Hạnh phúc muộn của nữ giảng viên sau cái chết của người con duy nhất
Khoác ba lô, hành lý, vợ chồng chị Nguyễn Lệ Thủy (SN 1993) vượt đoạn đường hơn 300 km từ Nghệ An ra bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thăm khám, điều trị vô sinh.
Hành lang khoa Phụ sản – BV Bạch Mai.
Cầm trên tay kết luận của bác sĩ, chồng chị Thủy tuyệt vọng. Hóa ra nguyên nhân khiến họ không có con sau 3 năm kết hôn là do anh bị teo tinh hoàn.
Thời gian đầu mới lấy vợ, anh nghĩ do mình ăn uống không đầy đủ nên tinh trùng yếu, làm vợ anh khó thụ thai. Anh thay đổi chế độ ăn uống, chịu khó tập thể dục, sinh hoạt điều độ nhưng chị Thủy vẫn không có tin vui.
Đến khi gần đi xuất khẩu lao động, anh ra Hà Nội kiểm tra sức khỏe tổng quát đồng thời hai vợ chồng cũng tìm nguyên nhân việc mình khó có con thì phát hiện sự thật đau lòng trên.
Trường hợp của chồng chị Thủy được bác sĩ chỉ định làm phương pháp nuôi cấy tinh tử (mổ tinh hoàn của chồng, lấy tinh tử – là tinh trùng chưa phát triển, không có đuôi ra ngoài nuôi thành tinh trùng). Sau đó sẽ cho thụ tinh với trứng của vợ.
Hai vợ chồng chị Thủy quyết định nuôi cấy tinh trùng, sau đó sẽ gửi trong ngân hàng bảo quản. Như vậy dù chồng chị Thủy xa nhà, chị vẫn có thể chủ động thực hiện phương pháp thụ tinh nhân tạo bằng số tinh trùng dự trữ đó.
Trường hợp kể trên là một trong vô số các ca đang điều trị vô sinh, hiếm muộn ở BV Bạch Mai.
Mặc dù mới thành lập nhưng Đơn vị hỗ trợ sinh sản (trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai) đã giúp được 200 gia đình hiếm muộn có con từ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
PGS.TS Phạm Bá Nha (SN 1966 -Trưởng khoa Phụ sản, trưởng Đơn vị Hỗ trợ sinh sản, BV Bạch Mai), cho biết, hiện nay trên thế giới và Việt Nam có hai xu hướng điều trị vô sinh, hiếm muộn.
PGS.TS Phạm Bá Nha (Trưởng khoa Phụ sản, BV Bạch Mai) chia sẻ, ngân hàng tinh trùng còn giúp nhiều trường hợp mắc bệnh nan y, bảo quản tinh trùng trước khi thực hiện hóa trị, xạ trị.
Thứ nhất: Chữa để có con của chính mình. Với kỹ thuật y khoa hiện đại, các bác sĩ có thể giúp cho những người có ít tinh trùng, tinh trùng yếu vẫn có thể thụ tinh trong ống nghiệm hoặc nuôi cấy tinh tử.
Thứ hai: Sau khi đã thực hiện các biện pháp khác không mang lại kết quả, các cặp vợ chồng có thể tới ngân hàng dự trữ để xin tinh trùng. Tuy nhiên việc này phải kèm điều kiện đầy đủ tiêu chuẩn quy định của luật pháp cũng như quy định về chuyên môn.
Vẫn theo lời bác sĩ Nha, ngân hàng tinh trùng ra đời trở thành cứu cánh cho người bệnh sớm có cơ hội làm cha. Nhưng giống như các trung tâm khác, ngân hàng dự trữ bên BV Bạch Mai ít có người đến hiến.
Theo bác sĩ Nha, ngân hàng bảo quản ngoài việc dự trữ nguồn tài nguyên tinh trùng từ người hiến, mang lại cơ hội sinh con cho bệnh nhân không có tinh trùng, còn có thể hỗ trợ lưu trữ tinh trùng cho các trường hợp xác suất có thai tự nhiên thấp …
Đặc biệt, nhiều bệnh nhân mắc bệnh nan y phải điều trị ung thư bằng hóa chất, xạ trị có thể gửi mẫu trước khi thực hiện hóa trị. Bác sĩ Nha cho biết thêm ngoài việc thiếu hụt về “con giống”, việc hiến tặng trứng cũng gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
“Việc hiến trứng giúp cho những người phụ nữ bị suy buồng trứng, trứng kém phát triển… có cơ hội làm mẹ. Thế nhưng thực tế, nguồn trứng hiến tặng gần như không có. Một số trường hợp không muốn chờ đợi nguồn trứng hiến tặng đã chủ động xin của người quen, chị em ruột, họ hàng…”, Trưởng Đơn vị hỗ trợ sinh sản, BV Bạch Mai nói.
