Giúp việc rung lắc, nhổ nước bọt vào miệng cháu bé: Sao người ta ác thế?
Mới đây, trên mạng xuất hiện video dài gần 1 phút ghi lại cảnh người giúp việc bạo hành bé trai ở Hải Phòng gây bức xúc dư luận. Trong clip, người phụ nữ trung niên, liên tục có hành vi rung lắc mạnh đối với cháu bé. Chưa dừng lại, thấy bé trai không nín mà khóc to hơn, người giúp việc này bế ngửa bé ra sau, rồi nhổ nước bọt hai lần vào miệng cháu bé.
Chia sẻ với báo chí, chị Nguyễn Thu H. (Hải Phòng), mẹ bé trai bị bạo hành cho biết vẫn chưa hết bàng hoàng. Người giúp việc được gia đình thuê cách đây không lâu, thông qua một trung tâm môi giới việc làm tại Hải Phòng. Hình ảnh trong clip được ghi lại vào ngày 30/10, qua camera giám sát tại nhà riêng.
Khi phát hiện sự việc, gia đình chị H. đã liên hệ trung tâm môi giới để làm rõ trách nhiệm tuy nhiên trung tâm này không cung cấp được giấy tờ tùy thân của người giúp việc.
Ngay sau khi video được đăng tải, xuất hiện làn sóng phẫn nộ về hành vi bạo hành trẻ em của người giúp việc trên. Phần lớn các ý kiến cho rằng, hành động của người giúp việc này là độc ác, vô cảm. Việc rung lắc, nhổ nước bọt vào miệng trẻ không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý mà còn khiến trẻ dễ bị lây nhiễm các bệnh về hô hấp.
“Không thể chấp nhận hành vi ngược đãi trẻ em như vậy. Lương tâm của người này để đâu mà lại nỡ hành hạ một đứa bé vô tội, mới chỉ 6 tháng tuổi, không có sự tự bảo vệ bản thân?”, tài khoản tên Minh Anh bình luận.
Trong khi đó, nhiều bà mẹ có con nhỏ cho biết, họ chỉ dám xem lướt mà không dám nhìn hình ảnh cháu bé khóc. “Tôi không dám xem lại lần 2, nhìn người phụ nữ đè ngửa đứa bé non nớt, nhổ nước bọt vào miệng con mà xót xa, nhói lòng. Nghĩ đến hình ảnh con mình nếu bị hành hạ như vậy, tôi lại không kìm được nước mắt. Xã hội bây giờ vô cảm quá, không biết tin vào ai”, một người tên Lan Anh viết.
Thực tế, theo các chuyên gia việc thuê người giúp việc trông trẻ tại các gia đình khá phổ biến trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là ngày càng nhiều các trường hợp trẻ em bị bạo hành.
Chia sẻ với Pv Dân trí, Ts. Bs Nguyễn Trọng An nguyên Phó Cục trưởng Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho biết, dù với lý do gì thì hành vi rung lắc, nhổ nước bọt vào miệng trẻ em của người giúp việc trên là không thể chấp nhận. Đây là hành vi ngược đãi, bạo hành trẻ em cần phải lên án.
Mỗi năm Việt Nam ghi nhận hơn 4.500 trường hợp bạo lực, bạo hành trẻ em, trong đó khoảng 2.000 trường hợp là xâm hại tình dục.
Việc bạo hành trẻ lâu dài khiến trẻ bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề có thể dẫn tới hiện tượng sang chấn. Về lâu dài, khiến trẻ dễ phát triển tính chống đối, ngang bướng, lầm lì, ít nói, mất tự tin. Nguy hiểm hơn, trẻ có thể bắt chước các cô, các bà từ đó phát triển tính bạo lực sau này.
“Khi chúng ta giao con cho người giúp việc hay giáo viên, cần chú ý đến các biểu hiện lạ của con như: dấu vết bầm tím, vết cào, xước không rõ nguyên nhân. Đối với trẻ nhỏ, nếu con hay nôn, trớ, thay đổi lạ như hay giật mình khi ngủ, khóc thét, cáu bẳn, lo lắng, sợ sệt… thì cần phải theo dõi, tìm hiểu để tìm ra nguyên nhân”, Ts. Bs Nguyễn Trọng An.
Chuyên gia này cũng cho rằng, việc thuê người giúp việc, đặc biệt là trông trẻ nhỏ tại nhà ở Việt Nam đang gặp một vấn đề là chưa có quy định rõ ràng trong việc lựa chọn, tuyển chọn người giúp việc. Hầu hết, các gia đình tìm người làm thông qua người quen giới thiệu, trung tâm môi giới. Điều này có thể dẫn đến rủi ro là người giúp việc tâm tính không ổn định, mắc các bệnh truyền nhiễm, chưa có kỹ năng chăm sóc trẻ.
Pháp luật của chúng ta hiện nay cũng chưa đủ nghiêm. Với các vụ bạo hành, hầu hết mới dừng lại ở việc nhắc nhở, xử phạt hành chính, nếu gây thương tích, thương tổn cho trẻ thì phải từ 11% trở lên đó là những tổn thương như chảy máu, ảnh hướng hưởng cơ, xương khớp… mới có thể dùng các điều luật. Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ, thương tích khó có thể đánh giá, trong khi đó những nguy cơ về rối loạn tâm lý ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ thì không có quy định rõ ràng và rất khó để đong đếm, định lượng được.
“Ở nhiều nước trên thế giới, người chăm trẻ trước khi đi làm phải trải qua việc kiểm tra nghiêm ngặt về sức khỏe, trình độ, chuyên môn và phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện để làm việc. Đáng tiếc ở Việc Nam các quy định này còn chưa được thực hiện. Người làm công việc bảo mẫu, giúp việc chủ yếu xuất thân từ các vùng quê, gia cảnh khó khăn, hiểu biết pháp luật chưa nhiều lại thiếu kỹ năng chăm trẻ nên dễ dẫn đến các hành vi bạo hành, ngược đãi trẻ nhỏ”, ông An đặt vấn đề.
Theo ông An, các gia đình khi thuê người giúp việc trông trẻ cần phải có hợp đồng, cam kết cụ thể. Cần phải kiểm tra sức khỏe, tinh thần và kỹ năng xem người giúp việc có đảm bảo được công việc hay không? Hàng ngày, phải trò chuyện, chia sẻ để tránh họ có những áp lực, bức xúc dồn nén dẫn đến những hành vi bạo hành trẻ nhỏ. Thêm vào đó, có thể giám sát bằng camera để theo dõi việc chăm sóc trẻ hàng ngày, kịp thời phát hiện những hành vi bất thường nếu có.
Hà Trang