Hai chàng trai biến giấy thành tác phẩm nghệ thuật hút hồn
Nguyễn Hùng Cường – nổi danh trên báo nước ngoài
Hùng Cường (SN 1989, Học viên Cao học ngành Điện tử – Viễn thông, ĐH Bách khoa Hà Nội) gây bất ngờ bằng câu trả lời về số tác phẩm đã hoàn thành từ bé đến giờ: “Với nhiều người thì “gia tài” đấy giống rác lắm.
Để gấp được một mẫu thật đẹp thì mình phải gấp nháp rất nhiều lần nên tác phẩm thực sự thì ít mà “rác” đi theo sau khá lớn. Nhưng mình không vứt được những mẫu nháp đi, phải giữ lại để còn nhớ cách gấp”.
Lúc 5,6 tuổi, chưa biết đến bộ môn Origami (nghệ thuật gấp giấy) là gì, chỉ gấp những mẫu đơn giản: chiếc thuyền, mũ ca nô… như món đồ chơi hoặc môn thủ công trên lớp, Hùng Cường đã có một niềm hứng thú, say mê đặc biệt.
Origami truyền thống được thể hiện hai chiều bằng những nét gấp chính xác, sắc cạnh. Origami hiện nay kết hợp giữa việc sử dụng những đường cong và xoăn cùng với những biến tấu nghệ thuật như tạo ra những khối điêu khắc, khối cầu 3D ảo đã thêm vào origami đơn chiếc nghệ thuật sử dụng nhiều lớp giấy để tạo ra những thiết kế lớn hơn và phức tạp hơn. Và tác phẩm origami 3D của Hùng Cường được đánh giá rất sống động và đa phong cách.
Hùng Cường chia sẻ: “Khi thấy thích một thứ gì mình có xu hướng muốn lưu lại vẻ đẹp của chúng. Cách nhanh nhất có lẽ là chụp ảnh hay vẽ lại, nhưng bản thân mình thấy việc gấp chúng đem lại cho mình nhiều hứng thú hơn. Do vậy điều mình mong muốn là chia sẻ với mọi người những vẻ đẹp mà mình cảm nhận được bằng ngôn ngữ gấp giấy”.
Hùng Cường có hẳn một bộ sưu tập các loài động vật. “Từ bé mình hay xem các chương trình thế giới động vật trên truyền hình và rất thích lưu lại vẻ đẹp của những loài động vật ấy”.
Anh không chỉ làm theo mẫu gấp trên tài liệu cho sẵn mà còn sáng tạo theo những điều đã vận dụng được với kiến thức toán học. “Nếu để ý bạn sẽ nhận ra gấp giấy sử dụng nhiều quy tắc toán học, từ việc lấy phân giác, trung điểm, góc vuông…”, anh nói.
Cũng chính vậy Hùng Cường cho rằng gấp giấy nhiều sẽ giúp tăng khả năng tư duy hình học, đồng thời giúp người chơi tự sáng tạo ra các mẫu mới bằng cách vận dụng các quy tắc vừa học.
Sáng tạo và tài hoa của Hùng Cường không chỉ có tiếng vang trong nước mà còn nhận được sự chú ý của quốc tế. Anh đoạt giải Á quân Cuộc thi Origami Thế giới năm 2009, các mẫu được trưng bày tại những triển lãm, bảo tàng nhiều nước trên thế giới, thường được mời dự hội thảo Origami tại các nước Nhật, Pháp. Anh từng là “đề tài bàn tán” xôn xao trên báo nước ngoài của Nga (Etoday), Mỹ (Huffington Post) và Pháp (Etapes).
Và gần đây nhất, vào đầu tháng 10/2014 vừa qua, tác phẩm cùng những thông tin của anh lại được đăng trên Big Art/Small Art – cuốn sách tập hợp các tác phẩm nghệ thuật từ hơn 40 nghệ sỹ từ khắp nơi trên thế giới.
9 điểm đồ án tốt nghiệp bằng tác phẩm Origami
Danh chia sẻ: “Khi thực hiện đồ án cuối khóa trong ngành mỹ thuật, mình đã nghĩ đến chủ đề tranh Đông Hồ. Tuy nhiên, người xem tranh chỉ nhìn được hình ảnh (2D) nên mình muốn đồ án sử dụng nghệ thuật gấp giấy để thể hiện thành các tác phẩm dưới dạng 3D để có thể xem xét, ngắm nghía ở mọi khía cạnh, góc độ.
Có thể sẽ không giống tranh vẽ hoàn toàn nhưng khi gấp xong, người xem đều nhận ra được đó là tranh Đông Hồ. Mình mong muốn sẽ cuốn hút mọi người từ các mẫu do Việt Nam sáng tạo và giới thiệu cho họ biết tranh Đông Hồ dưới một cách thức thể hiện khác”.
Trước đó, Danh đã từng làm những tác phẩm khá gần gũi và mang bản sắc văn hóa như: chùa Một Cột, xe xích lô, lá cờ… Danh biết đến và yêu thích bộ môn Origami từ năm lớp 11.
Chọn đồ án tốt nghiệp là tranh Đông Hồ, Danh làm 8 tác phẩm. Vì thời gian eo hẹp nên cậu bạn chỉ kịp sáng tác 3 mẫu: Thả diều, Hứng dừa và Bịt mắt bắt dê. Số còn lại, anh xin phép tác giả gấp mẫu để thể hiện đồ án. Danh hoàn thiện đồ án trong vòng 2 tuần.
Hoàng Dung