Đồng quan điểm, TS.BS Hồ Sĩ Hùng (Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BV Phụ sản Trung ương) chia sẻ, việc tạo nguồn trứng dự trữ là bất khả thi bởi gặp nhiều vướng mắc.
TS.BS Hồ Sĩ Hùng, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BV Phụ sản Trung ương.
Theo đó, để lấy được trứng người hiến phải trải qua các quy trình sàng lọc (giống như hiến tinh trùng), kiểm tra AMH (mức độ dự trữ buồng trứng) và hàng loạt các xét nghiệm khác.
Kết quả đạt tiêu chuẩn, họ được tiêm thuốc kích thích buồng trứng từ 10 đến 12 ngày, gây mê chọc hút trứng trưởng thành… Việc gây mê lấy trứng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người hiến.
Bác sĩ Hùng cho hay, tuổi tác cũng là vấn đề phải lưu ý. Theo quy định người hiến phải trong độ tuổi sinh sản từ 22 đến 35 tuổi, không được mở rộng đến 55 tuổi như hiến tinh trùng.
Bên cạnh đó, một ca hiến trứng như vậy phải bỏ ra chi phí khá cao. Trứng hiến tặng chỉ giữ được trong 24 giờ, không thể bảo quản đông lạnh như tinh trùng. Bởi vậy việc thành lập ngân hàng trứng và kêu gọi hiến trứng là bất khả thi.
Chị Ngô Thị Yến – Điều dưỡng trưởng Trung tâm hỗ trợ sinh sản Quốc gia (BV Phụ sản Trung ương), chia sẻ thêm, chị cùng các y bác sĩ từng hỗ trợ thụ tinh ống nghiệm cho trường hợp xin trứng.
Điều dưỡng Ngô Thị Yến.
Đó là câu chuyện của một nữ giảng viên đại học (xin được giấu tên) 7 năm trước. Hai vợ chồng chị chỉ sinh được một cậu con trai. Cậu bé học hết cấp 2 được mẹ cho sang Úc du học.
Quá trình học tập bên xứ người, cậu bé chẳng may qua đời sau một vụ tai nạn ô tô. Người mẹ đau đớn, tưởng rằng chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần. Chị ngày đêm vật vã, khóc lóc vì thương nhớ con.
Nửa năm sau chị mới cân bằng lại cuộc sống và tiếp tục công việc giảng dạy. Lúc này nữ giảng đã bước sang tuổi 50, chị bắt đầu nghĩ đến việc sinh thêm con nữa nhưng kết quả kiểm tra cho thấy buồng trứng của chị vào giai đoạn mãn kinh, khó có thể mang thai.
Đang lúc tuyệt vọng, chị được gợi ý đi xin trứng. Tuy nhiên khi đặt vấn đề đó với trung tâm, chị nhận được cái lắc đầu vì không có người hiến.
Chán nản, chị định từ bỏ ý định đó thì một người bạn trong TP.HCM làm nghề dược nghe chuyện của chị, đã tình nguyện hiến trứng. Trung tâm đã lấy tinh trùng của chồng nữ giảng viên và trứng hiến tặng để thụ tinh ống nghiệm.
“Sau bao nỗ lực, đau đớn, nữ giảng viên cũng đậu thai ngay lần đầu chuyển phôi và đứa trẻ được sinh ra đời trong niềm hạnh phúc vô bờ của gia đình chị”, điều dưỡng Yến mỉm cười kể lại.
PGS.TS Phạm Bá Nha:
“Pháp luật không thừa nhận tinh trùng, noãn, phôi là hàng hóa nên việc mua bán hoàn toàn bị nghiêm cấm.
Đồng thời, việc hiến trứng, tinh trùng hay phôi phải được thực hiện trên cơ sở bí mật, tự nguyện, đảm bảo tính vô danh để tránh những hệ lụy cho cả hai bên”.
Theo Nhật Lê
Vietnamnet