
Trong công việc xây dựng nhà cho các em học sinh nghèo cũng gặp rất nhiều khó khăn, từ vận động kinh phí, rồi vận động các bạn tình bỏ công sức ra làm việc dựng nhà.
Những ngôi nhà nhóm của tôi dựng lên được làm từ khung sắt và tôn lợp và làm nền nhà bằng xi măng, công việc chỉ gọi gói gọn trong 2 ngày cuối tuần nên cần làm nhanh và chuẩn”.
Bản thân anh Học luôn luôn có ý nghĩ mình phải sống vì mọi người chứ đừng để mọi người phải sống vì mình, vì thế anh nghĩ đến làm việc thiện. Anh nói: “Vì lòng yêu thương con người, vì muốn thấy mình sống còn có ích”.
Giúp đỡ người dân khó khăn xây nhà, sửa nhà
Trong số những trường hợp khó khăn được anh Học và CLB “Vòng tay yêu thương” giúp đỡ, có một câu chuyện mà anh nhớ mãi: “Đó là cô bé Người dân tộc Nùng, lúc tôi vào nhà em đó thì được biết là em sắp nghỉ học cấp 3 vì gia đình khó khăn. Em nghỉ học để phụ bố mẹ đi làm nuôi em ăn học.
Thương hoàn cảnh của em, nhóm tôi đã đi vận động kinh phí và giúp đỡ em ấy hoàn thành 3 năm cấp 3 và thi đậu vào đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Với tôi làm lời cảm ơn chân thành nhất”.
Dành nhiều thời gian hoạt động thiện nguyện nhưng anh Học vẫn sắp xếp thời gian để không ảnh hưởng tới gia đình. Gia đình anh cũng rất ủng hộ anh vì muốn anh có được cuộc sống vui tươi, ý nghĩa.
Dẫu vậy, trên chặng đường san sẻ tình yêu thương của mình, anh Học cũng gặp phải nhiều trở ngại. Anh sẵn sàng chạy xe máy 3 bánh suốt 200km để tới giúp đỡ những người cần anh nhưng cũng đã gặp người nói với anh rằng “Bản thân mình chưa lo được mà đi lo chuyện người khác”.
Dù đi lại khó khăn nhưng anh Nguyễn Duy Học chẳng nề hà quản ngại vất vả khi anh biết có những người cần anh giúp đỡ.
Với bản tính lạc quan, anh Học nghĩ rằng: “Tôi không để tâm nhiều lắm, vì sống là phải cho đi chứ đâu chỉ nhận riêng mình”.
Anh Nguyễn Duy Học là một trong những đại biểu thanh niên tham gia Hành trình Tôi yêu Tổ quốc tôi xuyên suốt chiều dài đất nước. Đây là chương trình do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức nhằm lan toả thông điệp về niềm tự hào và tình đoàn kết dân tộc, đặc biệt hướng tới đối tượng thanh thiếu niên.
Tham gia Hành trình này, chàng trai Đắk Lắk muốn lan toả thông điệp: “Yêu Tổ quốc từ những việc làm bình dị nhất, đó là yêu thương con người. Dù bạn là ai, ở hoàn cảnh nào thì bạn sẽ có nhiều cách để yêu Tổ quốc”.
Mai Châm