Hành trình đi tìm ánh sáng của cô gái mù
Với nghị lực phi thường, Đỗ Thúy Hà (SN 1981) đã tìm lại “ánh sáng” cho cuộc đời của mình. Chị cũng là một trong những tấm gương nghị lực sẽ được tôn vinh trong chương trình GalaTỏa sáng nghị lực Việt vào ngày 24/5/2014 tại Hà Nội.
Năm 6 tuổi, chị Hà phát hiện mình bị thoái hóa võng mạc mắt bẩm sinh, một trường hợp rất khó chữa trị. Dù bố mẹ đã đưa chị đi chữa chạy ở nhiều nơi nhưng cuối cùng vẫn phải đầu hàng trước căn bệnh quái ác.
Chị kể lại: “Mắt mờ đến mức nhiều lần vấp ngã trong nhà, nhưng tôi vẫn chỉ biết hỏi bố mẹ vì sao không được tiếp tục đến trường. Lúc đó, mẹ chỉ nói rằng vì mắt tôi kém hơn các bạn”.
Năm 9 tuổi, chị vào học lớp chữ nổi dành cho người khiếm thị tại trường Nguyễn Đình Chiểu. Học với các bạn cùng cảnh ngộ, chị Hà mới bớt dần mặc cảm và luôn đứng đầu lớp. Chị còn được bầu làm Phó Bí thư Chi đoàn khối học sinh khiếm thị.
Kết thúc năm học cuối cấp (lớp 9) tại Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, điểm tổng kết các môn học của chị Hà đều đạt 9.0, riêng tiếng Anh là 10. Chị chia sẻ: “Mình không nhìn được thì phải cố gắng gấp đôi gấp ba người ta, tập trung gấp đôi người ta, chứ tôi không trông chờ ông trời bù lại cho mình”.
Lên cấp 3 tiếp tục duy trì thành tích học giỏi, đặc biệt môn tiếng Anh. Năm 2000, chị Hà tham gia cuộc thi Olympic tiếng Anh toàn miền Bắc do UNESCO tổ chức, chị kể: “Chỉ có mình tôi là một thí sinh bị khiếm thị nên ban tổ chức phải tạo điều kiện riêng. Họ đã đọc đề cho tôi, tôi làm bài xong thì đọc lại cho giám khảo chép vào giấy thi đã dọc phách. Cuối cùng, tôi đạt giải 3 cuộc thi năm đó.”
Hành trình đi tìm ánh sáng
Sang Nhật, chị Hà đã vượt mọi khó khăn để biến những ước mơ thành hiện thực và kết thúc khóa học 2 năm với tấm bằng xuất sắc.
Trong thời gian du học, bên cạnh việc hoàn thành tốt báo cáo tốt nghiệp, việc tự đến trường và sinh hoạt cũng là điều đáng tự hào của cô gái Việt Nam tên Hà. Có lẽ, với một người bình thường khi ở một đất nước xa xôi, mọi thứ đều mới mẻ, lạ lẫm còn với chị là cả quá trình phấn đấu đáng khâm phục.
“Tôi muốn chứng minh, người khiếm thị có thể làm mọi điều mà người sáng mắt làm được. Ngoài việc học, tôi và các học viên khuyết tật khác phải tự đi chợ, mua sắm các đồ dùng cho sinh hoạt cá nhân, họ làm được, tôi cũng làm được”, chị Hà chia sẻ.
Những nỗ lực được đền đáp
Chị chia sẻ: “Đối với một người phụ nữ bình thường, việc mang bầu, chăm con cũng đã là một thử thách. Đối với một người khiếm thị như tôi, điều đó còn tăng lên gấp nhiều lần. Nhưng tình mẫu tử là một thứ tình cảm thiêng liêng, là động lực để tôi cố gắng từng ngày.”
Ngày 24/5 tới đây, chị Đỗ Thúy Hà sẽ tham dự chương trình Gala Tỏa sáng nghị lực Việt, tôn vinh những tấm gương nghị lực Việt Nam, với một vị khách mời đặc biệt diễn giả Nick Vujicic. Từ lần đầu tiên khi Nick đến Việt Nam, chị Hà đã rất thích chương trình này vì tầm ảnh hưởng của nó đến quan niệm của xã hội đối với người khuyết tật.
Với chị Hà, ánh sáng không chỉ được nhìn từ đôi mắt mà còn được tìm thấy từ trong tâm hồn của mỗi người. Có một nguồn sống vô tận ở trong cô gái mang cái tên giản dị, một nguồn sống mà trong bóng tối cô đã vươn lên và sẽ còn vươn lên mãi. Tấm gương nghị lực Đỗ Thúy Hà thực sự là nguồn sáng cho những người khiếm thị nói riêng và những người tàn tật trong cuộc sống nói chung.